Mối đe dọa từ Boko Haram
(Tài chính) Ngày 28/3, nhóm quân nổi dậy Boko Haram đã phát động hai cuộc tấn công vũ trang nhằm vào cuộc bầu cử Tổng thống ở phía Đông Bắc Nigeria, khiến 6 cử tri nước này thiệt mạng. Với những gì Boko Haram đang gây ra ở Nigeria và khu vực Trung Phi, tổ chức này thực sự là mối đe dọa đối với an ninh toàn khu vực.
Boko Haram do Mohammed Yusuf, một người Nigeria học thần học ở Ảrập Xêút, sáng lập năm 2002 trên cơ sở một học thuyết bắt nguồn từ Giáo phái Sunni tại Afghanistan. Ban đầu, giáo phái chủ trương hoạt động không bạo lực, thông qua các bài thuyết giáo chống bất công xã hội. Mohammed Yusuf muốn hình thành một xã hội dựa trên nền tảng đạo Hồi khắt khe, nhưng không cực đoan như phe Jihad.
Với tài diễn thuyết, Mohammed Yusuf thu hút được cảm tình của người dân vùng đông Bắc Nigeria, nhất là tại Maiduguri. Theo ước tính của John Luka, một người công giáo từng ở khu vực này thì vào thời điểm đó gần 40% sinh viên đại học, trở thành những cảm tình viên của phái Boko Haram.
“Yusuf biết cách sử dụng sự bất mãn của một giới trẻ nghèo khó, dù có học hay không, cảm thấy bị chính quyền trung ương bỏ rơi và không tìm được việc làm”, ông John Luka giải thích. Các vụ tấn công chủ yếu nhắm vào cảnh sát, gái mại dâm hay những kẻ buôn bán rượu.
Sau khi người sáng lập Yusuf bị ám sát vào năm 2009, học trò của ông là Abubakar Shekau lên lãnh đạo giáo phái. Lãnh đạo mới tuyên bố trả thù cho cái chết của nhà sáng lập và đe dọa làm cho đất nước không thể điều hành. Kể từ đó, Maiduguri, vùng biên giới đông Bắc Nigeria chìm đắm trong hỗn loạn, với tình trạng mỗi ngày có hàng trăm nạn nhân thiệt mạng.
Để có tiền hoạt động, Boko Haram tấn công các ngân hàng, bắt cóc đòi tiền chuộc và tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào các nhà tù để giải thoát các chiến binh. Song song đó, để nâng hiệu quả tuyển dụng, Boko Haram không dùng đến ý thức hệ để kêu gọi, mà dùng bạo lực, bắt cóc, đe dọa, tà thuật, cho tiền hay cướp ép kết hôn.
Theo phương ngữ Hausa, nghĩa đen của từ “Boko” là giả và nghĩa bóng của nó là giáo dục phương Tây. “Haram” là điều cấm trong kinh Koran. Do đó, Boko Haram được diễn giải “Giáo dục phương Tây là tội lỗi”. Trên thực tế, Boko Haram cấm người Hồi giáo tham gia các hoạt động chính trị hoặc xã hội liên quan đến phương Tây, ví dụ đi bầu cử, mặc âu phục và đi học ở bất cứ trường nào khác ngoài trường Hồi giáo. Boko Haram không công nhận thuyết tiến hóa, cho rằng việc khẳng định trái đất tròn hay mưa được tạo ra do nước bốc hơi bởi ánh nắng mặt trời là “trái với đạo lý”.
Sau khi Abubakar Shekau thay thế Yusuf lên nắm quyền lãnh đạo Boko Haram, nhân vật này công khai ủng hộ Abubakar al-Baghdadi, thủ lĩnh IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng) và Mollah Omar, thủ lĩnh Taliban, trong một tuyên bố ngày 13/7/2014. Động thái này được coi là nhằm kiếm thêm vây cánh và dễ tuyển mộ tín đồ.
Dù quân số không đông (khoảng 10.000) nhưng Boko Haram đã sát hại khoảng 10.000 thường dân trong năm 2014, so với 2.000 người trong 4 năm trước. “Thành tích” này vượt xa IS về mặt số lượng và mức độ tàn ác. Khiếp sợ Boko Haram, tính đến cuối năm vừa qua, hơn 1,5 triệu người sống trong vùng chiến sự đã phải chạy tị nạn, bỏ lại nhà cửa, vườn tược.
Theo ông Mathieu Guidère, chuyên gia về đạo Hồi và các phong trào Hồi giáo, Boko Haram đang biến thành một tổ chức hỗn hợp: Giống al-Qaeda ở học thuyết, chiến lược thông tin (ra tuyên bố bằng video clip) và giống IS ở hành động man rợ (tàn sát cả làng vì nghi ngờ hợp tác với chính quyền, chặt đầu, thiêu sống…).
Boko Haram lúc đầu giới hạn cuộc thánh chiến ở Nigeria, nước có trữ lượng dầu khí lớn nhất và đông dân nhất (174 triệu người) châu Phi. Tuy vậy, sau khi Shekau tuyên bố sẽ tái chiếm lãnh thổ xưa của “Vương quốc Hồi giáo Sokoto” (ngày 5/1/2015) - bao gồm Nigeria, Cameroon, Chad và Niger - thì tổ chức này thực sự trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với toàn khu vực giống như IS đang làm ở Trung Đông. Đã có 7 nước và tổ chức quốc tế, gồm cả Liên Hợp Quốc và Mỹ, xếp Boko Haram vào danh sách tổ chức khủng bố cần loại trừ.