Mỗi tháng xuất khẩu gần 10 tỷ USD
Xuất khẩu hàng hoá quý I/2013 đạt kết quả nổi bật nhất trong nhiều tiêu chí, dấu hiệu cho thấy năm 2013 tiếp tục thành công về xuất khẩu.
Thứ hai, so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 19,7%. Đây là tốc độ tăng khá cao xét dưới các góc độ khác nhau. Cao hơn nhiều tốc độ tăng theo kế hoạch đề ra cho cả năm (10%) và tiến độ này là tín hiệu khả quan để vượt kế hoạch cả năm.
Đạt được tốc độ cao như trên càng có ý nghĩa trong điều kiện kinh tế thế giới chưa phục hồi. Một số đối tác thương mại lớn của Việt Nam đưa ra các hàng rào kỹ thuật như đánh thuế bán phá giá, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm giá đồng tiền...
Ví dụ như thị trường Nhật, cách đây mấy tháng, 1 yên Nhật đổi 267 - 270 VND, nay chỉ còn 222 VND, có thời điểm còn thấp hơn nữa.
Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế và tiếp tục là động lực của tăng trưởng. Tăng trưởng đạt được ở cả 2 khu vực, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng cao hơn và chiếm tỷ trọng lớn hơn. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, ở các mặt hàng có kim ngạch lớn nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng cao chủ yếu do lượng xuất khẩu tăng.
Thứ ba, mới qua 3 tháng đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Cao nhất là điện thoại các loại và linh kiện (4,48 tỷ USD), dệt may (3,79 tỷ USD)...
Thứ tư, trong 2 tháng đầu năm đã có 4 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, cao nhất là Mỹ (3,15 tỷ USD), Trung (1,89 tỷ USD), Nhật Bản (1,88 tỷ USD), Hàn Quốc (1,09 tỷ USD)...
Thứ năm, do xuất khẩu đạt quy mô lớn hơn nhập khẩu, tốc độ tăng xuất khẩu cũng cao hơn nhập khẩu (19,7% so với 17%) nên quý I năm nay, xuất siêu đạt gần 500 triệu USD. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 3,12 tỷ USD. Đây là tín hiệu khả quan cho cả năm nay sẽ không nhập siêu lớn. Theo kế hoạch, năm 2013, Việt Nam nhập siêu khoảng 10 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu là 8%.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng còn một số hạn chế và thách thức. Khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu ít, tăng trưởng thấp, trong khi nhập khẩu lại tăng cao nên nhập siêu của khu vực này lớn. Nhập siêu tập trung chủ yếu ở một số thị trường không phải là công nghệ nguồn. Nhập siêu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore trong 2 tháng đầu năm đã lên đến gần 5,5 tỷ USD.