Một số ý kiến về các quy định bảo hộ đầu tư trong Pháp luật Đầu tư của Việt Nam

TS. Nguyễn Lan Nuyên, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội/tapchicongthuong.vn

Bảo hộ đầu tư được xem như một chế định không thể thiếu trong hệ thống pháp luật về đầu tư của bất kì quốc gia nào, có ý nghĩa quyết định trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Trong thời gian qua,Việt Nam đã ban hành, sửa đổi và bổ sung các quy định nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư nói chung và bảo hộ đầu tư nói riêng. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại trong pháp luật bảo hộ đầu tư mà thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện. Bài viết đưa ra một số ý kiến về các quy định bảo hộ đầu tư trong pháp luật đầu tư của Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

1. Đặt vấn đề

Bảo hộ đầu tư - một thuật ngữ kinh tế/luật đề cập đến bất kỳ hình thức đảm bảo hoặc bảo hiểm nào mà các khoản đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không bị mất, có thể thông qua gian lận hoặc bằng cách khác.[1]

Sự phát triển của những quy định về bảo hộ đầu tư nước ngoài trong luật quốc tế gắn liền với những cuộc xung đột giữa các công ty đa quốc gia (MNCs) với tư cách là các nhà đầu tư nước ngoài với quốc gia nhận đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài luôn mong muốn không bị giới hạn trong việc chuyển những lợi nhuận và vốn đầu tư của mình về nước; được bảo vệ thích hợp trong chuyển giao công nghệ, những tài sản và quyền tài sản hợp pháp của mình trên lãnh thổ nước nhận đầu tư. Ngược lại, quốc gia nhận đầu tư lại muốn được hưởng tối đa những lợi ích trên cơ sở giữ lại những lợi nhuận của MNCs trên lãnh thổ của mình.

Việc bảo đảm về tài sản cho các nhà đầu tư­ đã trở thành một nguyên tắc Hiến định, theo đó, nhà nước thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản của mọi người và không bị quốc hữu hóa.[2] Nhà nước chỉ được trưng mua, trưng dụng trong trường hợp thực sự cần thiết vì lí do quốc phòng, an ninh hoặc trong trường hợp khẩn cấp vì lợi ích quốc gia nhưng phải bồi thường theo giá thị trường.[3] Với việc được ghi nhận trong một văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp đã khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng hệ thống công cụ pháp lý để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hút đầu tư vào Việt Nam.

2. Thực trạng quy định bảo hộ đầu tư trong pháp luật đầu tư của Việt Nam

Luật Đầu tư năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014 cũng dành Chương 2 để quy định về Bảo đảm đầu tư. Luật Đầu tư năm 2014 đã có nhiều thay đổi so với các luật về đầu tư trước đó của Việt Nam trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và phù hợp thông lệ quốc tế. Theo đó, tài sản hợp pháp của nhà đầu tư sẽ không bị quốc hữu hóa hoặc bị trưng mua, trưng dụng bằng biện pháp hành chính.

Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì Nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan (Điều 9). Nhà nước không được dùng quyền năng cưỡng chế đặc biệt của mình để xâm phạm tới tài sản hợp pháp của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Nhà nước còn có chính sách bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh (Điều 10), bảo đảm chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài (Điều 11), bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng (Điều 12), bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật (Điều 13), và giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh (Điều 14) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà đầu tư nước ngoài, góp phần hoàn thiện chế định bảo đảm quyền sở hữu đối với vốn và tài sản của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh những nguyên tắc Hiến định, các nội dung trong Luật Đầu tư 2014 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành thì các biện pháp bảo đảm đầu tư còn được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành khác như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013, Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013),... và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này.

Cụ thể Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về cách thức thực thi và bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ của nhà đầu tư nước ngoài, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định chi tiết cách thức thực thi các quyền của Nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và Nhà đầu tư tại các cơ quan tòa án, trọng tài tại Việt Nam. Luật Đất đai năm 2013, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật An ninh quốc gia năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về việc thu hồi đất, trưng mua, trưng dụng tài sản của nhà đầu tư vì mục đích quốc phòng an ninh.

Ngày 09 tháng 4 năm 2016, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 đã thông qua Luật Điều ước quốc tế thay thế cho Luật Ký kết và gia nhập Điều ước quốc tế năm 2005 với những quy định cụ thể về việc thực hiện các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Điều 6, Điều 78). Đây chính là nền tảng quan trọng để Việt Nam thực hiện các Điều ước quốc tế về đầu tư.

Những quy định pháp luật nói trên đã thể hiện tư tưởng nhất quán, đồng thời tạo một hành lang pháp lý đầy đủ cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm khi đầu tư tại Việt Nam. Điều này là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với xu thế bảo đảm đầu tư chung của các nước trên thế giới.

Ngoài ra, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, với mục đích thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và tận dụng cơ hội này để phát triển nền kinh tế, Việt Nam đã tích cực đàm phán, ký kết nhiều hiệp định song phương và đa phương về khuyến khích và bảo đảm đầu tư với các quốc gia và khu vực trên thế giới. Các Hiệp định khuyến khích và Bảo hộ đầu tư song phương (BIT) được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước và các Hiệp định đầu tư đa phương là một bộ phận quan trọng cấu thành hệ thống pháp luật về bảo đảm đầu tư tại Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết 66 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.[4]

Ngoài các BIT, Việt Nam còn kí các hiệp định song phương khác có liên quan đến khuyến khích và bảo hộ đầu tư như hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được kí kết ngày 13/7/2000 (BTA). Đây là hiệp định song phương được kí kết trên cơ sở WTO và có các cam kết khá cao so với các cam kết song phương mà trước đó Việt Nam từng kí kết. Gần đây nhất, Việt Nam đã cùng với EU kí kết Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU ngày 30 tháng 06 năm 2019 với phạm vi và mức độ cam kết cao hơn so với các FTA mà Việt Nam đã ký trước đó.

Bên cạnh các cam kết song phương, Việt Nam còn tham gia rất nhiều cam kết đa phương và hiện đang là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, nhiều diễn đàn kinh tế trong khu vực và trên thế giới như ASEAN, CPTPP, WTO, APEC, ASEM,…

Thực tiễn hơn 5 năm thi hành Luật Đầu tư 2014 cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng không thể phủ nhận rằng một số quy định của Luật còn thiếu tính khả thi. Mặc dù, hệ thống pháp luật đầu tư nước ngoài của nước ta khá đồ sộ với hàng chục đạo luật liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chưa kể đến các văn bản dưới luật song vẫn còn xảy ra tình trạng chồng chéo và mâu thuẫn dẫn đến sự bối rối của các nhà đầu tư nước ngoài khi áp dụng.

Một số khái niệm chưa rõ ràng như khái niệm về đầu tư, bảo đảm đầu tư, điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài… Luật hiện hành mới chỉ quy định về các biện pháp bảo đảm đầu tư mà chưa đưa ra định nghĩa cụ thể về “bảo đảm đầu tư”. Cũng cần làm rõ thêm về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, vì đây là bước đầu tiên sẽ quyết định có hay không có sự hiện diện của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để thụ hưởng các chính sách bảo hộ, ưu đãi mà Nhà nước Việt Nam dành cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với các quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm đầu tư trong Luật Đầu tư năm 2014, việc áp dụng các biện pháp bảo đảm đầu tư hiện nay vẫn còn nhiều bất cập do các văn bản hướng dẫn thi hành hoạt động đầu tư còn ban hành chậm, nhiều văn bản chưa rõ ràng, chồng chéo.

Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật Trưng mua, trưng dụng 2008 dẫn tới thực tế thực hiện áp dụng luật còn nhiều vướng mắc, không hiệu quả. Cụ thể, pháp luật hiện hành chưa có quy định hướng dẫn cụ thể việc có áp dụng thuế thu nhập cá nhân đối với trường hợp bị trưng thu, trưng dụng hay không cũng như chưa có những cam kết cụ thể về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bồi thường nếu có sai phạm. Bên cạnh đó, chưa có những quy định cụ thể về việc bồi thường tổn thất, thiệt hại do chiến tranh, xung đột vũ trang gây ra đối với nhà đầu tư (pháp luật Việt Nam mới chỉ có quy định về việc đảm bảo quyền của nhà đầu tư trong trường hợp bị thiệt hại tài sản do Nhà nước trưng mua, trưng dụng vì lý do an ninh quốc phòng).

Các quy định về bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp thay đổi chính sách, pháp luật được xem là khá đầy đủ để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn còn một số nhược điểm sau:

+ Chưa có các quy định hướng dẫn đối với cơ chế áp dụng các biện pháp thoả đáng khi thay đổi chính sách, pháp luật gây bất lợi cho nhà đầu tư.

+ Các quy định hướng dẫn trong trường hợp chính sách, pháp luật của Việt Nam có thay đổi theo chiều hướng bất lợi hơn cho nhà đầu tư còn chưa rõ ràng, cụ thể. Liệu nhà đầu tư nước ngoài có được bảo lưu dự án đã cấp phép trước đó? Hay, tiếp tục thực hiện các dự án theo giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp khi văn bản pháp luật mới ban hành gây bất lợi cho nhà đầu tư.

+ Quy định về bảo đảm cơ chế giải quyết tranh chấp từ hoạt động đầu tư. Luật Đầu tư năm 2014 có quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài có quyền kiện các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam ra toòa án Việt Nam hoặc các thiết chế trọng tài nếu Nhà nước vi phạm nghĩa vụ trong các hợp đồng BOT, BTO, BT hoặc vi phạm các cam kết liên quan đến quyền và lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài.

Tính tới thời điểm này, Việt Nam đã ký kết 66 hiệp định song phương và đa phương về khuyến khích và bảo đảm đầu tư. Trong mỗi hiệp định, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài cũng có những điểm khác biệt nhưng đều cho phép các nhà đầu tư nước ngoài nếu thương lượng bất thành, được quyền khởi kiện Chính phủ ra các tổ chức trọng tài quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa gia nhập Công ước ICSID và công nhận Quy chế trọng tài UNCITRAL mà trong số các cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, ICSID được đánh giá là cơ chế hiệu quả và thường được sử dụng nhất.

Việc áp dụng cơ chế giải quyết của ICSID sẽ mang lại cho Nhà nước và nhà đầu tư nhiều lợi ích, ngay cả với những trường hợp tranh chấp với quốc gia không phải là thành viên của Công ước này, nhà đầu tư cũng có thể sử dụng cơ chế phụ trợ của ICSID để áp dụng những quy định về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế của Công ước, qua đó bảo vệ quyền lợi cho các Nhà đầu tư.

3. Kết luận

Để tiếp tục hoàn thiện các quy định về bảo hộ đầu tư góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, cùng với việc hoàn thiện các quy định pháp luật Việt Nam về bảo hộ đầu tư, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thực thi các quy định pháp luật Việt Nam về bảo hộ đầu tư, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo hộ đầu tư, cân nhắc gia nhập một số điều ước quốc tế có liên quan, như Công ước Washington 1965 về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa các quốc gia với các công dân của quốc gia khác.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Tietje, Christian (2008). The Relevance of International Investment Protection and its Dispute Resolution Laws. International Investment, Protection and Arbitration: Theoretical and Practical Perspectives. Berlin: BWV Verlag. pp. 19-20.

[2] Khoản 3, Điều 53 Hiến pháp 2013

[3] Điều 32 Hiến pháp 2013

[4] Theo số liệu tổng hợp từ nguồn của UNCTAD, cập nhận đến ngày 11/1/2020 tại https://investmentpolicy.unctad.org/international-investment-agreements/countries/229/viet-nam.