Thanh toán không dùng tiền mặt và vấn đề đặt ra
Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra tác động đa chiều, vừa mang lại tiện ích cho người dân, vừa tạo đà tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai hoạt động này tại nước ta vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.
Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam
Bước vào thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ số hóa, các doanh nghiệp số hóa và đặc biệt các ngân hàng cũng số hóa, nên các dịch vụ ngân hàng nói chung cũng dựa trên nền tảng số hóa hiện đại. Do đó, các phương tiện thanh toán như: thẻ đã phát hành, ví điện tử, các công nghệ như thẻ phi tiếp xúc, công nghệ 1 chạm trong thời gian tới chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho người dân quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo Ngân hàng Nhà nước tính đến nay, số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet đạt hơn 200 triệu giao dịch, giá trị hơn 10 triệu tỷ đồng (tăng 51,8% so với cùng kỳ năm 2018). Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng; nhiều tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ.
Đồng thời, các ngân hàng cũng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ. Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực. Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều thuận lợi cho người dân, bởi thay vì phải mang theo ví với nhiều tiền mặt tiềm ẩn rủi ro, người dân chỉ cần mang theo thẻ. Thậm chí, chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể thanh toán.
Chẳng hạn, gần đây, khá nhiều cửa hàng, siêu thị… ưu đãi lớn cho khách hàng sử dụng QR Code (mã phản ứng nhanh). Với dịch vụ này, khách hàng chỉ cần quét mã QR bằng camera trên điện thoại di động và nhập số tiền thanh toán là giao dịch được hoàn tất. Hệ thống sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản ngân hàng của khách hàng.
Hiện nay có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment), với số lượng giao dịch lên đến vài trăm triệu tỷ đồng chỉ tính riêng trong 9 tháng của năm 2019. Số liệu này cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển mạnh ở nước ta.
Hiện có 26 tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 23 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, tập trung những tính năng nạp tiền điện thoại, thanh toán qua mã QR, thanh toán hóa đơn dịch vụ cước điện thoại di động, hóa đơn điện nước, internet, các khoản vay tài chính, vay trả góp, vay tiêu dùng, mua vé máy bay, vé xem phim, vé xe, bảo hiểm… Trong số đó, ví điện tử thuộc công ty fintech như MoMo, Payoo, Vimo, Moca… có tốc độ phát triển khá nhanh.
Đồng thời, các công ty viễn thông tham gia như: Tập đoàn VNTP có VNPT Pay là đơn vị fintech triển khai và vận hành các dịch vụ tài chính số để cung ứng DVTGTT. Viettel xây dựng hệ sinh thái thanh toán điện tử ViettelPay…
Ngoài ra, các ngân hàng cũng tham gia như LienVietPostBank với ứng dụng Ví Việt, Sacombank có Sacombank Pay, hay các công ty công nghệ như Samsung triển khai Samsung Pay cho khách hàng sử dụng điện thoại của hãng này hỗ trợ cả thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Cùng sự phát triển đó, các NHTM cũng phát triển thanh toán di động thông qua ứng dụng mobile banking.
Một số vấn đề đặt ra
Mặc dù đạt được một số kết quả nhưng thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay đang còn có những vấn đề đặt ra. Cụ thể như: Việc thúc đẩy TTKDTM trong nền kinh tế còn gặp những trở ngại do thói quen, tâm lý của người dân, cơ sở hạ tầng và sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới còn hạn chế.
Thực tế hiện nay còn thiếu đồng bộ giữa các trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Các ngân hàng và Fintech chịu trách nhiệm lớn về việc cung cấp các phương tiện thanh toán cho người dân, nhưng các đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa mới là nơi để người dân thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt chưa nhiều.
Tại nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa, người dân vẫn chưa thể áp dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Ví như dịch vụ công với định hướng là tất cả dịch vụ phải được thanh toán bằng hình thức không dùng tiền mặt, nhưng thực tế thời gian qua chuyển biến rất chậm.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước thì chỉ có khoảng 30% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, trong khi đó 70% dân số vẫn tập trung tại các khu vực vùng sâu vùng xa, không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Trong khi các đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt chỉ tập trung ở các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…
Ngay ở TP. Hồ Chí Minh các điểm giao dịch thanh toán không không tiền mặt ở các quận/huyện ngoại thành cũng rất thấp. Bên cạnh đó, thủ tục mở tài khoản, đổi pin, sử dụng thẻ chưa tiện lợi với nhiều người dân. Mặt khác, vẫn còn rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật thông tin khi thanh toán theo hình thức này.