Mười điểm vượt trội về xuất khẩu
(Tài chính) Xuất khẩu là lĩnh vực sáng nhất của kinh tế năm 2014 với 10 điểm vượt trội.
Thứ nhất, tổng kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt mốc 150 tỷ USD. Đây là kết quả ngoạn mục mà ngay cả các DN, các nhà hoạch định chính sách vĩ mô, các chuyên gia cũng bất ngờ.
Thứ hai, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu/GDP năm 2014 đạt cao nhất từ trước đến nay, lên đến xấp xỉ 80% - thuộc Top 5 trên thế giới cho thấy “độ mở” của nền kinh tế của Việt Nam thuộc loại khá cao.
Thứ ba, xuất khẩu bình quân 2014 ước đạt 1655 USD/người, cao nhất từ trước đến nay, vượt xa so với các năm trước, đưa Việt Nam đứng thứ hạng tương đối cao trong khu vực và trên thế giới.
Thứ tư, tăng trưởng xuất khẩu đạt khá cao (trên 13,5%), cao nhất trong các ngành, lĩnh vực, cao hơn tốc độ tăng theo kế hoạch, cao gấp trên 2,2 lần tốc độ tăng trưởng GDP, trở thành động lực tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.
Thứ năm, tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả hai khu vực kinh tế trong và ngoài nước; trong đó kinh tế trong nước nếu những năm trước tăng rất thấp, thì năm nay đã tăng khá cao ở mức 2 chữ số.
Thứ sáu, có 21 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, lần đầu tiên có 2 mặt hàng vượt qua mốc 20 tỷ USD.
Thứ bảy, cơ cấu xuất khẩu đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng mặt hàng là nguyên liệu thô, hàng chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế (như gạo, cà phê, sắn và sản phẩm từ sắn, than đá, dầu thô) đã giảm xuống (từ 49,7% năm 2005 xuống dưới 30% năm 2014); trong khi tỷ trọng hàng chế biến hoặc đã tinh chế (như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, máy móc) tăng lên tương ứng (từ 50,3% năm 2005 lên trên 70% năm 2014).
Thứ tám, “câu lạc bộ” các địa bàn đạt từ 1 tỷ USD trở lên năm 2014 đã có 23 thành viên, tăng 4 thành viên so với năm trước.
Thứ chín, hàng hoá của Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn (có 28 thị trường đạt từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó lần đầu tiên có một thị trường gần cán đích 30 tỷ USD là Hoa Kỳ). Cùng với việc mở rộng là việc tập trung phát triển các thị trường xuất khẩu lớn.
Thứ mười, nếu thời kỳ 2006- 2011, mức nhập siêu bình quân lên đến 13 tỷ USD/năm, thì 2014 là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu, với mức xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh những kết quả tích cực, lĩnh vực xuất khẩu cũng còn những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ, khi thị trường xuất khẩu vẫn tập trung chủ yếu vào EU, Hoa Kỳ còn khu vực châu Phi tăng chậm và còn thấp (2%). Cơ cấu hàng xuất khẩu đã bước đầu chuyển dịch, nhưng còn chậm, tỷ trọng nguyên liệu thô, hàng chưa chế biến hoặc mới qua sơ chế, hàng gia công còn chiếm tỷ trọng lớn. Hàng hóa có thương hiệu riêng và xuất khẩu thẳng chưa nhiều. Giá xuất khẩu giảm và tăng thấp (năm 2012 giảm 0,54%, năm 2013 giảm 2,41%, ước năm 2014 tăng 1,2%), làm thiệt hại không nhỏ đến kim ngạch của đất nước và quyền lợi của người sản xuất, nhất là nông dân. Khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu tăng thấp, nên tỷ trọng tiếp tục giảm, hiện chỉ còn chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu khắc phục được những điểm yếu này, chắc chắn lĩnh vực xuát khẩu sẽ có thêm nhiều điểm vượt trội nữa, trở thành trụ cột vững chắc cho nền kinh tế.