Mua bán thế nào trong Ngày mua sắm trực tuyến?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Từ 0h00 tới 24h00 thứ Sáu, ngày 5/12 tới, Bộ Công Thương kết hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) sẽ tổ chức "Ngày mua sắm trực tuyến".

 Mua bán thế nào trong Ngày mua sắm trực tuyến?
Cách làm ấn tượng của Black Friday. Nguồn: internet

Doanh nghiệp đã sẵn sàng

Theo Ban tổ chức ngày mua sắm trực tuyến, đến thời điểm này đã có tới 800 doanh nghiệp (DN) đăng kí tham gia với nhiều chương trình khuyến mãi lớn.

Ban tổ chức khuyến cáo, Ngày mua sắm trực tuyến - lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, người tiêu dùng có thể mua sắm "thả ga" và không mất phí vận chuyển nên lượng giao dịch được dự báo sẽ ở mức "khổng lồ". Nếu không có sự chuẩn bị về mọi mặt như: marketing, chương trình giảm giá..., DN sẽ lỡ mất cơ hội đến với người tiêu dùng.

Chính vì vậy, theo Vecom, trước tiên, DN cần tạo được hiệu ứng tâm lý với người tiêu dùng. Khi xây dựng chương trình khuyến mãi DN cần chú ý viết thông tin khuyến mãi thật ấn tượng. Điều này sẽ khuyến khích người tiêu dùng mua ngay với số lượng lớn, góp phần tạo ra doanh thu kỉ lục cho DN.

Theo Vecom, gian hàng chung của onlinefriday.vn là một cơ hội tốt để DN tìm được đến với khách hàng mới của mình nên đừng bỏ lỡ cơ hội. Bên cạnh đó, DN nên chú ý tạo một chiến dịch riêng để quảng bá cho chương trình khuyến mãi lớn của mình, điều này sẽ giúp quảng cáo của DN nổi bật hơn so với các đối thủ cùng ngành.

Ngoài ra, DN nên thực hiện quảng bá chương trình khuyến mãi này trên chính trang web bán hàng để xây dựng tâm lý kỳ vọng, tò mò, háo hức chờ đợi. "Đặt một đồng hồ đếm ngược thời gian khuyến mãi sẽ giúp tạo được tâm lý háo hức này! Ngoài ra, nếu DN có làm email marketing, hãy tận dụng cơ hội này để thu thập email khách hàng của mình", Vecom khuyên.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất và có vai trò tiên quyết là DN cần đảm bảo chất lượng hàng hóa, để tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh mà người Việt thiếu mặn mà với mua sắm trực tuyến vì lo ngại về chất lượng sản phẩm.

Chỉ mua hàng trên các website hợp pháp

Vecom cũng khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng trên các website hợp pháp và kiểm tra thông tin về người bán, sản phẩm; có thể gọi điện hoặc kiểm tra chéo các thông tin này thông qua website của các cơ quan thuế, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh... Đặc biệt, nên tìm hiểu quyền lợi của mình khi tham gia giao dịch trực tuyến.

Bên cạnh đó, cần đọc kỹ các điều khoản, quy định và chính sách bán hàng. Khi giao dịch nên lựa chọn phương thức thanh toán an toàn, với những giao dịch lần đầu hoặc giao dịch có giá trị lớn, hạn chế chuyển hết tiền cho người bán trước khi nhận hàng. Đồng thời, phải đảm bảo các thiết bị sử dụng là an toàn, bảo mật. Nếu sử dụng mạng không dây, nên kiểm tra việc mã hóa đường truyền để đảm bảo bên thứ 3 không thể thu thập trái phép dữ liệu của mình.

Sau khi giao dịch mua bán trực tuyến xong, người tiêu dùng cần kiểm tra sao kê tài khoản ngân hàng và lưu giữ thông tin giao dịch đầy đủ (mã số đơn hàng, số hiệu giao hàng và các chứng từ trong quá trình giao dịch trực tuyến). Những thông tin này có thể được sử dụng làm bằng chứng để giải quyết các tranh chấp (nếu có) trong giao dịch.

Cuối cùng, Vecom khuyến cáo, người tiêu dùng phải hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên môi trường trực tuyến, thận trọng với các quảng cáo qua email, bài viết hoặc các chia sẻ trên mạng xã hội.