Mức tăng giá gas theo diễn biến của thị trường thế giới
(Tài chính) Sau khi một số cơ quan báo chí trong thời gian qua đã có phản ánh về tình hình giá gas trên thị trường tăng đột biến. Để trả lời câu hỏi và làm rõ vấn đề liệu các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá như vậy có gì bất thường không và để giải đáp một số những thắc mắc xoay quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Xin giới thiệu nội dung bài phỏng vấn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Giá bán khí hóa lỏng (LPG, hay còn gọi là gas) trên thị trường trong nước được xác lập trên cơ sở giá thế giới - giá hợp đồng contract price (sau đây gọi là giá CP do Saudi Aramco công bố vào những ngày cuối cùng của tháng trước để áp dụng từ đầu tháng sau). Vì vậy, nếu cố định các yếu tố đầu vào khác, khi giá thế giới tăng hoặc giảm sẽ làm cho giá gas trong nước tăng/giảm ở mức tương ứng.
Theo tin từ Reuters, từ ngày 1/12/2013, giá trên thị trường thế giới tháng 12/2013 tăng cao so với tháng 11/2013, mức tăng 267,5 USD/tấn, tỷ lệ tăng khoảng 30% (giá CP bình quân tháng 12/2013 là 1.162,5 USD/tấn; tháng 11/2012: 895 USD/tấn). Theo tính toán sơ bộ, nếu cố định các yếu tố đầu vào khác, thì tác động tăng của giá CP thế giới sẽ làm tăng giá bán gas trong nước bình quân khoảng 80.000 đ/bình 12 kg.
Trên thị trường trong nước, do giá CP trên thế giới tăng cao, các doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng đầu mối đã điều chỉnh tăng giá bán khí hóa lỏng trong nước từ 01/12/2013. Theo hồ sơ kê khai giá của 05 doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng đầu mối về Bộ Tài chính, mức tăng bình quân của các doanh nghiệp này khoảng từ 77.859 đ/bình 12kg đến 78.936 đ/bình 12kg. Như vậy, mức tăng này về cơ bản phù hợp với diễn biến tăng giá CP trên thị trường thế giới.
Trước việc tăng giá gas mạnh như vậy, Hiệp hội Gas Việt Nam đã kiến nghị giảm thuế suất thuế nhập khẩu LPG để góp phần bình ổn giá. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Việc tăng giá CP trong tháng 12/2013 vừa qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có mất cân đối cung cầu do sản lượng bị cắt giảm tại khu vực Trung Đông. Thống kê lịch sử giá CP trên thị trường thế giới cho thấy, giá CP có xu hướng tăng cao vào thời điểm cuối năm, sau đó giảm dần khi thời tiết ấm lên.
Việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu cần phải căn cứ vào nhiều yếu tố, gồm yếu tố cung cầu của thị trường, điều kiện sản xuất kinh doanh, chỉ số giá tiêu dùng, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của nhà nước, theo các thông số hiện nay thì trước mắt, Bộ Tài chính đề nghị vẫn giữ nguyên thuế suất thuế nhập khẩu LPG hiện hành; đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ dự báo về giá CP trên thị trường thế giới và tình hình thị trường trong nước. Trường hợp giá thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến tăng cao, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Chính phủ biện pháp bình ổn giá phù hợp theo quy định hiện hành đối với quản lý nhà nước về giá.
Có ý kiến cho rằng, việc quản lý giá với mặt hàng này còn nhiều kẽ hở chưa kiểm soát được; hệ thống phân phối có nhiều tầng lớp trung gian. Xin cho biết ý kiến của ông về vấn đề này?
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng đầu mối phải thực hiện kê khai giá về Bộ Tài chính trước khi điều chỉnh tăng hoặc giảm giá. Căn cứ các hồ sơ này, Cơ quan quản lý giá thực hiện kiểm tra chặt chẽ theo đúng quy trình và trình tự thủ tục quy định. Về cơ bản, mức điều chỉnh gas của các doanh nghiệp này cơ bản phù hợp với diễn biến giá thị trường thế giới, có tăng, có giảm.
Ví dụ, tại tháng 4/2013, khi giá thế giới bình quân là 812,5 USD/tấn, giảm 82,5 USD/tấn so với tháng 3/2013, các doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm giá bán gas trong nước ở mức tương ứng từ 23.100 đ/bình 12 kg đến 24.000 đ/bình 12kg. Tại tháng 7/2013, khi giá thế giới là 792,5 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn so với tháng 6/2013, các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá trong nước ở mức tương ứng, từ 10.200 đ đến 13.700 đồng/bình 12kg.
Mặt khác, từ năm 2010 đến 2012, trước những ý kiến phản hồi tương tự như trên, cùng với Thanh tra Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các Sở Tài chính tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gas trên địa bàn. Kết quả kiểm tra cho thấy, chưa phát hiện đơn vị kinh doanh gas nào tăng giá bất hợp lý so với chi phí đầu vào và kết quả này cũng đã được công khai.
Có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh gas đã mua hàng từ trước,lượng tồn kho vẫn còn. Vậy sao không chia sẻ với người tiêu dùng khi giá tăng cao?
Như đã đề cập ở trên, giá bán gas (LPG) thực hiện theo cơ chế thị trường và do các doanh nghiệp tự quyết định. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gas trong nước đều bán sản phẩm LPG theo giá thế giới đã được công bố hàng tháng (giá tháng nào thì được hình thành trên cơ sở giá CP tháng đó).
Giá trong nước tăng/giảm cùng chiều với giá thế giới và thường được thực hiện gần như đồng thời. Vì vậy, nếu doanh nghiệp dự báo đúng diễn biến giá CP trong tương lai; qua đó quyết định sản lượng nhập khẩu, thì có thể có lợi nhuận. Ngược lại, nếu doanh nghiệp nào dự báo không tốt, thì có thể không có lợi nhuận hoặc lỗ. Tuy nhiên trên thực tế, việc dự báo giá CP để quyết định sản lượng và thời điểm nhập khẩu không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Hiện nay, nguồn khí hóa lỏng từ nhà máy xử lý khí Dinh cố và nhà máy lọc dầu Dung Quất đáp ứng được khoảng 50% sản lượng trong nước. Vậy tại sao không có sự chia sẻ khi giá thế giới tăng cao từ nguồn trong nước này?
Giá gas tại Việt Nam hiện nay được cung cấp từ 2 nguồn: sản xuất trong nước, nguồn nhập khẩu và được xác định theo công thức:
P = ((CP + Pre)*(1+ thuế suất thuế nhập khẩu))* Tỷ giá bán USD của ngân hàng
Trong đó: CP là giá CP được công bố bởi Saudi Aramco (Công ty này chiếm thị phần rất lớn đối với nguồn cung LPG thế giới và sẽ quyết định giá LPG hàng tháng). Pre (Premium): Đối với gas nhập khẩu: Pre là toàn bộ các chi phí vận chuyển, bảo hiểm ngoài nước. Đối với gas từ 2 nhà máy: Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy xử lý khí Dinh Cố: Pre là mức phụ phí thị trường được tính toán trên cơ sở cung cầu thị trường và chi phí vận chuyển, bảo hiểm, quản lý, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp.
Chi phí này được thực hiện theo hình thức đấu giá (các doanh nghiệp kinh doanh gas tham gia đấu giá mức Premium này để xác định mức đấu giá thành công). Thuế nhập khẩu: Theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Như vậy, đối với sản lượng gas từ Dinh Cố, Dung Quất, giá gas cũng được quy định theo giá CP nhập khẩu theo thị trường thế giới. Vì vậy, khi giá thế giới tăng hoặc giảm, giá gas từ nguồn sản xuất trong nước cũng được điều chỉnh tăng/giảm tương ứng. Nếu do giá gas thế giới tăng mà doanh nghiệp kinh doanh này có lãi thì nhà nước sẽ điều tiết qua các công cụ (thuế, phí..).
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, với nguồn cung mà hai nhà máy sản xuất và bán ra thị trường đã giúp thị trường gas trong nước chủ động về nguồn cung, đảm bảo cân đối cung cầu và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Xin trân trọng cảm ơn!