Ở Việt Nam, pháp luật về NQTM và pháp luật cạnh tranh đều là những bộ phận của hệ thống luật thương mại, có mối quan hệ qua lại tương hỗ lẫn nhau. Hiện nay, các quy định của pháp luật về NQTM đang được quy định rải rác trong Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, mối quan hệ giữa hai mảng luật này chủ yếu liên quan tới các quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (TTHCCT).
Bên cạnh đó, những quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền có thể có những liên quan còn các quy định về tập trung kinh tế trong pháp luật cạnh tranh hầu như không có mối quan hệ với pháp luật về NQTM. Do đó, việc nghiên cứu các quy định pháp luật về cạnh tranh khi thực hiện hoạt động NQTM cũng như các vụ tranh chấp liên quan là rất cần thiết nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho hoạt động NQTM diễn ra trên thị trường Việt Nam cũng như trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, để giúp DN có thể tránh được các kiện tụng liên quan tới các hành vi hạn chế cạnh tranh của bên nhận quyền Việt Nam, giúp cho cả các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực tương ứng có những hiểu biết đầy đủ, từ đó có hướng để hoàn thiện pháp luật về NQTM nói riêng và pháp luật thương mại nói chung, đáp ứng xu thế hội nhập.
NQTM trong mối quan hệ với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh
TTHCCT là một trong những biểu hiện của thỏa thuận vi phạm nguyên tắc tự do kinh doanh. Theo đó, các đối thủ cạnh tranh ký kết thỏa thuận nhằm hạn chế khả năng tham gia thị trường của các đối thủ cạnh tranh tiềm năng, để loại bỏ một số đối thủ nào đó trên thương trường hay để hạn chế, thủ tiêu sự cạnh tranh giữa những đối thủ cạnh tranh.
Về bản chất, NQTM đòi hỏi tính thống nhất trong hệ thống rất cao, vì thế, tính cạnh tranh nói chung và hành vi TTHCCT nói riêng trong quan hệ NQTM chỉ tồn tại trong mối quan hệ giữa bên nhượng quyền với các bên nhận quyền mà không tồn tại trong mối quan hệ giữa các bên nhận quyền.
Mối quan hệ giữa các quy định pháp luật về NQTM với các TTHCCT thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:
Thoả thuận liên quan đến duy trì tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống nhượng quyền: Trong hoạt động NQTM, yêu cầu về tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống là vấn đề bắt buộc. Tuy nhiên, yêu cầu này có thể bị coi là một TTHCCT khi rơi vào trường hợp: Thoả thuận áp đặt cho DN khác điều kiện ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá dịch vụ hoặc buộc DN khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng hoặc sẽ bị cấm, nếu “các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên”. Như vậy, nếu các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan dưới 30% thì thoả thuận về duy trì tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống nhượng quyền, mặc dù có thể bị coi là TTHCCT nhưng vẫn được phép thực hiện.
Nếu các bên rơi vào trường hợp bị cấm thì thỏa thuận của các bên vẫn có thể được miễn trừ có thời hạn nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau nhằm hạ giá thành, có lợi cho người tiêu dùng: Hợp lý hoá cơ cấu tổ chức, mô hình kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh doanh; Thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ... Khi đó, ràng buộc bán kèm trong NQTM thường sẽ được quy về có mục đích hợp lý hoá mô hình kinh doanh hoặc thúc đẩy việc áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm.
Ngoài ra, Nghị định số 35/2006/NĐ-CP cũng cho phép bên nhượng quyền có quyền từ chối chuyển giao quyền thương mại nếu bên dự kiến nhận quyền: Chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn lựa chọn của bên nhượng quyền trực tiếp, hay bên dự kiến nhận quyền không đồng ý bằng văn bản rằng, sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của bên nhận quyền theo hợp đồng NQTM. Như vậy, có thể dẫn đến khả năng khi bên nhượng quyền có thị phần lớn sẽ có khả năng chi phối bên nhận quyền, bên nhượng quyền có thể áp đặt các điều kiện ràng buộc bán kèm, trong khi bên nhận quyền thường không có sự lựa chọn khả thi nào khác. Theo đó, các ràng buộc bán kèm bất hợp lý đó vẫn có thể không vi phạm chế định TTHCCT. Như vậy, việc giải quyết hợp lý điểm mâu thuẫn này hết sức quan trọng.
Bộ Công Thương cần đưa ra được giới hạn của những hành vi có dấu hiệu hạn chế cạnh tranh nhưng không vi phạm pháp luật cạnh tranh, để tạo sự an tâm cho các bên nhượng quyền, vừa khuyến khích hoạt động NQTM, lại vừa bảo đảm thiết lập môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Bên cạnh đó, việc xác định DN có vị trí thống lĩnh thị trường theo Điều 11 Luật Cạnh tranh hết sức khó khăn như: Có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Tuy nhiên, việc xác định khái niệm “thị trường liên quan” lại là một vấn đề còn nhiều tranh cãi. Cùng với đó, như thế nào là “có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể ” hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Thoả thuận liên quan tới giá của sản phẩm: Về mặt lý thuyết, nếu trong hợp đồng NQTM có điều khoản về ấn định giá bán, thì điều khoản này sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh, bởi pháp luật về NQTM chưa hề có quy định nào đề cập đến vấn đề này. Theo đó, ấn định giá bán là hành vi của một DN trong cung cấp hàng hoá và dịch vụ cho một DN khác, để ấn định giá bán lại sản phẩm đó nhằm ấn định, duy trì mức giá độc quyền của DN và để ngăn ngừa sự cạnh tranh từ các đối thủ cạnh tranh trên thị trường liên quan (ấn định giá tối thiểu); Hoặc bảo đảm chiến lược bán phá giá của DN (ấn định giá tối đa).
Hành vi ấn định giá bán được quy định tại khoản 1 Điều 8 (liên quan đến TTHCCT) và khoản 2 Điều 13 (liên quan đến hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường) của Luật Cạnh tranh: “Thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp”, bị cấm nếu thị phần kết hợp của các bên tham gia thoả thuận trên thị trường liên quan từ 30% trở lên. Vấn đề cần lưu tâm ở đây chính là thuật ngữ “thị phần kết hợp”. Theo Điều 3 Luật Cạnh tranh: “thị phần kết hợp là tổng thị phần trên thị trường liên quan của các DN tham gia vào TTHCCT”. Nếu các DN tham gia thỏa thuận là cùng một vị trí thì “Thị phần kết hợp” là có thể tính được. Tuy nhiên, nếu các DN tham gia lại nằm ở các vị trí khác nhau thì việc xác định “thị phần kết hợp” sẽ hết sức khó khăn.
Thoả thuận phân chia thị trường: Thị trường và thị trường liên quan là một trong những khái niệm khó xác định, để tính thị phần của DN. Thực chất các TTHCCT về khu vực kinh doanh, về khách hàng trong hợp đồng NQTM, trong một chừng mực nhất định, kìm hãm không cho DN khác tham gia thị trường, phát triển kinh doanh hoặc loại bỏ khỏi thị trường những DN không phải là các bên của thoả thuận.
Khi bên nhận quyền được độc quyền trong một khu vực kinh doanh, sẽ cản trở bên thứ ba ký kết hợp đồng NQTM, để kinh doanh tại khu vực nêu trên. Câu hỏi đặt ra rằng đây có phải là “thoả thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho DN khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh” (Điều 8 Luật Cạnh tranh) – thỏa thuận hạn chế cạnh trạnh bị cấm tuyệt đối theo Điều 9 hay không?
Bên cạnh những thoả thuận thuộc dạng phân chia khu vực kinh doanh, hành vi phân chia thị trường còn biểu hiện ở các thoả thuận về phân chia khách hàng.
Thứ nhất, bên nhượng quyền đảm bảo việc không tranh giành khách hàng với bên nhận quyền (cam kết không mở thêm bất kỳ cửa hàng nào trên phạm vi lãnh thổ đã quy định trong hợp đồng NQTM hay không bán hàng cho một bên thứ ba bất kỳ khác trong phạm vi lãnh thổ đó);
Thứ hai, cấm bên nhận quyền quảng cáo ngoài phạm vi lãnh thổ được quy định sẵn trong hợp đồng NQTM;
Thứ ba, bên nhận quyền có nghĩa vụ chỉ bán hàng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, dạng thoả thuận như cấm bên nhận quyền bán lại hàng không mang nhãn hiệu của bên nhượng quyền thì có vi phạm pháp luật cạnh tranh hay không? Hiện pháp luật cạnh tranh, pháp luật về NQTM của Việt Nam lại chưa có quy định nào đề cập đến vấn đề này.
NQTM với hành vi lạm dụng vị trí và độc quyền
Khi DN có vị trí thống lĩnh, đặc biệt là độc quyền sẽ tạo cho DN lợi thế cực kỳ quan trọng trên thị trường. Tuy nhiên, khi đã đạt được vị trí độc quyền rồi thì họ lại thường có xu hướng lạm dụng vị thế đó để nâng cao vị thế của mình và gây thiệt hại cho xã hội. Vì thế, pháp luật cạnh tranh phải có nhiệm vụ kiểm soát các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền để bảo vệ thị trường, bảo vệ sự vận hành bình thường của quy luật cạnh tranh.
Luật Cạnh tranh cấm DN, nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường áp đặt giá bán tối thiểu mà không cần xem xét lợi ích của việc ấn định giá bán lại tối thiểu. Trong Điều 11, Luật Cạnh tranh có quy định:
- DN được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở nên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể.
- Nhóm DN được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh và thuộc một trong các trường hợp sau đây: DN có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan; DN có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan; DN có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan.
DN được coi là có vị trí độc quyền nếu không có DN nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà DN đó kinh doanh trên thị trường liên quan. Như vậy, theo Luật Cạnh tranh đã xác định cụ thể vị trí thống lĩnh thị trường chủ yếu dựa vào yếu tố thị phần mà DN đang nắm giữ trên thị trường liên quan. Điều 13 Luật Cạnh tranh cũng đã quy định cụ thể các hành vi bị coi là lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền mà DN, nhóm DN có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền bị cấm.
Ngoài ra, khi bên nhượng quyền có vị trí thống lĩnh thị trường rất có thể hành vi bán kèm của nó sẽ rơi vào Điều 13 Luật Cạnh tranh “áp đặt điều kiện cho DN khác ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc DN khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng hợp đồng” và sẽ bị cấm. Giả sử, Công ty Cà phê Trung Nguyên buộc bên nhận quyền phải mua cà phê Trung Nguyên để chế biến và pha cà phê thì ràng buộc bán kèm đó là cần thiết hay không? Có liên quan đến đối tượng hợp đồng không?...
Rõ ràng, điều này là cần thiết để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống, đảm bảo người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm như nhau tại các cửa hàng nhượng quyền của Trung Nguyên. Trong một trường hợp khác, Công ty cà phê Trung Nguyên có vị trí thống lĩnh thị trường trên thị trường tỉnh Đắc Lắc và khi chuyển giao quyền thương mại, công ty buộc các bên nhận quyền phải mua đồ dùng bằng nhựa của công ty nhựa Song Long thì ràng buộc này liệu có liên quan đến đối tượng của hợp đồng NQTM hay không? Đó cũng là điều mà hành lang pháp lý của NQTM chưa tính đến.
Pháp luật cạnh tranh mới quy định một cách chung nhất về khía cạnh cạnh tranh trong các hoạt động kinh tế. Còn việc ở mỗi lĩnh vực khác nhau thì lại có những đặc trưng khác nhau như đã nêu ở trên. Thực tế, có những quy định tưởng như hoàn toàn hợp lý trong hoạt động NQTM nhưng khi nhìn nhận dưới góc độ pháp luật cạnh tranh thì lại là vi phạm. Vì thế bên cạnh Luật cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành, thiết nghĩ thời gian tới hệ thống pháp luật cần phải có những hướng dẫn cụ thể với những hoạt động kinh tế đặc trưng khác nhau.
Hiện nay, pháp luật về cạnh tranh và pháp luật về NQTM còn tồn tại nhiều mâu thuẫn. Để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật về thương mại thì việc cần làm trước mắt chính là đảm bảo sự phù hợp giữa pháp luật về NQTM và các pháp luật khác có liên quan, trong đó có pháp luật về cạnh tranh. Bộ Công Thương cần đưa ra được giới hạn của những hành vi có dấu hiệu hạn chế cạnh tranh nhưng không vi phạm pháp luật cạnh tranh, để tạo sự an tâm cho các bên nhượng quyền, vừa khuyến khích hoạt động NQTM lại vừa bảo đảm thiết lập môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Ngoài ra, các DN có hoạt động chuyển giao quyền thương mại cần lưu ý khía cạnh pháp luật cạnh tranh trong hoạt động của mình, nhất là khi NQTM ra nước ngoài; Cần cung cấp và đăng ký các thông tin về hạn chế cạnh tranh cụ thể, chính xác trong hợp đồng NQTM với cơ quan quản lý nhà nước về NQTM ở nước sở tại và bên nhận quyền dự kiến. Đối với bên nhận quyền ở Việt Nam, trước khi giao kết hợp đồng NQTM, nên yêu cầu bên nhượng quyền giải thích rõ các điều khoản hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng NQTM, cũng như quy định chi tiết các ràng buộc có thể phát sinh trong tương lai; Đồng thời nên vận dụng pháp luật cạnh tranh để bảo vệ quyền lợi của mình khi bên nhượng quyền lạm dụng quyền sau khi bên nhận quyền đã đầu tư tài chính và nhân lực vào hoạt động NQTM đó.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Cạnh tranh năm 2004;
2. Luật Thương mại năm 2005;
3. Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/03/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại.
Mối quan hệ giữa pháp luật nhượng quyền thương mại và cạnh tranh
(Tài chính) Nhượng quyền thương mại (NQTM) đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm trên thế giới và được giới thương nhân xem như là một phương thức kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhượng quyền thương mại vẫn còn khá mới mẻ và đầy thách thức. Trong tương lai gần, hình thức kinh doanh này sẽ là cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp (DN) Việt, nhất là các DN có tham vọng song chưa đủ sức tham gia vào các thị trường lớn trên thế giới.
Xem thêm