Tăng trưởng cao hơn lạm phát
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra cho cả năm, Chính phủ luôn bám sát các giải pháp đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội, hàng tháng có kiểm điểm, đánh giá, bổ sung. Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 2014 đã có nhiều chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, tháng 10 tăng 2,36%, thấp nhất trong 11 năm qua; dự kiến cả năm tăng dưới 5%. Đến tháng 9/2014, tăng trưởng tín dụng đạt 7,26% và dự kiến đạt 12-14% cho cả năm. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng tăng cao nhất từ trước đến nay. Cán cân thương mại, cán cân thanh toán và vãng lai đều thặng dư.
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) 10 tháng tăng 15,2% so với cùng kỳ. Bội chi ngân sách ở mức 5,3%. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của Việt Nam đều trong giới hạn cho phép. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm bằng khoảng 30,1% GDP. Vốn đầu tư từ NSNN và trái phiếu Chính phủ ước cả năm tăng khoảng 18,3%. Công tác quản lý thị trường, giá cả cũng được tăng cường; giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá thuốc chữa bệnh qua đấu thầu giảm; giá thị trường tiếp tục được thực hiện theo lộ trình đối với xăng dầu, điện, than, nước sạch, các dịch vụ khác như giáo dục, y tế... đồng thời thực hiện hỗ trợ đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa và thoái vốn. Qua 9 tháng đầu năm 2014 đã cổ phần hóa được 75 doanh nghiệp (gần bằng cả năm 2013 là 74 doanh nghiệp) dự kiến cả năm sẽ cổ phần hóa được khoảng 200 doanh nghiệp. Thoái vốn ngoài ngành cũng đạt nhiều kết quả tích cực, tính chung 9 tháng đầu năm 2014 đạt 3.500 tỷ đồng, gấp 3,6 lần so với cả năm 2013... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc phát triển kinh tế trong những tháng đầu năm 2014 cũng đang nổi lên những vấn đề đáng quan tâm, đó là: môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế hiện còn thấp trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao; bội chi ngân sách còn cao; tổng cầu tăng chậm, tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm; nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm; việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu; thị trường bất động sản phục hồi còn chậm; tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn thấp...
Theo nhận định chung của các chuyên gia kinh tế, bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 đã trải qua rất nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể như:
Thứ nhất, những tác động không thuận của tình hình thế giới và khu vực đã ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch, vận tải hàng không, khai thác thủy hải sản, giá và số lượng tiêu thụ, xuất khẩu một số hàng hóa sụt giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến đời sống nông dân (9 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu cao su giảm 2,4% khối lượng và giảm 21,9% giá trị so với cùng kỳ năm 2013; than đá xuất khẩu giảm 35,9% giá trị, 34,2% khối lượng so với cùng kỳ năm 2013; cà phê giá xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2014 giảm 3,59%)...
Thứ hai, tổng cầu suy giảm, chỉ số hàng tồn kho tăng 13,4%, cao hơn so với 2013. Tính chung trong 10 tháng đầu năm 2014 cả nước có 60.023 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký là 352,5 nghìn tỷ đồng, giảm 6,5% về số doanh nghiệp và tăng 9,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng, tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm của các doanh nghiệp cả nước vào nền kinh tế là 827 nghìn tỉ đồng, bao gồm 352,5 nghìn tỉ đồng của doanh nghiệp đăng ký thành lập và 474,5 nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp tăng vốn.
Trong 10 tháng năm nay, cả nước có 54.333 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ ba, việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn thấp. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại, năm 2013 là 3,61% và đến tháng 9/2014 là 3,8%. Cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho năm nay mà sẽ không đủ vốn đầu tư bố trí phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo...
Kỳ vọng bước chuyển trong năm 2015
Báo cáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, năm 2015 phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao và vững chắc hơn năm 2014. Theo đó, GDP tăng khoảng 6,2%; tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%. Để đạt được những mục tiêu quan trọng này, Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô: Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá, kiểm soát tốt lạm phát; Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát; Tăng dư nợ tín dụng phù hợp với yêu cầu tăng trưởng gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng; Ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối, tăng dự trữ ngoại tệ và bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam; Triệt để tiết kiệm chi ngân sách, không tăng chi thường xuyên ngoài lương; bảo đảm bội chi theo kế hoạch; Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo quy định; Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, khai thác tốt nhất các cam kết quốc tế và thị trường hiện có; Tăng cường huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Năm 2015 phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao và vững chắc hơn năm 2014, GDP tăng khoảng 6,2%; tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước khẩn trương, chặt chẽ; hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành; tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị và chất lượng tín dụng; giảm thiểu rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, phát triển thị trường mua bán nợ; có cơ chế phù hợp để hoàn thiện chức năng, tăng thêm nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng; huy động các nguồn lực đầu tư tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung chuyển đổi cơ cấu, đổi mới tổ chức sản xuất và tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, nhất là trong quản lý giá, phân bổ nguồn lực, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và vận hành hiệu quả các loại thị trường.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 của Chính phủ;
2. Các website: tapchitaichinh.vn, thoibaotaichinhvietnam.vn, vneconomy.vn.
Một số nhận định về phát triển kinh tế năm 2014
(Tài chính) Vượt qua những khó khăn và thách, kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 2014 nhìn chung đã có chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế đã ổn định hơn so với năm trước. Kỳ vọng vào bước chuyển trong năm tới, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao và vững chắc hơn trong năm 2014.
Xem thêm