Mở van hút vốn tư nhân vào y tế
(Tài chính) Cơ chế thu hút đầu tư và cơ chế tài chính về y tế mới đang được Bộ Y tế triển khai mạnh mẽ sẽ là lực hút nguồn vốn đầu tư từ xã hội vào lĩnh vực y tế.
Khối y tế tư nhân thời gian qua dù vẫn còn tình trạng yếu về chuyên môn, có nơi hành nghề vượt quá phạm vi được cấp phép, lạm dụng việc xét nghiệm, không minh bạch về giá..., nhưng về cơ bản, lực lượng này đã đóng góp một nguồn lực đáng kể cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân, gánh vác một phần gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước.
Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có 170 bệnh viện tư nhân với 9.501 giường bệnh, chiếm 11% tổng số bệnh viện trong cả nước, trong đó có 6 bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài, hơn 30.000 phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế. Tỷ lệ giường bệnh tư nhân hiện đạt khoảng 4% tổng số giường bệnh. Tổng số người hành nghề trong các cơ sở y tế tư nhân trên toàn quốc là 249.852. Trong đó, bác sĩ là 64.422, y sĩ 54.478, điều dưỡng 88.019, kỹ thuật viên 15.185, hộ sinh 27.529...
Một số bệnh viện tư nhân đã phát triển mạnh mẽ và trở thành địa chỉ tin cậy cho người dân trong thời gian qua như Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec (Hà Nội), Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ (TP.HCM), Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa), Bệnh viện Đa khoa Hoàng Viết Thắng (Huế)…
Tuy nhiên, có một nghịch lý là, trong khi khối y tế công lập phải chịu áp lực lớn từ tình trạng quá tải, thì tại nhiều bệnh viện tư nhân, tình trạng trống giường luôn tái diễn. Đây chính là nút thắt lớn trong thu hút vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực y tế.
Theo kết quả tổng hợp từ 106 bệnh viện tư nhân có báo cáo về Bộ Y tế, chỉ có 5% bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh đạt 100% và có tới 56% bệnh viện có công suất rất thấp (20 - 60%).
Công suất sử dụng giường bệnh thấp là chỉ số quan trọng làm chùn tay nhiều nhà đầu tư tâm huyết muốn bỏ vốn vào lĩnh vực y tế.
Lý do của tình trạng bệnh nhân đổ dồn vào bệnh viện công lập, mà lạnh nhạt với khối y tế tư nhân, chính là vấn đề giá cả. Do bệnh viện công lập được trợ cấp về giá dịch vụ, nên giá khám chữa bệnh (kể cả trường hợp không có bảo hiểm) thấp hơn rất nhiều so với giá tại các bệnh viện tư nhân.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) đưa ra một số ví dụ về cách tính giá dịch vụ. Chẳng hạn, dịch vụ đẻ thường nếu tính đầy đủ 7 yếu tố cấu thành thì giá là 885.000 đồng/ca, nhưng hiện các bệnh viện chỉ tính 3 yếu tố và thu mức giá 525.000 đồng (kể cả trường hợp tự chi trả). Do đó, Nhà nước vẫn phải bù giá tới 360.000 đồng cho mỗi trường hợp.
Ông Liên cho biết, những bất cập trên đang được khắc phục thông qua chính sách điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố. Việc giảm dần và tiến tới xóa bỏ bao cấp về giá tại bệnh viện công lập sẽ tạo mặt bằng giá ngang bằng giữa khu vực công và khu vực tư nhân. “Điều này sẽ góp phần thu hút nguồn lực xã hội đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực y tế”, ông Liên nói.
Thực hiện chủ trương này, Bộ Y tế hiện đã đưa ra lộ trình cụ thể trong việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong khu vực công lập.
Trong giai đoạn 2014 - 2015, giá dịch vụ y tế sẽ được tính đủ các chi phí trực tiếp, phụ cấp trực, phẫu thuật, thủ thuật. Ngoài ra, giá dịch vụ trong giai đoạn này cũng sẽ tính 30% chi phí lương đối với các bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện quận thuộc Hà Nội, TP.HCM, 50% chi phí lương đối với các bệnh viện Trung ương.
Tiếp đó, giai đoạn 2016 - 2017, giá dịch vụ sẽ được tính 100% chi phí tiền lương đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương và 50% chi phí tiền lương đối với bệnh viện tuyến huyện. Từ năm 2018 trở đi, giá dịch vụ y tế công lập sẽ được tính đủ các yếu tố chi phí, bao gồm cả chi phí trực tiếp, tiền lương, khấu hao nhà cửa, trang thiết bị, đào tạo, nghiên cứu khoa học...
Song hành với lộ trình điều chỉnh viện phí, để đảm bảo chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ được thực hiện thông qua kênh bảo hiểm y tế. “Việc phân bổ ngân sách sẽ thay đổi theo hướng thay vì bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện như trước kia, sẽ chuyển sang hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng có bảo hiểm y tế”, ông Liên nói và cho biết, bảo hiểm y tế cũng sẽ thực hiện cơ chế thanh toán cho các bệnh viện dựa trên giá dịch vụ được tính đủ các yếu tố, tạo điều kiện nguồn thu cho các bệnh viện phát triển, mở rộng việc cung ứng dịch vụ.
Ngoài ra, cơ chế này cũng có tác dụng khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế, thúc đẩy việc hoàn thành mục tiêu hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Bên cạnh lộ trình cải cách giá dịch vụ, mô hình kết hợp công - tư trong phát triển dịch vụ y tế cũng là một kênh có thể sẽ giúp mở van cho dòng vốn tư nhân chảy mạnh vào lĩnh vực y tế, cùng tham gia đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tháng 12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 93/NQ-CP về một số cơ chế chính sách phát triển y tế, trong đó đã có những nội dung tạo cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện thúc đẩy mô hình kết hợp công - tư trong lĩnh vực y tế. Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh công được phép liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư để xây dựng, thành lập mới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Đồng Nai là một ví dụ thí điểm thành công về mô hình công - tư kết hợp. Trong đó, giai đoạn II Dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được đầu tư 1.200 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn xã hội hóa, với quy mô 700 giường bệnh.