Mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam
Mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đến năm 2020 được đề cập cụ thể tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định số 2545/QĐ-TTg). Quyết định này yêu cầu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán bằng tiền mặt, dịch vụ trung gian thanh toán…
Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam được đề cập tới từ năm 2006, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg ngày 29/12/2006 phê duyệt “Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020”.
Theo đó, đặt mục tiêu đến cuối năm 2010 phát hành 15 triệu thẻ, 70% các trung tâm thương thẻ, đến năm 2020, con số này đạt lần lượt là 30 triệu thẻ và 95%. Tuy nhiên, Đề án này chỉ tập trung triển khai thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc thúc đẩy phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng, bởi vì, thời điểm này thẻ ngân hàng chủ yếu chỉ dùng để giao dịch rút tiền trên máy ATM, còn thanh toán trên máy POS là điều khá mới.
Từ năm 2008, thị trường lại xuất hiện hàng loạt công ty công nghệ tài chính (Fintech) tham gia thanh toán không dùng tiền mặt dưới hình thức dịch vụ trung gian thanh toán, cụ thể là ví điện tử đã tạo ra một hướng mới cho lộ trình phát triển chung, nhưng đây chỉ là phương thức thanh toán tự phát và chưa được công nhận.
Đến năm 2012, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ đã quy định cụ thể về điều kiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tuy nhiên hoạt động này phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và có vốn điều lệ tối thiểu 50 tỷ đồng. Sau thời điểm đó, ngày càng nhiều ví điện tử ra đời, song vẫn phải trải qua hoạt động thí điểm, đến cuối năm 2015, Ngân hàng Nhà Nước bắt đầu cấp giấy phép hoạt động chính thức đối với các công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ trung gian thanh toán.
Sau ví điện tử, các hình thức thanh toán khác đã nối tiếp xuất hiện, các ngân hàng và công ty công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam đưa vào ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị điện thoại di động, sử dụng mã QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS… theo xu hướng giao dịch thanh toán điện tử.
Sự phát triển mạnh mẽ của các hình thức thanh toán mới một lần nữa khiến những quy định trước đây để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trở nên lỗi thời, không đáp ứng được xu hướng mới. Ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, ngoài các mục tiêu như phát triển mạnh thanh toán thẻ, thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, còn có mục tiêu tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại. Quyết định này yêu cầu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán bằng tiền mặt, dịch vụ trung gian thanh toán…
Nối tiếp đó, ngày 23/02/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (gọi chung là dịch vụ công).