- Mô hình động: Đây là mô hình mà chỉ có sự quy định mang tính nguyên tắc của các cơ quan quản lý nhà nước về kế toán, còn việc áp dụng cụ thể kế toán (ghi nhận, xử lý, phản ánh, trình bày Báo cáo tài chính...) sẽ được các doanh nghiệp (DN) chủ động. Các quy định mặc dù chưa cụ thể nhưng cũng định hướng nhất định, ví dụ như hệ thống tài khoản kế toán sẽ không quy định chi tiết số hiệu cụ thể nhưng vẫn phải đảm bảo ít nhất một số hiệu.
Xét về ưu điểm, với mô hình này, Nhà nước không phải tiêu tốn chi phí (nghiên cứu soạn thảo, ban hành, tập huấn...) mới đáp ứng được sự phát triển kinh tế - xã hội (do quy định không quá cụ thể) và do đó “tuổi thọ” các quy định sẽ dài hơn. DN cũng sẽ chủ động hơn trong quá trình áp dụng, đặc biệt là nhiều nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh DN vẫn xử lý mặc dù chưa có quy định cụ thể của kế toán, tức là không có độ “trễ, chờ đợi” quy định mới.
Xét về nhược điểm, khó đồng nhất số liệu và các báo cáo, bởi vì mỗi DN đều có cách trình bày khác nhau, dẫn đến gây khó khăn trong quá trình kiểm tra các DN.
- Mô hình tĩnh: Đây là mô hình mà cơ quan chức năng quản lý Nhà nước quy định một cách cứng nhắc về cách tính toán, áp dụng, thống nhất và các DN có trách nhiệm phải thực hiện theo đúng những quy định này.
Xét về ưu điểm, với mô hình này, Nhà nước dễ dàng hơn khi tập hợp thông tin, dễ dàng hơn cho quá trình kiểm tra, kiểm soát và bản thân DN dễ áp dụng vì chỉ việc thực hiện theo những quy định, khuôn mẫu nhất định.
Xét về nhược điểm, mô hình này tiêu tốn nhiều chi phí (nghiên cứu soạn thảo, ban hành và triển khai...) do quá trình soạn thảo cần phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng, phù hợp với từng loại hình DN, thậm chí là ban hành từ chế độ kế toán cho từng loại hình DN. Đồng thời, thường xuyên phải thay đổi do sự phát triển kinh tế xã hội phát sinh nhiều nghiệp vụ kinh tế tài chính mới. DN cũng sẽ gặp phải độ “trễ” trong quá trình áp dụng, vì có thể có nhiều quy định chưa được ban hành nên kế toán DN phải đợi quy định mới.
- Mô hình tiền: Đây là mô hình mà các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh liên quan đến doanh thu, chi phí chỉ được xử lý và ghi nhận trên cơ sở luồng tiền (căn cứ thực tế vào luồng tiền ra và luồng tiền vào). Nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh có thể bằng tiền hoặc chưa bằng tiền (mua chịu, trả chậm...) hoặc không bằng tiền (trao đổi tài sản...) sẽ chưa được ghi nhận là doanh thu hoặc chi phí.
Về ưu điểm, mô hình này phản ánh thực doanh thu của DN cũng như thực chi phí của DN, do đó DN cũng như cơ quan quản lý nhà nước biết được tiền tồn của DN, tăng tính chủ động cũng như kế hoạch sử dụng dòng tiền của DN.
Về nhược điểm, chưa bao quát được các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh, do thực tế nhiều chi phí của DN sẽ không phải chi ra bằng tiền (chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí trích lập dự phòng...) hay doanh thu chưa được ghi nhận mặc dù đã đáp ứng được các điều kiện ghi nhận doanh thu. Điều này phát sinh độ “trễ” trong quá trình ghi nhận doanh thu và chi phí trong kỳ của DN, thậm chí có thể dẫn đến sai lệch kỳ kế toán, sai lệch kết quả.
- Mô hình dồn tích: Đây là mô hình kế toán mà các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh được xử lý và ghi nhận trên cơ sở nghiệp vụ phát sinh (không căn cứ vào thực tế đã thu tiền hay chưa thu tiền). Như vậy, nếu đủ các điều kiện thì nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh sẽ được ghi nhận mà không căn cứ vào thực tế đã thu tiền hay chưa thu tiền/chi tiền.
Về ưu điểm, mô hình dồn tích bao quát, đầy đủ hơn các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh của DN, không có độ “trễ” khi xác định kỳ kế toán, trong quá trình ghi nhận doanh thu, chi phí của DN cũng như các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh.
Về nhược điểm, mô hình này chưa theo sát được luồng tiền ra vào và luồng tiền tồn của DN, cho nên có thể dẫn đến tình huống DN có kết quả kinh doanh rất tốt nhưng thực tế tiền vào, tiền tồn không có do có sự chiếm dụng vốn, bán chịu.
- Mô hình liên kết với chính sách tài chính: Đây là mô hình có sự đồng nhất giữa các quy định của chính sách tài chính (chính sách thuế, các chính sách tài chính khác), tức là kế toán sẽ ghi nhận các nghiệp vụ phát sinh trên cơ sở các quy định của chính sách tài chính và ngược lại.
Về ưu điểm, các quy định và ghi nhận hạch toán kế toán có sự đồng nhất nên sẽ tạo thuận lợi cho quá trình áp dụng tại các DN, cung cấp được các thông tin đồng nhất giữa kế toán và chính sách tài chính (thông tin kế toán tài chính). Thuận lợi cho việc quản lý cũng như áp dụng của kế toán của các DN.
Về nhược điểm, do chưa có sự tách biệt nên hạch toán kế toán thường xuyên có sự thay đổi theo chính sách tài chính. Sự thay đổi thường xuyên dẫn đến những việc làm vi phạm nguyên tắc nhất quán của kế toán; chỉ thực hiện được khi có sự đồng nhất các đơn vị ban hành chính sách tài chính và đơn vị ban hành các quy định kế toán.
- Mô hình không có sự liên kết với chính sách tài chính: Đây là mô hình có sự tách biệt, khác biệt giữa chính sách tài chính và các quy định kế toán. Các chính sách tài chính sẽ theo đuổi mục tiêu giải quyết các vấn đề tài chính và mục tiêu quản lý kinh tế tài chính; còn chính sách kế toán đơn thuần ghi nhận các nghiệp vụ phát sinh và cung cấp thông tin kế toán.
Về ưu điểm, mô hình này có sự tách biệt các quy định nên thông tin cung cấp đầy đủ và toàn diện hơn, đáp ứng được các yêu cầu, mục tiêu quản lý khác nhau; hạn chế sự thay đổi về kế toán do không phải chạy theo sư thay đổi của chính sách tài chính.
Về nhược điểm, tiêu phí nhiều hơn (về nghiên cứu, ban hành, soạn thảo) của cả chính sách tài chính và chính sách kế toán; khó vận dụng, đào tạo bồi dưỡng vì sự khác biệt về những quy định này đối với cả cơ quan quản lý và kế toán thực hiện.
Đề xuất mô hình kế toán áp dụng
Từ những trình bày trên, có thể thấy với mỗi một mô hình có những ưu điểm, nhược điểm khác nhau và phụ thuộc vào quan điểm, điều kiện áp dụng của từng quốc gia. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay Việt Nam cần phải có chiến lược nhất định trong những khoảng thời gian đó là:
- Trong ngắn hạn: Cần thiết phải áp dụng mô hình hỗn hợp thì mới tận dụng được các ưu điểm cũng như hạn chế được những nhược điểm và phù hợp với điều kiện cụ thể hiện nay, để nhằm hướng tới có được thông tin kinh tế tài chính phục vụ mục tiêu điều hành quản lý. Với mô hình dồn tích thì cần bắt buộc phải lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ và phân tích về báo cáo này tại bản thuyết minh báo cáo tài chính có như thế DN mới có được hệ thống thông tin đầy đủ về DN từ tài sản, nguồn hình thành tài sản, kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình lưu chuyển tiền.
Đồng thời sử dụng mô hình liên kết với chính sách tài chính (chính sách thuế, chính sách tài chính), tức là giữa chính kế toán ghi nhận, tuân thủ chính sách tài chính nhằm đồng nhất các quy định tạo thuận lợi cho những người làm, cũng như cung cấp thông tin kinh tế tài chính trọn vẹn cả về DN cũng như sự tuân thủ chính sách tài chính.
Tổng quan vẫn là áp dụng mô hình kế toán tĩnh trong giai đoạn này do điều kiện năng lực người thực hiện tại các DN chưa đảm bảo tự đưa ra các tài khoản kế toán để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh và phản ánh vào các sổ kế toán, trình bày Báo cáo tài chính.
- Trong dài hạn: đồng nhất kế toán của các loại hình DN dựa trên các nguyên tắc kế toán cơ bản như kế toán ngân hàng thương mại, kế toán DN bảo hiểm, kế toán công ty chứng khoán, kế toán DN... việc đồng nhất này sẽ dễ áp dụng hơn và tăng tính chủ động cho DN đó là áp dụng mô hình kế toán động - các DN được chủ động thiết kế hệ thống tài khoản, tính toán và ghi sổ kế toán, trình bày báo cáo tài chính... đồng thời có thể có hoặc không có mô hình liên kết với chính sách tài chính (do chính sách, mục tiêu quản lý của mỗi quốc gia từng thời kỳ), cũng như có thể áp dụng kế toán tiền hoặc kế toán dồn tích phụ thuộc vào mục tiêu quản lý.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính, Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam;
2. Bộ Tài chính, Chế độ kế toán doanh nghiệp;
3. Một số trang điện tử: www.iasplus.com/standards; www.ifrs. Org.
Một số đề xuất về ứng dụng mô hình kế toán hiện nay
(Tài chính) Kế toán doanh nghiệp Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi và hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế. Trong quá trình đó, cần thiết phải xem xét để lựa chọn từng mô hình kế toán hoặc kết hợp giữa các mô hình này nhằm đáp ứng được yêu cầu là vấn đề cần thiết.
Xem thêm