Mong manh số phận của 4 công ty chứng khoán!
(Tài chính) Chỉ trong vòng 2 tháng qua, đã có 4 công ty chứng khoán (CTCK) bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt do "sức khỏe" tài chính quá yếu. Thua lỗ 3 năm liên tiếp, không cải thiện được các chỉ số an toàn tài chính, bung bét nhiều sai phạm, tranh chấp với nhà đầu tư… là bức tranh ảm đạm của hệ thống CTCK giữa lúc "chợ chiều".
Danh tính 4 công ty này đã được thông báo tới toàn thị trường, gồm: Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHBS), Chứng khoán Viễn Đông, Chứng khoán Việt Quốc, Công ty TNHH Chứng khoán CIMB-Vinashin. Trước đó, những biện pháp khắc phục tình trạng thua lỗ ở giai đoạn bị kiểm soát của các CTCK đã không có hiệu quả.
Lỗ mất cả vốn
Mới đây, ngày 5/9, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với Công ty Chứng khoán MHBS do vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư 165/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính về chỉ tiêu an toàn tài chính, biện pháp xử lý đối với CTCK không đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính. Đồng thời, UBCKNN yêu cầu, công ty phải có biện pháp nhanh chóng khắc phục tình trạng này. Thời gian kiểm soát đặc biệt là 4 tháng, tính từ ngày 5/9/2014 đến ngày 5/1/2015.
Cũng trong tình cảnh tương tự, 3 CTCK khác đã không khắc phục được tình trạng "sức khỏe" tài chính "ốm yếu" sau một thời gian bị UBCKNN đưa vào vòng kiểm soát. Cụ thể, Chứng khoán Viễn Đông (thời gian 12 tháng, từ 24/7/2014 đến 24/7/2015), Chứng khoán Việt Quốc (thời gian 2 tháng kể từ 18/6/2014), Công ty TNHH Chứng khoán CIMB-Vinashin (4 tháng kể từ ngày 29/8/2014). Riêng CTCK Việt Quốc đã phải tạm dừng hoạt động trong vòng 90 ngày kể từ ngày 1/4/2014.
Theo quy định, CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng giá trị rủi ro dao động từ 120 – 150% trong 3 tháng liên tiếp sẽ bị đặt vào tình trạng "kiểm soát". Nếu tỷ lệ này giảm xuống dưới 120% hoặc không khắc phục trong vòng 12 tháng thì sẽ bị đặt vào diện "kiểm soát đặc biệt". Trước đó, ở giai đoạn bị kiểm soát với thời gian kéo dài khoảng 12 tháng, UBCKNN có quyền yêu cầu CTCK phải bán tài sản có mức độ rủi ro cao, hạn chế, ngừng mua cổ phiếu quỹ. Đồng thời, phải tiến hành thu hồi nợ, bán lại cổ phần, phần vốn góp cho chủ nợ…
Như trường hợp CTCK Viễn Đông đã ngập trong cảnh thua lỗ liên miên. Tổng số lỗ lũy kế tính đến cuối quý I/2014 là 44,5 tỷ đồng. Riêng trong quý I/2014, công ty lỗ tiếp 1,26 tỷ đồng do doanh thu sụt giảm mạnh (giảm tới 60%), chi phí quản lý tăng cao, lợi nhuận diễn biến theo chiều hướng ngày càng xấu hơn. Vốn đầu tư của chủ sở hữu đã bị "ăn mòn", giảm xuống chỉ còn 90,48 tỷ đồng.
Làm ăn bết bát với doanh thu, lợi nhuận "bèo bọt" như vậy, song các khoản công nợ của Chứng khoán Viễn Đông lên tới vài chục tỷ đồng. Tổng khoản phải thu hơn 72 tỷ đồng (từ giao dịch chứng khoán, trả trước cho người bán, khoản phải thu khác). Trong khi đó, công ty vẫn còn nợ nhiều khoản thuế, lương người lao động, nợ cổ tức và lãi trái phiếu, hoạt động giao dịch chứng khoán… với số tiền gần 3,2 tỷ đồng. Với tình cảnh này, các nhà đầu tư, chủ nợ, đối tác đã và đang có giao dịch tại Chứng khoán Viễn Đông sẽ khó xử lý các nghĩa vụ tài chính.
Đáng sợ hơn cả thua lỗ!
Trong tình cảnh thị trường chứng khoán suy thoái, thì chuyện CTCK bị "bêu tên" trong diện "bị kiểm soát đặc biệt" xuất hiện ngày càng phổ biến hơn. Từ tháng 4/2012, UBCKNN đã đưa 6 CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt do tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro nhỏ hơn 120%. Có thể kể đến, Chứng khoán Cao Su, Vina; Chứng khoán Hà Nội; Chứng khoán Trường Sơn; Mê Kông… Trước khi bị đưa vào danh sách đen, Công ty chứng khoán Vina đã khiến cổ đông thất vọng vì lỗ liên tiếp 4 năm với tổng mức lỗ hơn 157 tỷ đồng, làm mất tới 70% vốn điều lệ (VĐL là 185 tỷ đồng). Một số CTCK đã bị thua lỗ nặng, mất gần hết vốn chủ sở hữu.
Nếu hết thời gian kiểm soát đặc biệt, các CTCK vẫn không khắc phục được tình trạng vi phạm, thua lỗ, có lỗ gộp vượt mức 50% vốn điều lệ trở lên thì bị đình chỉ hoạt động. Song thực tế, chưa ghi nhận trường hợp CTCK nào bị đình chỉ hoạt động.
Có thể được cơ quan quản lý "nương tay" với các CTCK làm ăn bết bát, nhưng, những hệ lụy, thiệt hại mà cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng giao dịch phải gánh chịu thì vẫn chưa có giải pháp "bù đắp". Chẳng hạn, CTCK bị kiểm soát đặc biệt sẽ không được trả cổ tức, chia thưởng cho cổ đông, bị hạn chế hoạt động đầu tư cổ phiếu, góp vốn, kinh doanh…
Một nhà đầu tư chứng khoán đã rất ngao ngán khi nhắc đến khoản đầu tư hơn 500 triệu đồng tại một CTCK (có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) từ năm 2012, chưa thu hồi được. Tranh chấp nảy sinh khi CTCK bán trộm chứng khoán trên tài khoản của khách hàng, không trả lại hàng cũng không bồi thường thiệt hại. Sau nhiều lần hối thúc, tranh cãi gay gắt song vẫn không có kết quả, nên nhà đầu tư buộc phải "cạch mặt" công ty này.
Do đó, chưa đợi đến khi công ty bị đưa vào vòng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt thì nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ thất vọng với cách hành xử của một số CTCK, kém minh bạch thông tin, quản trị lỏng lẻo… Mà, những điều này có thể đẩy nhà đầu tư vào những rủi ro pháp lý trong giao dịch chứng khoán. Tâm lý thận trọng và sẵn sàng tẩy chay CTCK đang "có vấn đề" về tài chính là điều có thể hiểu.