Mỗi năm, các vụ tấn công tin tặc khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại ước khoảng 600 tỷ USD
Theo trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Washington, mỗi năm, các vụ tấn công tin tặc khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại ước chừng khoảng 600 tỷ USD.
Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long, đã rất tức giận khi thông tin y tế của khoảng 1,5 triệu bệnh nhân đã bị đánh cắp từ bệnh viện công lớn nhất của Singapore.
Trên trang cá nhân của mình, Thủ tướng Singapore viết: “Bản thân tôi cũng bị ảnh hưởng, mọi chuyện diễn ra không hề ngẫu nhiên. Những kẻ tấn công không ngừng nhắm đến thông tin y tế của tôi’.
Không nhắc đến một cái tên nào cụ thể, chính phủ Singapore tuyên bố những đối tượng có liên quan đến nhà nước đứng đằng sau vụ tấn công, kẻ trộm lấy đi thông tin kiểu như tên, mã số cá nhân, và thông tin chi tiết về bệnh lý của bệnh nhân.
Không ít chuyên gia nghi ngờ rằng, đứng đằng sau vụ việc chính là Trung Quốc.
Người đứng đầu trung tâm chính sách công nghệ thông tin thuộc Viện chính sách chiến lược Australia (ASPI), ông Fergus Hanson, nhấn mạnh: “Những gì diễn ra giống như hoạt động công nghệ của Trung Quốc”. Cũng theo cáo buộc của ông, chính Bắc Kinh cũng từng bị nghi ngờ đứng sau cuộc tấn công lấy dữ liệu y tế tại Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuy nhiên không phản hồi đề nghị đưa ra bình luận về vụ việc.
Singapore không phải nước duy nhất bị tin tặc tấn công. Chính phủ một số nước châu Á khác đang ngày một nhận ra tầm quan trọng của những biện pháp nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công tương tự diễn ra trong tương lai.
Trong trường hợp Singapore, thông tin y tế bị đánh cắp có thể được sử dụng để tống tiền nhiều chính trị gia hoặc chủ doanh nghiệp có bệnh dễ gây tâm lý xấu hổ như bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Nổi danh là quốc gia thông minh với công nghệ được sử dụng tối ưu ở quốc đảo này, vụ tấn công tin tặc có thể coi như bước lùi với Singapore. Vụ tấn công tin tặc dù đe dọa gây tổn hại niềm tin vào thương mại, tài chính và hệ thống giao thông của Singapore, chính phủ Singapore vẫn được đánh giá cao về khả năng phát hiện và phản ứng nhanh.
Vụ việc tấn công vào SingHealth bị phát hiện vào ngày 4/7/2018. Chính phủ Singapore công bố thông tin chính thức về vụ việc vào ngày 20/7/2018 và tiến hành cuộc điều tra độc lập.
Tính chung trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thời gian trung bình từ khi tin tặc tấn công cho đến khi chúng bị phát hiện ra ước chừng khoảng 498 ngày (thống kê ở thời điểm năm 2017), theo khảo sát của công ty an ninh mạng Mỹ FireEye. Con số này quá cao nếu so với 75,5 ngày tại các nước châu Mỹ và 175 ngày tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Dù cuối cùng, Singapore cũng giải quyết được vụ việc êm đẹp, thế nhưng con số kể trên cho thấy tính dễ tổn thương với tin tặc của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các nước trong khu vực này vẫn chưa ý thức đầy đủ và có đủ công cụ để chia sẻ thông tin khi tin tặc tấn công.
Còn theo chuyên gia công nghệ thông tin, vụ việc tấn công tại SingHealth cho thấy ngay cả những nước rất quan tâm đến an ninh mạng cũng đối diện với không ít rủi ro, và họ sẽ gặp khó khi muốn bảo vệ họ khỏi những kẻ tấn công.
Những nghiên cứu về thiệt hại liên quan đến tin tặc có thể khiến không ít người giật mình.
Mỗi năm, các vụ tấn công tin tặc khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại ước chừng khoảng 600 tỷ USD, theo trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Washington.
Nghiên cứu khác được đồng thực hiện bởi Microsoft Asia và Frost & Sullivan cho thấy thiệt hại kinh tế trực tiếp và gián tiếp do tin tặc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương ước tính khoảng 1,74 nghìn tỷ USD trong năm 2017. Con số này tương đương đến 7% tổng GDP của khu vực.