Một năm Mỹ - Trung "ăn miếng trả miếng" trong chiến tranh thương mại
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm và có nguy cơ gây tác động tới kinh tế, chính trị toàn cầu.
Khi tranh cử tổng thống năm 2016, Donald Trump nhiều lần chỉ trích Trung Quốc, gọi họ là bên "thao túng tiền tệ", "cưỡng bức" nền kinh tế Mỹ và gọi thâm hụt thương mại giữa hai nước là "vụ trộm lớn nhất trong lịch sử thế giới". Ông tuyên bố sẽ mạnh tay với Trung Quốc khi đắc cử.
Trump thực hiện lời hứa khi từ tháng 7/2018 tung ra ba vòng áp thuế vào 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nhắm tới một loạt mặt hàng công nghiệp và tiêu dùng, từ túi xách cho đến thiết bị tàu hỏa. Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế với 110 tỷ USD hàng Mỹ gồm hóa chất, than, thiết bị y tế và các loại nông sản như đậu nành. Họ cáo buộc Mỹ khơi mào "cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử".
Nguyên nhân Trump tung đòn với Trung Quốc là tình trạng mất cân bằng thương mại hơn 378 tỷ USD giữa hai nước. Năm ngoái, Mỹ xuất khẩu 120,3 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc, giảm 7,4% so với năm 2017. Trong khi đó, nước này nhập khẩu 539,5 tỷ USD hàng Trung Quốc, tăng 6,7% so với năm trước.
Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ, có những chính sách thiếu công bằng như hậu thuẫn doanh nghiệp nội địa và ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ nếu muốn tiếp cận thị trường nước này.
Trong khi đó, Trung Quốc lập luận rằng họ đã tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng Mỹ không để ý đến những nỗ lực đó. Bắc Kinh cũng cáo buộc Washington không tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và phớt lờ những lời kêu gọi giảm thuế từ chính các doanh nghiệp Mỹ. Trung Quốc cho rằng các hành động của Mỹ đại diện cho "chủ nghĩa đơn phương" và "chủ nghĩa bảo hộ".
Tháng 12/2018, căng thẳng thương mại hạ nhiệt khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý về một "lệnh ngừng bắn". Washington đình chỉ trong ba tháng kế hoạch tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc. Đổi lại, Bắc Kinh đồng ý mua một lượng sản phẩm "đáng kể" của Mỹ và đình chỉ việc áp thêm thuế với ôtô và phụ tùng ôtô Mỹ trong ba tháng. Sau "lệnh ngừng bắn", phái đoàn hai bên tổ chức nhiều vòng đàm phán để đưa ra một thỏa thuận thương mại.
Tình trạng đối đầu quay trở lại vào ngày 10/5, khi Mỹ nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ hàng Trung Quốc do bế tắc trong đàm phán. Mỹ cho biết thỏa thuận giữa hai bên đã sắp ngã ngũ nhưng vào phút chót, Trung Quốc đột ngột yêu cầu sửa đổi dự thảo, rút lại các cam kết quan trọng trong đó có việc đồng ý thay đổi các quy định về luật pháp, vốn là mấu chốt để giải quyết các phàn nàn khiến Mỹ châm ngòi chiến tranh thương mại.
Trong khi đó, Bắc Kinh nêu ba lý do khiến họ thay đổi điều kiện: Washington từ chối dỡ bỏ toàn bộ thuế quan với Bắc Kinh; Mỹ yêu cầu Trung Quốc mua số lượng sản phẩm không hợp lý; Trung Quốc coi ngôn từ trong dự thảo là "không cân bằng", ảnh hưởng đến chủ quyền của họ.
Ngày 13/5, Bắc Kinh đáp trả bằng cách tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực kể từ ngày 1/6.
Hai ngày sau, Trump mở ra một mặt trận mới về công nghệ trong cuộc chiến bằng cách cấm Huawei, tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, mua linh kiện Mỹ và ngăn chặn các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông nước ngoài được coi là có rủi ro an ninh cao. Chính quyền Trump còn đe dọa sẽ "cấm cửa" 5 công ty Trung Quốc trong lĩnh vực camera giám sát và cảnh báo UAV nước này có thể đánh cắp dữ liệu.
Washington nghi ngờ Huawei có thể lợi dụng các sản phẩm công nghệ để do thám cho chính quyền Trung Quốc. Trong nhiều tháng qua, Mỹ đã liên tục thúc giục các đồng minh không sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng 5G. Ngoài ra, Huawei còn bị Mỹ cáo buộc bí mật làm ăn với Iran và đánh cắp bí mật thương mại của doanh nghiệp Mỹ. Tập đoàn Trung Quốc nhiều lần bác bỏ các cáo buộc.
Ngày 19/5, Google, bên cung cấp hệ điều hành Android cho điện thoại thông minh, tuyên bố cắt đứt quan hệ với Huawei. Điện thoại của Huawei sẽ mất quyền truy cập đầy đủ vào các dịch vụ của Google, điều có thể khiến họ mất đi lượng lớn khách hàng. Một số công ty sản xuất chip và linh kiện di động cũng theo chân Google, đoạn tuyệt với Huawei.
Động thái của Mỹ đã đánh vào điểm yếu của Huawei là phụ thuộc vào công nghệ bên ngoài. Họ mua khoảng 67 tỷ USD linh kiện một năm, trong đó có khoảng 11 tỷ USD từ các nhà cung cấp Mỹ.
Huawei nói rằng họ đã chuẩn bị cho kịch bản này từ trước. Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi cho biết tập đoàn có một kho dự trữ chip và có thể tự sản xuất cũng như tự xây dựng hệ điều hành. Tuy nhiên, các nhà phân tích công nghệ coi tuyên bố này chỉ là "đòn gió" và nhận định dù có chuẩn bị thế nào đi chăng nữa, Huawei cũng sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng nếu không được tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngày 20/5, chính quyền Trump nới lỏng một số hạn chế đối với Huawei trong 90 ngày, cho phép tập đoàn này được tiếp tục mua hàng Mỹ để duy trì hoạt động cho các nhà mạng hiện tại, nhằm hạn chế những tác động ngoài mong muốn đối với những bên thứ ba sử dụng thiết bị hoặc hệ thống của Huawei, trong đó có các nhà mạng ở vùng nông thôn Mỹ.
Hy vọng căng thẳng hạ nhiệt đang dồn vào cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập dự kiến diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tháng 6 tại Nhật Bản. Tuy nhiên, cuộc gặp này chưa chắc sẽ diễn ra. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cuối tuần trước cho biết hai bên chưa có cuộc thảo luận chính thức nào về buổi gặp.
Về tác động của cuộc chiến thương mại hiện nay, giới quan sát cho rằng Mỹ và Trung Quốc đều dẫn trước trên một số "mặt trận kinh tế" nhưng nhìn chung, lợi thế đang nghiêng về phía Mỹ. Thâm hụt thương mại giữa hai nước đã thu hẹp trong vài tháng gần đây.
Người tiêu dùng Mỹ vẫn chưa phải chịu giá cả sản phẩm tăng cao trên diện rộng như dự đoán của một số người. Dù vậy, các dấu hiệu lạm phát do chiến tranh thương mại gây ra đã xuất hiện. Sau vòng đánh thuế đầu tiên vào tháng 7/2018, tính đến tháng 4 năm nay, giá các mặt hàng nằm trong nhóm chịu thuế đã tăng 1,6%.
Thị trường chứng khoán cả hai nước năm ngoái đều giảm mạnh nhất trong gần một thập kỷ. Sau một thời gian khởi sắc trong quá trình đàm phán, cả hai nền kinh tế gần đây đều có dấu hiệu yếu đi. Theo số liệu do Trung Quốc công bố, sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư trong tháng 4 đều tăng chậm hơn dự báo. Tại Mỹ, doanh số bán lẻ giảm, hoạt động sản xuất tại các nhà máy cũng giảm lần thứ ba trong vòng 4 tháng.
Người Mỹ nhìn chung hiện không quá bi quan về chiến tranh thương mại, nhưng điều này có thể thay đổi nếu Trump thực hiện lời đe dọa đánh thuế lên toàn bộ hàng Trung Quốc, khiến hàng loạt mặt hàng tiêu dùng sẽ chịu ảnh hưởng, từ quần áo trẻ em đến thiết bị kỹ thuật số từ Trung Quốc.
Trung Quốc đang tìm cách nâng cao tinh thần chủ nghĩa dân tộc, cho thấy họ sẵn sàng cho một cuộc đấu dài hơi với Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với các quốc gia để phát triển công nghệ mới, trong bối cảnh các công ty công nghệ Trung Quốc có nguy cơ bị đối thủ cô lập.
Tuy nhiên, Uông Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, hai tuần trước cảnh báo rằng chiến tranh thương mại có thể khiến tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc giảm 1%. Đây là một trong những bình luận đầu tiên của một nhà hoạch định chính sách Trung Quốc về tác động của chiến tranh thương mại đối với mục tiêu tăng trưởng của chính phủ. Bắc Kinh trước đó dự báo tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% trong năm nay.
Giới chuyên gia nhận định các trung tâm sản xuất giá rẻ ở châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Bangladesh có thể hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung do nhiều doanh nghiệp lớn tìm cách dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, những nền kinh tế "con hổ châu Á" như Hong Kong, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc sẽ đối mặt với nhiều khó khăn bởi xuất khẩu sụt giảm.
Nếu cuộc chiến thương mại kéo dài, tất cả các nước đều là kẻ thua cuộc. Mặc dù một số nền kinh tế Đông Nam Á có thể hưởng lợi trong ngắn hạn hoặc trung hạn, các nhà kinh tế cảnh báo rằng cuộc chiến sẽ khiến xu hướng chủ nghĩa bảo hộ thương mại phát triển và đó sẽ là tin xấu cho hàng hóa xuất khẩu, có nguy cơ dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính một cuộc chiến thương mại toàn diện, kéo dài có thể khiến mức tăng trưởng toàn cầu giảm 0,8% trong năm tới.
Trên bề mặt, cuộc đối đầu của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xoay quanh vấn đề công bằng thương mại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng thực chất nó là một phần của cạnh tranh địa chính trị giữa hai nước.
Giới chức Trung Quốc ngờ vực rằng động thái đánh thuế nhập khẩu của Trump nằm trong kế hoạch lớn hơn nhằm kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc, khi nước này đang mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới, thách thức vị thế siêu cường hàng đầu của Mỹ.
Một số người lập luận rằng Trung Quốc lẽ ra có thể tránh được tình thế đối đầu với Mỹ nếu Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục chính sách "náu mình chờ thời" mà cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã đề ra. Thay vào đó, ông Tập lại công khai hai chương trình tham vọng: Sáng kiến Vành đai và Con đường cùng Made in China 2025, nỗ lực nhằm giúp Trung Quốc chiếm thế áp đảo trong các ngành công nghiệp tiên tiến. Cả hai đều bị chính quyền Trump chỉ trích và coi là mối đe dọa đối với Mỹ.
"Sẽ là một sai lầm khi nhìn nhận cuộc chiến thương mại như một vấn đề riêng biệt. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là một mặt trận quan trọng trong cuộc cạnh tranh địa chính trị lớn giữa hai nước trong thế kỷ 21", John Hannah, cố vấn cấp cao của nhóm nghiên cứu Tổ chức Bảo vệ Các nền dân chủ, nói.
Ngoài thương mại, Mỹ - Trung còn có nhiều căng thẳng khác chực chờ bùng nổ: vấn đề Đài Loan, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông hay sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Những bất đồng này sẽ khiến cả hai bên không thể dễ dàng "buông kiếm" trong cuộc đấu thương mại.
Thomas E. Donilon, cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Obama, nói rằng trong khi Phố Wall vẫn mong đợi hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại trong năm nay, căng thẳng giữa hai nước đã lan rộng ra nhiều lĩnh vực, trong đó có quân sự. Trung Quốc đang nhanh chóng hiện đại hóa quân đội với ngân sách lớn cho tàu sân bay, chiến đấu cơ tàng hình và các loại vũ khí tối tân. Sourabh Gupta từ Viện Nghiên cứu Mỹ - Trung dự đoán cạnh tranh quân sự, hàng hải của hai nước ở khu vực châu Á sẽ quyết liệt hơn.
"Quan hệ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục xấu đi. Đây là hậu quả tất yếu vì lợi ích quốc gia của hai nước chồng chéo nhau", Jonathan Sullivan, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nottingham nói. "Dù ông Trump là người rất khó đoán, tôi cho rằng cuộc chiến thương mại hiện tại chỉ mới là khởi đầu của những căng thẳng sắp tới".
Ngay cả khi Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại, cạnh tranh sẽ vẫn xảy ra "thường xuyên và quyết liệt", Hua Po, nhà bình luận chính trị độc lập có trụ sở tại Bắc Kinh nói. "Những lo ngại của Mỹ về Trung Quốc là có cơ sở. Mặc dù Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển, họ đang nỗ lực để bắt kịp Mỹ".
"Mối quan hệ Mỹ - Trung đã bước vào một giai đoạn mới, bất đồng quan điểm, cạnh tranh và những xích mích có thể thường xuyên xảy ra", Tao Wenzhao, chuyên gia từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận xét.
Tuy nhiên, ông Tao cho rằng tình hình sẽ không diễn biến theo hướng quá tệ. "Dù có nhiều ý kiến bảo thủ đang nổi lên ở Mỹ, không ai ủng hộ việc hai nước đối đầu hoàn toàn. Tôi tin rằng khi nhìn vào lượng giao dịch thương mại khổng lồ giữa hai bên, cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rằng mối quan hệ này rất quan trọng nên không thể sụp đổ", ông nói.