Mở thêm quyền xuất khẩu cho doanh nghiệp FDI

Theo baodautu.vn

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Sỹ Chung, hàm Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) cho biết, Thông tư 08/2013/TT-BCT về quy định chi tiết hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã mở thêm khá nhiều quyền cho các doanh nghiệp này.

PV: Thưa ông, cụ thể doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được bổ sung thêm quyền xuất khẩu như thế nào?

Mở thêm quyền xuất khẩu cho doanh nghiệp FDI - Ảnh 1
Ông Phạm Sỹ Chung,
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch
Bộ Công thương
Ông Phạm Sỹ Chung: Theo Thông tư 08/2013/TT-BCT (có hiệu lực từ ngày 7/6/2013), các doanh nghiệp FDI đã được cấp phép quyền xuất khẩu, thì được mua hàng hoá tại Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài.

Hàng này bao gồm cả hàng do chính doanh nghiệp đã nhập khẩu hoặc doanh nghiệp khác nhập khẩu vào Việt Nam sau khi đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính.

Như vậy, doanh nghiệp FDI sẽ rộng quyền quyết định hơn với hàng hóa mà họ đã nhập khẩu vào Việt Nam khi thay đổi kế hoạch kinh doanh, thưa ông?

Sau hơn 5 năm thực hiện Thông tư 09/2007/TT-BTM cho thấy, một số khía cạnh của quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối của doanh nghiệp FDI chưa thực sự bao quát được hết thực tiễn hoạt động kinh doanh mua bán hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Ví dụ, quyền xuất khẩu, theo quy định tại Thông tư số 09/2007/TT-BTM, doanh nghiệp FDI không được xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu. Để xuất khẩu được hàng hóa do “lỡ” nhập khẩu, doanh nghiệp FDI phải ủy thác xuất khẩu qua doanh nghiệp trong nước.

Quy định này làm hạn chế quyền xuất khẩu của doanh nghiệp và tăng thêm chi phí kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp FDI vốn tổ chức hoạt động kinh doanh theo mô hình chuỗi giá trị toàn cầu, thì quy định này sẽ phát sinh thêm khá nhiều thủ tục và gây lãng phí về thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp.

Với Thông tư 08/2013/TT-BCT, các doanh nghiệp FDI sẽ chủ động hơn rất nhiều với kế hoạch kinh doanh của mình. Tất nhiên, cũng phải nói thêm, các hàng hóa xuất khẩu phải đảm bảo điều kiện đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính theo quy định và khi xuất khẩu hàng hoá nhập khẩu, doanh nghiệp phải chịu thuế xuất khẩu (nếu có) đối với hàng hóa đó. Trong trường hợp này hàng hóa phải chịu hai lần thuế nhập khẩu và xuất khẩu.

Với quyền kinh doanh của các doanh nghiệp chế xuất có vốn đầu tư nước ngoài thì sao, thưa ông, vì lâu nay, vẫn chưa quy định rõ về quan hệ mua bán giữa doanh nghiệp chế xuất với doanh nghiệp nội địa khiến thủ tục hải quan cho hoạt động này khá phức tạp?

Theo quy định tại Nghị định 23/2007/NĐ-CP, đối tượng điều chỉnh là các doanh nghiệp FDI (bao gồm cả doanh nghiệp chế xuất), vì kể từ tháng 1/2007, khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO đã không còn có sự phân biệt doanh nghiệp FDI chế xuất với doanh nghiệp FDI nội địa, có chăng đối với doanh nghiệp FDI chế xuất có sự khác biệt về phương thức quản lý.

Lần này, Thông tư 08/2013/TT-BCT khẳng định rõ, doanh nghiệp chế xuất có vốn đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật đều có quyền hoạt động trong lĩnh vực mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá như các doanh nghiệp FDI khác tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Thông tư cũng đồng thời khẳng định hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của doanh nghiệp chế xuất có vốn đầu tư nước ngoài không được áp dụng các ưu đãi đầu tư, ưu đãi về thuế và các ưu đãi tài chính khác áp dụng đối với việc sản xuất để xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất có vốn đầu tư nước ngoài.

Thưa ông, có điểm gì mới trong Thông tư 08/2013/TT-BCT về các quy định thủ tục, trình tự lập cơ sở bán lẻ đối với doanh nghiệp FDI?

Chúng tôi đã quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn thủ tục, trình tự lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn phát triển thị trường, cũng như thông lệ quốc tế, với các quy định mở rộng hơn so với quy định của Thông tư số 09/2007/TT-BCT, Thông tư 08/2013/TT-BCT cho phép trường hợp lập cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500 m2 tại khu vực đã được tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy hoạch cho hoạt động mua bán hàng hoá và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng thì không phải thực hiện Quy định về Kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT).

Điều tôi muốn nhấn mạnh là, với những quy định mới, phù hợp hơn cả về mặt thực tiễn và chuẩn hoá hơn về mặt thủ tục hành chính. Thông tư 08/2013/TT-BCT được ban hành trong thời điểm này không chỉ góp phần bổ sung, hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI, mà còn góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ nói riêng và môi trường đầu tư nước ngoài nói chung của Việt Nam.