Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa: Đổi mới hay lãng phí?
Trong năm 2025 này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ hoàn tất Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo đó áp dụng sách giáo khoa mới cho tất cả các khối lớp. Đây là dấu mốc quan trọng của hành trình chuyển đổi mục tiêu dạy học, coi sách giáo khoa chỉ là “học liệu” chứ không phải nguồn kiến thức duy nhất. Tuy vậy, lãng phí hay không khi sử dụng nhiều bộ sách giáo vẫn là điều được nhiều người đặt dấu hỏi?

Xóa bỏ độc quyền, tăng tính chủ động của cô và trò
Chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, xóa bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa là đổi mới quan trọng tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT).
Thực hiện chủ trương này của Đảng và Nhà nước, ngày 26/12/2018, Bộ GD-ĐT đã ban hành Chương trình GDPT tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục và xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình áp dụng. Thông tư 32/2018/TT-BGĐT quy định, chương trình GDPT được thực hiện theo lộ trình như sau: Từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1. Từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6. Từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Khi mới triển khai Chương trình GDPT 2018, nhiều thầy cô giáo và nhà trường còn băn khoăn, lo lắng về việc lựa chọn sách giáo khoa phù hợp để giảng dạy. Nhưng đến nay, cơ bản giáo viên đã quen với việc một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa và có sự chủ động, tích cực trong việc lựa chọn sách, từng bước đi vào nền nếp. Thay vì chỉ có một bộ sách giáo khoa nhất định, được coi là căn cứ duy nhất để dạy học, kiểm tra, đánh giá thi cử khi thì với Chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa đóng vai trò là “học liệu”, không phải nguồn kiến thức duy nhất. Việc áp dụng một chương trình, nhiều sách giáo khoa đã giúp thay đổi quan trọng mục tiêu dạy học từ “truyền thụ kiến thức” sang dạy học “phát triển năng lực”; từ lấy giáo viên sang lấy học sinh làm trung tâm, hướng tới việc dạy và học dựa trên công nghệ và kỹ năng.
Với chương trình “mở” này, vai trò của giáo viên chuyển mạnh từ vị trí “người dạy” sang vị trí người “tổ chức, kiểm tra, định hướng” hoạt động của học sinh. Học sinh cũng được khuyến khích, tạo điều kiện mở rộng kiến thức, tham gia vào các hoạt động để vận dụng kiến thức vào thực tiễn…
Lãng phí hay không?
Được biết, tổng kinh phí thực hiện dự án đổi mới GDPT là 80 triệu USD, trong đó 25% dành cho việc hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa theo chương trình mới. Ngành Giáo dục cũng đã triển khai áp dụng chương trình sách giáo khoa GDPT mới với 5 bộ sách giáo khoa được biên soạn theo xã hội hóa. Đó là các bộ sách “Cánh diều”, “Chân trời sáng tạo”, “Kết nối tri thức với cuộc sống”; “Cùng học để phát triển năng lực”; “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”. Tuy vậy, sau một năm thực hiện, 2 bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” có tỷ lệ các địa phương lựa chọn thấp nên các nhà xuất bản quyết định không phát hành; chỉ phát hành từ năm 2021 - 2022 đến nay 3 bộ sách: “Cánh diều”, “Chân trời sáng tạo”, “Kết nối tri thức với cuộc sống”.
Dù có những mặt tích cực, nhưng chương trình GDPT 2018 cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập. Thực tế đã chỉ ra, chương trình GDPT tổng thể và các chương trình môn học ban hành chậm 30 tháng so với yêu cầu và chưa đẩy đủ chương trình các môn học. Nội dung kiến thức của một số môn học, bài học còn dài, không theo định hướng tinh giản, gây áp lực đối với học sinh. Việc tổ chức các môn học mới (Mỹ thuật, âm nhạc....) chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Đặc biệt, nhiều ý kiến băn khoăn rằng giá sách giáo khoa đang khá cao so với thu nhập của người dân và điều kiện tài chính của nhiều gia đình, nhất là người dân ở vùng sâu, xa, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Thêm nữa, sự lựa chọn sách khác nhau trong mỗi năm học cũng tạo áp lực cho phụ huynh khi không thể tái sử dụng sách cũ của năm học trước cho các con lứa sau. Sách không tận dụng lại được cũng gây lãng phí. Một số môn như Thể dục cũng có sách là chưa thực sự cần thiết. Đó là chưa kể việc chuyển giao giữa 2 chương trình GDPT khiến nhiều học sinh theo chương trình cũ khó tìm mua sách do không được tái bản, còn những học sinh theo chương trình mới cũng trong tình trạng “ngóng chờ” sách vì số lượng in ấn ở mức độ nhất định, vừa in vừa sửa…
Ngày 20/3/2025, Bộ GD-ĐT cũng đã có Thông báo số 296/TB-BGDĐT, hướng dẫn tổ chức, cá nhân đăng ký thẩm định sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hồ sơ đề nghị thẩm định bao gồm: Số lượng bản mẫu sách giáo khoa; thuyết minh về bản mẫu sách giáo khoa đề nghị thẩm định; quá trình, kết quả thực nghiệm; việc tiếp thu các ý kiến nhận xét, đánh giá bản mẫu sách giáo khoa của các nhà khoa học, nhà giáo dục, giáo viên; bản phân phối chương trình. Thời gian tiếp nhận hồ sơ từ ngày 15/4 đến ngày 20/6/2025.
Một sự lãng phí hiện hữu trong quá trình in ấn sách giáo khoa đã bộc lộ. Cụ thể là trong năm đầu triển khai sách giáo khoa lớp 1 (bộ Cánh diều), vì những “hạt sạn” mà các đơn vị đã phải in bổ sung hàng trăm nghìn cuốn để gửi tới các địa phương, nhà trường. Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn sách, đồng thời phải hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên 6 của Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và rà soát chỉnh sửa một số lỗi trong các sách giáo khoa Ngữ văn 6, Lịch sử và Địa lý 6 và một số môn học khác.
Để khắc phục tình trạng trên, ngay trong mùa Hè 2025 này, Bộ GD-ĐT sẽ thẩm định các bộ sách giáo khoa cuối cùng của lớp 5, 9 và lớp 12. Đồng thời, Bộ sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành, in ấn và hiệu quả sử dụng sách giáo khoa sau 5 năm. Trên cơ sở đó, hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng có hiệu quả sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục, giúp hạn chế tối đa những bất cập trên.
Chia sẻ với những băn khoăn của dư luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng: khi chương trình đã đi nửa chặng đường, nếu thay đổi, quay lại thực hiện một chương trình một bộ sách giáo khoa thì sẽ đi ngược lại triết lý mở, tự do, chủ động mà chương trình mới đã đặt ra. “Chúng tôi mong đến năm 2025 này, khi chương trình mới đã đi đủ chặng đường, lúc đó câu trả lời một bộ sách hay nhiều bộ sách sẽ được đánh giá một cách có căn cứ và thấu đáo hơn. Bởi đối với các lĩnh vực khác, việc triển khai có thể nhìn thấy kết quả ngay, nhưng giáo dục rất khó nhìn thấy ngay kết quả của nó. Cho nên đánh giá giáo dục cần có một thời gian nhìn nhận", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay.
Thêm nữa, từ góc độ tài chính, kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, hàng trăm triệu bản sách giáo khoa mới đã được xuất bản. Nếu bây giờ quay lại với một bộ sách giáo khoa thì thiệt hại là vô cùng to lớn.
Trên thực tế, hiệu quả “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” đã được minh chứng, tuy nhiên lãng phí hay không còn phụ thuộc vào sự lựa chọn, cách khai thác, sử dụng của nhà trường, giáo viên và học sinh. Tin rằng Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục có những chỉ đạo kịp thời để việc đổi mới sách giáo khoa đạt mục tiêu như kỳ vọng.
Theo Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT, từ năm học 2024 - 2025, các cơ sở giáo dục phổ thông được quyền lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mình. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do người đứng đầu cơ sở giáo dục thành lập, với sự tham gia của tổ chuyên môn, giáo viên và đại diện cha mẹ học sinh, đảm bảo tính công khai, minh bạch và phù hợp với thực tiễn địa phương.