Muốn chống buôn lậu, phải dựa vào dân

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Đây là ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại buổi tham gia trả lời đại biểu Quốc hội về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, sáng 18/11.

 Muốn chống buôn lậu, phải dựa vào dân
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389. Nguồn: internet
Theo Phó Thủ tướng, buôn lậu và gian lận thương mại diễn ra ở nhiều nước, nhưng ở nước ta đang diễn biến trầm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước, sức khỏe của nhân dân và gây thất thu ngân sách.

Do vậy, giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là phải dựa vào dân, vào hệ thống chính trị. Trong đó, chú trọng việc tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay, bao che cho buôn lậu, nhất là nhân dân tham gia tố giác tội phạm buôn lậu và đường dây buôn lậu.

Bên cạnh đó, cần củng cố và phát huy các lực lượng chuyên trách gồm công an, biên phòng, hải quan, thuế, quản lý thị trường, cảnh sát biển có được đầy đủ phương tiện, con người để làm tốt hơn công tác này. Chúng ta biểu dương những tấm gương trong công tác này nhưng cũng kiên quyết xử lý nghiêm những người thực thi công vụ vi phạm như bao che, dung túng cho hoạt động này.

Phó Thủ tướng nêu rõ, cần đánh trúng, đánh mạnh các đường dây buôn lậu, nhất là đường dây lớn, triệt phá có hiệu quả các ổ nhóm tại các tỉnh, khu vực biên giới cũng như trong nội địa.

Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa tốt trong nước và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế để phòng chống từ gốc bởi hiện nay có nhiều loại hàng hóa mang xuất xứ “Made in Viet Nam” để đánh lừa người tiêu dùng.

Phó Thủ tướng cũng kiến nghị sớm sửa đổi những sơ hở, thiếu sót trong cơ chế chính sách để kiềm chế buôn lậu, gian lận thương mại trong thời gian tới.

Trong 9 tháng đầu năm 2014, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức đấu tranh, phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm; chỉ đạo các cơ quan quản lý chuyên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cụ thể: phát hiện, xử lý 152.185 vụ việc (tăng 16,8% so với cùng kỳ 2013); số thu nộp ngân sách Nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế là 10.043,5 tỷ đồng (giảm 7,1% so với cùng kỳ 2013); khởi tố 1.147 vụ/1.289 đối tượng.

Trong đó, cơ quan Thuế đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 45.794 doanh nghiệp (tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2013); Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 8.397,22 tỷ đồng (giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2013).

Giá trị hàng hóa vi phạm do cơ quan Hải quan phát hiện tăng 20,6% so với 9 tháng đầu năm 2013 (riêng Quý III/2014, số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới phát hiện, bắt giữ, xử lý tăng tăng 15.7%, trị giá tăng 87.8% so với cùng kỳ năm 2013).

Số vụ việc vi phạm lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý tăng 25,3% so với 9 tháng đầu năm 2013 (riêng Quý III/2014 số vụ phát hiện, xử lý tăng 12,2%, trị giá xử phạt tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2013). 

Số vụ lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ, xử lý tăng 224,1%; số vụ Cảnh sát biển phát hiện, bắt giữ, xử lý tăng 69,57 %; số vụ lực lượng Cảnh sát kinh tế phát hiện tăng 68,95% so với 9 tháng đầu năm 2013,...