"Một cơ hội chưa từng có" cho Việt Nam
(Tài chính) Ông Võ Trí Thành cho rằng "Việt Nam phải làm thế nào để đón lõng được cơ hội mới cho phát triển - một cơ hội chưa từng có".
Nguồn lực mới, cách chơi mới
Phóng viên: Theo ông, liệu những căng thẳng về chính trị, hay chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Đông Á có gây ảnh hưởng tới quá trình gắn kết khu vực?
Ông Võ Trí Thành: Tất nhiên, sự bất ổn về địa chính trị ở bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, hay Hoa Đông vẫn tồn tại, thậm chí có lúc gia tăng hơn. Nhưng trong khu vực này, mỗi quốc gia đều nhận thấy rằng, muốn duy trì sự năng động phát triển, thì cần bảo vệ sự ổn định. Dù phức tạp, ổn định, theo tôi, có xu hướng mạnh mẽ hơn so với xung đột.
Cam kết chính trị có; thêm quan hệ thương mại, đầu tư được đẩy mạnh bởi các hiệp định thương mại tự do hỗ trợ. Và sự ổn định này còn được thúc đẩy bởi sự hiện diện của Mỹ, sự quan tâm của EU và Nga.
Ta lấy ví dụ EU thôi. Trước đây EU đã từng cố gắng thúc đẩy đàm phán hiệp định thương mại tự do EU - ASEAN, nhưng họ cảm thấy quá khó vì những vấn đề nhân quyền, khác biệt phát triển trong ASEAN... nên cuộc đàm phán đấy tạm bỏ. Họ quay sang đàm phán riêng rẽ với một số nước mà họ cảm thấy thuận lợi, trong đó có Việt Nam.
Thế nhưng, sắp tới với cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập, những chuyển biến trong khu vực, như chúng ta vừa trao đổi, và cải cách đột phá ở Myanmar, rất có thể EU sẽ quay lại đàm phán hiệp định thương mại tự do với ASEAN.
Thế còn với Việt Nam? Những dịch chuyển ở khu vực liệu có gây tác động lớn không, và, nếu có, chúng ta phải chuẩn bị những gì?
Việt Nam rõ ràng là nền kinh tế rất mở, về đầu tư, về thương mại, và một phần không nhỏ đầu tư gián tiếp, cũng như dịch chuyển con người, như du lịch. Vì vậy, những biến động kinh tế thế giới và khu vực có ảnh hưởng đáng kể tới Việt Nam.
Tình hình hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện, tuy chưa chắc chắn, thậm chí thời điểm này thời điểm kia cảm nhận rất mong manh; vẫn còn những gánh nặng về ngân sách, câu chuyện nợ xấu vẫn treo trước mặt. Hay khu vực sản xuất - kinh doanh vẫn đối mặt với quá nhiều khó khăn, một số khu vực đình trệ, và tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ khoảng 5,2-5,3%.
Đó là chưa kể, giai đoạn này, chúng ta lại phải dành một nguồn lực, tâm lực, trí lực và tài lực không nhỏ cho tái cấu trúc, mặc dù câu chuyện này khởi động còn chậm chạp. Đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam đều cho rằng kinh tế Việt Nam trong mấy năm tới có hồi phục, nhưng chậm, tương tự như đối với thế giới và khu vực. Tức là mỗi năm tăng trưởng GDP có thể tăng thêm độ 0,2-0,3 điểm % so với năm trước.
Và một điều tôi muốn nhấn mạnh hơn ở đây là ánh sáng của sự chuyển dịch, mặc dù còn muôn vàn khó khăn, thách thức, Việt Nam phải làm thế nào để đón lõng được cơ hội mới cho phát triển - một cơ hội chưa từng có.
Tại sao lại là cơ hội chưa từng có, thưa ông?
Bởi tư duy phát triển của cả thế giới đã thay đổi, tổng hòa hơn, cân bằng hơn, với những thuật ngữ thường được nhắc tới như tăng trưởng bao trùm, xanh, bền vững, sáng tạo... Chúng ta đang chuyển dịch theo một dòng chảy chung của thời đại, của thế giới, không làm không được, chứ không phải chỉ cải cách "tự thân" như những năm 1990.
Khu vực có thể sẽ mang lại cho chúng ta những nguồn lực mới, cách chơi mới. Và quan trọng hơn, cách chuyển dịch của thế giới và khu vực nó cũng tương thích với nhu cầu cải cách bên trong của Việt Nam, như cải cách thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, hay những khu vực phải tập trung nguồn lực.
Đó là chưa nói về lâu dài Việt Nam phải đối mặt với những cải cách lớn, như môi trường, biến đổi khí hậu, hay an sinh xã hội.
Trong sự chuẩn bị này có rất nhiều việc, nhưng quan trọng nhất là lòng tin có quay trở lại Việt Nam hay không? Câu trả lời là muốn có lòng tin phải duy trì tiếp tục ổn định, kiên trì và nhất quán.
Doanh nghiệp đang rất khó. Song những hỗ trợ cho doanh nghiệp và thị trường phải nằm trên nền tảng tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô. Điều cần thứ hai là thị trường, và đặc biệt là người chơi trên thị trường, phải nhìn thấy cải cách, tái cấu trúc kinh tế ở Việt Nam thực sự được diễn ra, chứ không chỉ trên lời nói. Tức là người ta phải thấy được là chúng ta làm việc một cách thực sự nghiêm túc, và quyết liệt.
Cần những cá nhân quyết đoán
Hiện đã có những chỉ dấu gì cho người ta biết được là chúng ta đang quyết liệt trong hành động, chứ không chỉ trong lời nói?
Chúng ta đã có những chương trình tái cầu trúc nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, tài chính ngân hàng, đầu tư công..., mặc dù người ta vẫn tiếp tục tranh cãi về tính thích đáng và mức độ khả thi của chúng. Và đã có một số điều đã được làm, nhưng người ta chưa thấy thực sự tính quyết liệt, người ta vẫn dường như thấy rằng trong tư duy của chúng ta vẫn còn có cái gì đó cấn cá.
Những cam kết hội nhập hiện nay và đặc biệt sắp tới giống như một cái chuẩn để mình soi vào đấy để đánh giá cải cách của mình. Và nó cũng như một sức ép cho quá trình cải cách đó.
Thế giới đang chuyển động về phía trước, khu vực cũng đang nỗ lực đổi thay cho điều tốt đẹp hơn. Với những khu vực thương mại tư do sẽ được ký kết, hay chương trình kết nối ASEAN và khu vực, nền kinh tế Việt Nam có được những lợi ích rất to lớn, nhưng phải với điều kiện là có lòng tin - và lòng tin đó phụ thuộc không chỉ vào ý chí chính trị, mà cả những chính sách nhất quán, và hành động quyết liệt gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách.
Thế còn vai trò điều hành của chính phủ thì sao?
Trong Hội thảo Mùa Thu ở Huế gần đây, tôi nhấn mạnh rằng trong khi chúng ta hơi quá mức trong việc đi tìm cái "đồng thuận" trong một xã hội ngày càng đa dạng mà chúng ta lại thiếu đi con người và cơ chế tạo sự "quyết đoán, có khả năng giải trình, dám làm và dám chịu trách nhiệm".
Xin ông giải thích rõ hơn ý này?
Đồng thuận thường có khía cạnh được hiểu là tập thể, qui trách nhiệm tập thể là rất khó, nếu có sai lầm xảy ra. Thực tế đã quá rõ rồi, tôi không cần phải chỉ ra nữa.
Càng thấy sự khác biệt ít nhiều giữa đồng thuận và tiếng nói chung. Kết quả điều tra xã hội thường rút ra kết luận về tiếng nói chung hơn là sự đồng thuận.
Tất nhiên, có đồng thuận và thật rõ vai trò trách nhiệm cá nhân thì tốt quá. Nhưng đừng lý tưởng hóa trong một xã hội đa dạng hơn, lợi ích riêng và đan xen giữa các nhóm xã hội nhiều chiều hơn. Vì vậy, phải chăng chúng ta cần có những cá nhân quyết đoán, dám đứng ra giải trình, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Cái quyết đoán đấy, trong nhiều trường hợp, cũng cần và có thể dựa vào tiếng nói chung (và điều tra xã hội học là hết sức quan trọng). Khi chúng ta đạt được cái đó, tôi tin rằng sự đồng thuận sẽ vô hình chung lớn lên và bền vững hơn.
Theo những điều ông được biết, quyết tâm của Việt Nam cho đến nay, như thế nào?
Nếu đọc những tuyên bố mà các nhà hoạch định chính sách của chúng ta nói về TPP, nhìn vào các hoạt động đối ngoại nhà nước có dính dáng đến TPP, tôi thấy ý chí chính trị là có thật, rất thật. Rồi những thông tin ít nhiều ta biết được về quá trình đàm phán, như ông trưởng đoàn đã lên phát biểu thẳng trên truyền hình sau vòng đàm phán ở Brunei...
Thế còn doanh nghiệp, lực lượng thực hiện chính, có ý tưởng rõ ràng về TPP chưa?
Tôi nghĩ người thực hiện TPP là cả đất nước này, bởi phần thể chế trong TPP đòi hỏi rất mạnh, ta phải ra soát vấn đề pháp lý, tính tương thích, tính phù hợp. Cái nền tảng này nó có từ trước, từ Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) đến WTO, nhưng đòi hỏi cao hơn. Nó là hiệp định tự do thương mại chất lượng cao nhất từ trước đến nay.
Nói chung là từ nhà nước, chính phủ đến các doanh nghiệp, người thực hiện công đoạn thực thi cuối cùng song quan trọng nhất là tạo ra tăng trưởng và giá trị gia tăng, đều phải thực hiện.
So với các đàm phán trước đây như BTA, hoặc WTO, mức độ tham gia của doanh nghiệp thế nào?
Sau khi Việt Nam quyết định tham gia đàm phán TPP, chính Thủ tướng đã có quyết định về việc doanh nghiệp tham gia với chính phủ vào cả quá trình đàm phán, và không chỉ với TPP, thông qua VCCI làm đầu mối.
Có nhiều hội thảo, cái mở, cái trong diện hẹp, nhưng doanh nghiệp cũng hình dung được quá trình đàm phán đến đâu, mắc mớ các gì, nói chung là những định hướng lớn, tư tưởng lớn họ đều cảm nhận được. Tất nhiên là chỉ những doanh nghiệp quan tâm thực sự, còn nói chung nhiều doanh nghiệp còn khá mơ màng.
Thêm nữa, trong đoàn đàm phán vẫn có sự đi cùng của các hiệp hội doanh nghiệp, mà như tôi được biết, là hiệp hội dệt may.