Một triệu căn hộ giá rẻ cho người lao động TP. Hồ Chí Minh: Liệu có khả thi?
Các chuyên gia đánh giá chương trình phát triển một triệu căn hộ nhà giá rẻ dành cho người lao động tại TP. Hồ Chí Minh có ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, ở góc độ thực tiễn có 2 yếu tố sẽ ảnh hưởng đến sự thành công của kế hoạch này đó là vị trí và quỹ đất, đồng thời cần có nhiều sự tham gia đóng góp và nguồn lực chung của cả xã hội.
Hiện nay, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 17 khu chế xuất và khu công nghiệp với khoảng hơn 280.000 công nhân, người lao động làm việc. Tuy nhiên, chỉ có 8% công nhân được ở trong khu lưu trú các khu công nghiệp, còn lại đa số thuê nhà trọ bên ngoài.
Nhằm hỗ trợ những người có thu nhập thấp, người lao động có được nơi an cư lạc nghiệp, gắn bó với thành phố lâu dài, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh vừa đưa ra kế hoạch phát triển một triệu ngôi nhà giá rẻ dành cho người lao động. Chương trình này được đánh giá là một động thái rất thiết thực của UBND TP. Hồ Chí Minh, đồng thời thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong hỗ trợ cho người lao động.
Đánh giá về chương trình phát triển một triệu ngôi nhà giá rẻ dành cho người lao động của TP. Hồ Chí Minh, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam - cho biết, ở góc độ thực tiễn có 2 yếu tố sẽ ảnh hưởng đến sự thành công của kế hoạch phát triển một triệu ngôi nhà giá rẻ dành cho người lao động, đó là vị trí và quỹ đất.
Về vị trí, dễ thấy rằng các dự án bất động sản (BĐS) nhà ở cho những người có thu nhập thấp sẽ không đạt được những vị trí như các dự án BĐS thương mại. Trong khi đó, yếu tố thứ hai về quỹ đất, đây là yếu tố đóng vai trò quyết định giá thành sản phẩm, tính hiệu quả của dự án bởi vì nếu các doanh nghiệp tự đi “làm đất” – nghĩa là đi mua đất và làm những thủ tục để giao lại cho thành phố, sau đó thành phố giao lại cho các dự án thì giá đất rất cao và mất nhiều thời gian, sẽ khó thực hiện được.
Do đó, TS. Sử Ngọc Khương cho rằng, nếu chính quyền TP. Hồ Chí Minh có sẵn quỹ đất để giao cho doanh nghiệp triển khai dự án thì sẽ khả thi hơn. Bên cạnh đó, liên quan vấn đề về thời gian thực hiện là khâu pháp lý. Việc cấp phép, phê duyệt cần phải “thần tốc” thì mới giải quyết được bài toán đạt được chỉ tiêu một triệu căn hộ trong thời gian tới. Đây là một chỉ tiêu có áp lực thử thách cao đối với chính quyền TP. Hồ Chí Minh.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cũng cho rằng, để phát triển nhà ở giá thấp cho công nhân, người lao động, cần mạnh tay "cởi trói" pháp lý và tăng thêm ưu đãi cho nhà đầu tư.
Còn ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành - cho biết, các thủ tục pháp lý đang cản trở việc phát triển mô hình bất động sản này. Theo ông Nghĩa, có một nghịch lý là pháp lý dự án nhà ở xã hội khó hơn dự án nhà ở thương mại. Đặc biệt, các dự án xây dựng nhà ở xã hội, lợi nhuận chỉ đạt 10-15%, thấp hơn nhiều so với dự án nhà ở thương mại, thời gian thực hiện dự án nhà ở xã hội kéo dài… do đó không được nhiều DN quan tâm.
Hiện nay, ngoài quy định dành 20% quỹ đất từ dự án nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội, nhiều DN mong muốn họ cần tiếp cận được các quỹ đất có giá rẻ hơn. TS. Sử Ngọc Khương nhìn nhận, hiện tại ở TP Hồ Chí Minh quỹ đất ở trung tâm quận 1, quận 3, quận 7 không còn, do đó, Thành phố cần cân nhắc 2 phương án. Theo đó, có thể theo hướng sử dụng quỹ đất đã dự trù sẵn từ trước tại những khu vực này để dành cho những dự án nhà ở giả rẻ hoặc có thể lựa chọn những khu vực ngoài trung tâm như: huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… vì đây là có những địa phương quỹ đất trống phù hợp.
Tuy nhiên, vấn đề về khoảng cách đi lại giữa nơi làm việc và nơi sinh sống cũng là điều cần phải tính toán, nhằm đảm bảo đời sống an sinh, đi lại, công việc của người dân. Đặc biệt, đối tượng chính của chính sách nhà ở giá rẻ này sẽ là đối tượng lao động, nhóm người đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển về kinh tế - xã hội của Thành phố.
Trong đợt đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, đây là những người chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực nhất. Đã một làn sóng người lao động đã rời khỏi TP. Hồ Chí Minh, điều này phần nào liên quan đến vấn đề chỗ ở của họ. Mặt khác lực lượng lao động trong thời gian vừa qua thu nhập thấp không ổn định, vì thế tiền thuê nhà trở thành một gánh nặng không nhỏ.
Do đó, thay vì cho thuê giá rẻ thì TP. Hồ Chí Minh nên tính toán bán nhà với giá rẻ với chu kỳ trả nợ dài cho công nhân, người lao động. Qua đó, sẽ giữ chân người lao động - những người đóng góp một phần rất lớn vào sự thành công của các khu công nghiệp, dịch vụ, sản xuất kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo các chuyên gia, bài toán vốn cho nhà ở xã hội cần được giải quyết theo đúng tinh thần của Luật Nhà ở. Đồng thời các doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp cũng được hưởng các ưu đãi tương tự, với tỷ lệ có thể thấp hơn nhà ở xã hội và cũng được hưởng lãi suất ưu đãi cho vay, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia làm nhà ở thương mại giá thấp, đáp ứng nhu cầu thực của công nhân, người lao động hiện nay.