Những thành tựu đạt được
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 4/2014, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (không bao gồm của Ngân hàng Chính sách xã hội) ước đạt 685.426 tỷ đồng, tăng 2% so với cuối 2013, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung 0,62%; nợ xấu chỉ chiếm 2,83%.
Tốc độ tăng bình quân của dư nợ tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn trong 3 năm (2010 - 2012) là 24,5%. Đến cuối năm 2013, tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 17%. Lãi suất cho vay đã giảm mạnh, từ trên 20%/năm vào năm 2011 xuống còn 15%/năm vào năm 2012 và hiện lãi suất cho vay đối với khu vực này phổ biến ở mức 6,5-8%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay thông thường.
Việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo đã thu hút sự tham gia tích cực của các tổ chức tín dụng. Trong số này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là ngân hàng dẫn đầu và có tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực này ở mức cao nhất (khoảng 70% trên tổng dư nợ). Tiếp sau mới đến Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư Việt Nam. Bên cạnh đó, các Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông, Bưu điện - Liên Việt cũng có mức tăng trưởng tín dụng và tỷ trọng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tương đương 40% tổng dư nợ cho vay, tăng gấp 4 lần so với trước khi triển khai Nghị định 41/2010/NĐ-CP.
Nghị định 41/2010/NĐ-CP còn tạo ra cơ chế phối hợp đồng bộ giữa chính sách tín dụng với các chính sách khác đối với nông nghiệp, nông thôn nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững cho lĩnh vực này. Việc thí điểm bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp như tôm, thủy sản đang được triển khai tại một số địa phương phần nào giúp người dân yên tâm sản xuất.
Những vấn đề đặt ra
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Nguồn lực Nhà nước dành để xử lý rủi ro cho nông nghiệp còn thấp, chưa có cơ chế rõ ràng, chủ yếu là xử lý vụ việc xảy ra. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai Nghị định 41/2010/NĐ-CP còn chậm, thiếu chặt chẽ; Việc xử lý vướng mắc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa quyết liệt, thiếu định hướng lâu dài như vấn đề quy hoạch, xử lý nợ do thiên tai dịch bệnh trên diện rộng, bảo hiểm trong nông nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... còn nhiều bất cập. Ngay cả chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực này vẫn còn thiếu đồng bộ.
Để triển khai các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông thôn thiết thực hiệu quả hơn, bên cạnh những nỗ lực của ngành Ngân hàng cần có sự chủ động, tích cực hơn của các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn, thủ tục, cơ sở pháp lý, đặc biệt là việc triển khai và ban hành các văn bản pháp luật về đất đai; tăng cường tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
NHNN vừa ban hành Quyết định số 927/ QĐ-NHNN về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 41/2010/ NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Có thể nói, đây là tín hiệu vui cho lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh hội nhập. Bởi sau hơn 3 năm đóng vai trò động lực chính trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp của đất nước, Nghị định 41/2010/ NĐ-CP đang dần bộc lộ những hạn chế. Điển hình như, nếu đứng về phía các tổ chức tín dụng, mặc dù Nghị định 41/2010/NĐ-CP quy định rằng: “Các ngân hàng thương mại (NHTM) cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng trên 50% thì không phải chuyển 2% nguồn vốn huy động sang Ngân hàng Chính sách xã hội” và “Các khoản vay theo đối tượng chính sách, các chương trình kinh tế của Chính phủ ở nông thôn được Chính phủ đảm bảo nguồn vốn cho vay từ ngân sách chuyển sang hoặc cấp bù chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động”. Tuy nhiên, trên thực tế, để thực hiện cho vay tín chấp trong nông nghiệp, các ngân hàng phải chịu rủi ro quá lớn và phải đối mặt với lượng khách hàng luôn trong tình trạng “tín không đủ chấp”, nhu cầu vốn cần nhiều nhưng phương án vay có độ khả thi thấp, khó đủ để đảm bảo cho khoản vốn xin vay. Thực trạng trên đặt ra không chỉ sửa đổi mỗi chính sách, các địa phương cũng cần nhanh chóng rà soát lại những đơn vị cần vay vốn để tiến hành cải tổ.
Đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn
Để chính sách dành cho nông nghiệp, nông thôn được triển khai hiệu quả trong thời gian tới, cần triển khai một số giải pháp sau:
- Hình thành những cánh đồng mẫu lớn, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng và xây dựng hạn mức dư nợ tín dụng phù hợp đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn: Để khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững cần có tầm nhìn và các biện pháp đột phá như: Cho phép tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, khai thác chuỗi giá trị khép kín từ nghiên cứu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, biến người nông dân thành công nhân và cổ đông của doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp… Đặc biệt, cần có cơ chế bắt buộc các ngân hàng duy trì tỷ lệ dư nợ tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn ở mức tối thiểu 20%.
- Rà soát lại quy trình cho vay, cắt giảm những thủ tục giấy tờ không cần thiết, tạo điều kiện cho khu vực nông nghiệp, nông thôn tiếp cận được tới nguồn vốn của ngân hàng. Cụ thể, bên cạnh những chiến lược, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp và lao động... thì cần tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khu vực này thông qua xác lập cơ chế thực thi đơn giản và rõ ràng để rút ngắn khoảng cách giữa chính sách với thực tế triển khai.
- Xây dựng cơ chế bảo lãnh tín dụng hợp lý đi đôi với việc triển khai mạnh mẽ khoa học kỹ thuật đối với nông nghiệp nông thôn: Cần xây dựng ngay một cơ chế bảo lãnh tín dụng cho nông nghiệp nông thôn và nông dân, thay vì phải cầm cố hay “nộp” giấy sử dụng đất - tài sản. Bên cạnh thực thi chính sách tín dụng lấy hộ nông dân làm trung tâm, cần triển khai mạnh mẽ, hiệu quả chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đi đôi với ứng dụng công nghệ cao.
- Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp nông thôn: Cần tiếp tục tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nhằm tăng cường quy mô tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đi đôi với phối hợp nguồn vốn tín dụng với các nguồn lực tài chính đa dạng khác, để tạo bước đột phá trong chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp.
- Có chính sách rõ ràng đối với đối tượng khách hàng được cấp tín dụng: Cả cơ cấu cũng như chính sách và cơ chế tín dụng cho nông nghiệp nông thôn cũng cần thay đổi theo hướng lựa chọn đúng khách hàng cho vay, tỷ lệ cho vay và điều kiện cho vay tương ứng phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt là phải góp phần củng cố và thắt chặt mối quan hệ ràng buộc liên kết giữa các "nhà" trong chuỗi liên kết, đồng thời góp phần phân bổ lợi ích hài hoà giữa các khâu trong chuỗi giá trị nông sản, chú trọng đảm bảo lợi ích của người nông dân, giúp người nông dân ổn định và tăng thu nhập dựa trên tăng năng suất và giá trị sản xuất nông nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
1. Giải pháp mở rộng vốn tín dụng ngân hàng cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long - PGS., TS. Nguyễn Đắc Hưng, ThS. Lê Phan Thanh Hòa, Tạp chí Cộng sản (2013);
2. Định hướng, giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, GS., TS. Vương Đình Huệ , Tạp chí Tài chính (2012);
3. Thực trạng, giải pháp và định hướng đầu tư cho "tam nông" - Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Tạp chí Tài chính (2012);
4. Cần tăng cường vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn – Ngô Việt Hương, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (2013).
Một số vấn đề về chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn
(Tài chính) Sau 3 năm triển khai Nghị định 41/2010/NĐ-CP (Nghị định 41) về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tín dụng đầu tư phát triển đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ phát triển tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn đang bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục.
Xem thêm