Mỗi năm thế giới sẽ thiệt hại tới 25.000 tỷ USD do ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường đe dọa sức khỏe của hàng tỷ người và sẽ khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại tới 25.000 tỷ USD mỗi năm trong những thập niên tới.
Báo The National News của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) ngày 18/12 dẫn báo cáo công bố mới đây của Nền tảng Khoa học-Chính sách Liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái (IPBES) cho biết, trong những thập niên tới ô nhiễm môi trường sẽ khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại tới 25.000 tỷ USD mỗi năm và đe dọa sức khỏe của hàng tỷ người, trừ phi các chính phủ giải quyết được tác động của ô nhiễm môi trường đối với đa dạng sinh học và sản xuất lương thực.
IPBES, một tổ chức phi chính phủ về khoa học và chính sách liên quan đến các vấn đề đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái, mô tả báo cáo này là "báo cáo đánh giá khoa học tham vọng nhất từng được thực hiện" về mối liên hệ giữa các yếu tố có ảnh hưởng quan trọng đến mức sống toàn cầu, bao gồm đa dạng sinh học, nước, lương thực, sức khỏe và biến đổi khí hậu.
Theo các tác giả của báo cáo, 5 vấn đề này là rất quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, cùng với đó cảnh báo việc giải quyết các thách thức một cách riêng rẽ sẽ làm cho bức tranh toàn cầu trở nên tồi tệ hơn.
Đồng tác giả của báo cáo, Giáo sư Paula Harrison của Trung tâm Sinh thái và Thủy văn Vương quốc Anh nêu rõ: Thông điệp gửi đến các nhà hoạch định chính sách đó là sẽ không thể giải quyết bền vững bất kỳ vấn đề nào trong số đó (sản xuất lương thực, biến đổi khí hậu hoặc mất đa dạng sinh học) mà không xem xét những vấn đề khác.
Báo cáo của IPBES cho biết, trong 30 - 50 năm qua, đa dạng sinh học toàn cầu đã suy giảm từ 2% - 6% mỗi thập niên.
Báo cáo cho biết thêm 50% dân số toàn cầu hiện sống ở những khu vực bị suy giảm mạnh nhất về đa dạng sinh học, nguồn nước và an ninh lương thực. Đây là những khu vực chịu những tác động tồi tệ nhất từ biến đổi khí hậu.
Báo cáo chỉ ra rằng 58.000 tỷ USD (tương đương hơn một nửa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu) đã được tạo ra vào năm 2023 trong các lĩnh vực phụ thuộc đáng kể hoặc phần lớn vào tự nhiên.
Theo ước tính của các tác giả của báo cáo, GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 10.000 - 25.000 tỷ USD mỗi năm do các tác động tiêu cực của ngành nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và thủy sản đối với đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, nước và sức khỏe.
Bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) đánh giá báo cáo của IPBES nhấn mạnh, sự cần thiết của các hệ thống tri thức đa dạng, các giá trị và cách tiếp cận quản trị để giải quyết hiệu quả các thách thức toàn cầu hiện nay.
Ô nhiễm môi trường là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe con người, động thực vật và hệ sinh thái. Khói bụi và các chất độc hại trong không khí có thể gây ra các bệnh về hô hấp. Nước bị ô nhiễm bởi các hóa chất công nghiệp và nông nghiệp làm giảm chất lượng nước uống, gây nhiễm trùng và các bệnh về gan, thận. Đất bị nhiễm bẩn làm giảm độ phì nhiêu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, ô nhiễm còn gây ra biến đổi khí hậu, dẫn đến thiên tai, mất mùa, và sự suy giảm đa dạng sinh học, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của hành tinh.