Muôn nẻo giao dịch của lãnh đạo doanh nghiệp
Lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan mua bán cổ phiếu vẫn luôn là chủ đề nóng được cổ đông và các nhà đầu tư quan tâm, bởi đây là những người làm chủ thông tin. Trong đó, không ít giao dịch là để “cứu giá” cổ phiếu trước đà rơi quá mạnh, nhưng cũng có không hiếm cuộc “thoát hàng”, chốt lời ngoạn mục.
Thị trường chứng khoán (TTCK) đang xôn xao vì thông tin nhiều lãnh đạo của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG liên tiếp đăng ký bán ra cổ phiếu SIP với tổng khối lượng lên đến hàng chục triệu đơn vị khi thị giá cổ phiếu đã tăng gấp hơn 6 lần chỉ sau 2 tháng giao dịch trên UPCoM.
Bán ra số lượng lớn nhất là ông Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc, với 14,35 triệu cổ phiếu để giải quyết nhu cầu cá nhân, thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 9/8 – 6/9.
Tranh thủ chốt lời?
Ông Tùng hiện là cổ đông lớn nhất của Sài Gòn VRG với 15,3 triệu cổ phiếu, tương đương 22,15% vốn điều lệ. Nếu bán ra thành công, vị Phó Tổng Giám đốc này sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 1,45%, đồng thời không còn là cổ đông lớn tại công ty.
Với mức giá đang giao dịch trên thị trường là 119.000 đồng/cp, ước tính ông Tùng có thể thu về hơn 1.700 tỷ đồng sau khi thoái vốn thành công.
Ngoài ra, Chủ tịch Trần Mạnh Hùng đăng ký bán 450.000 cổ phiếu; Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng Lư Thanh Nhã muốn bán 1 triệu cổ phiếu. Thời gian giao dịch dự kiến cùng diễn ra từ ngày 24/7 – 22/8.
Hai Phó Tổng Giám đốc là Trần Ngọc Nhân và Trần Như Hùng cũng đăng ký bán lần lượt 177.900 cổ phiếu và 200.000 cổ phiếu. Một số lãnh đạo khác cũng đăng ký bán ra với khối lượng vài chục nghìn đơn vị. Tổng số cổ phiếu SIP mà các lãnh đạo công ty đăng ký bán ra lên tới hơn 16 triệu đơn vị.
Trước đó, hồi trung tuần tháng 7, tại CTCP Đầu tư và Công nghệ HVC (mã: HVH), Phó Chủ tịch HĐQT Lê Văn Cường đã bán ra hơn 1 triệu cổ phiếu, thành viên HĐQT Trần Văn Duy bán hơn 600.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống lần lượt 4,76% và 3,32%.
Tính từ đầu năm đến thời điểm hai lãnh đạo đăng ký bán ra, giá cổ phiếu HVH đã tăng gần 35% từ mức 20.700 đồng/cp lên 27.850 đồng/ cp. Tại mức giá này, ông Cường thu về gần 28 tỷ đồng, ông Duy thu về 16,7 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian này, bà Trần Thị Đan Thanh – vợ Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quang Hòa của CTCP Thương mại XNK Thiên Nam (mã: TNA) đã bán 3,2 triệu cổ phiếu (10,64% vốn) và không còn là cổ đông lớn tại công ty.
Thị giá cổ phiếu TNA thời điểm này ghi nhận mức tăng gần 45% từ 9.200 đồng/cp lên mức 13.300 đồng/cp. Nếu thoái vốn tại mức giá này, bà Thanh thu về khoảng 42,6 tỷ đồng.
Thực tế, việc bán ra cổ phiếu ở ngay vùng đỉnh của loạt lãnh đạo doanh nghiệp (DN) khiến các cổ đông giao dịch trên sàn chứng khoán khá hoang mang.
Có thể nói đến trường hợp của SIP, trong bối cảnh nhóm cổ phiếu khu công nghiệp đang được đánh giá cao về tiềm lực tăng trưởng thì việc một lượng lớn cổ phiếu được bán ra từ chính những người đang điều hành công ty khiến các cổ đông đặt ra câu hỏi vì sao?
Ở chiều ngược lại, khi cổ phiếu HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tiến về mức giá đáy của 3 năm (dưới 13.000 đồng/cp), nhóm cổ đông nội bộ công ty đã đăng ký mua 2,7 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1% lượng cổ phiếu lưu hành của công ty. Trong đó, Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải đăng ký mua tới 1 triệu đơn vị.
Mua vào để “đỡ giá”
Khoảng thời gian ban lãnh đạo Hòa Bình và người liên quan đăng ký mua diễn ra từ tháng 8 đến đầu tháng 9 qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.
Mới đây, CTCP Thủy điện cao nguyên Sông Đà 7 – người có liên quan đến Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Doanh đã đăng ký mua vào 1,5 triệu cổ phiếu SD7 của CTCP Sông Đà 7 trong khoảng thời gian 12/8 – 9/9.
Trước giao dịch, Thủy điện cao nguyên Sông Đà 7 đang sở hữu 1 triệu cổ phiếu SD7 (tỷ lệ 9,43%), nếu giao dịch thành công sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Sông Đà 7 lên khoảng 23,6%.
Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hữu Doanh cũng đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu SD7, nâng tỷ lệ sở hữu lên tương đương với Thủy điện cao nguyên Sông Đà 7. Hiện, ông Doanh đang là cổ đông lớn nhất của Sông Đà 7, sở hữu hơn 2,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 19,83%).
Động thái mua vào của Chủ tịch HĐQT và người có liên quan diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu SD7 đã nhiều phiên không có giao dịch và giảm từ mức giá 4.400 đồng/cp xuống 4.000 đồng/cp, gần như không có sự chuyển biến về giá từ khi lên sàn cách đây hơn một năm.
Thông thường, thông tin lãnh đạo đăng ký mua vào khi cổ phiếu đang lao dốc có thể khiến kéo thị giá cổ phiếu đi lên. Thế nhưng, gần đây dường như “chiêu” này đã không còn tác động quá lớn đến diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường.
Như trường hợp của HBC, từ đầu tháng 8 tới nay, cổ phiếu này mới chỉ nhích nhẹ 1,4% từ mức giá 13.800 đồng/cp lên 14.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, không ai hiểu rõ căn bản và tiềm năng của DN hơn lãnh đạo của chính DN đó. Khi họ dám bỏ ra vài chục, thậm chí vài trăm tỷ đồng để đầu tư vào một cổ phiếu, hẳn phải có lý do.
Tất nhiên, nhiều khi lãnh đạo hay các cổ đông lớn, cổ đông tổ chức cũng nhận định sai lầm và chịu thua lỗ khi đầu tư.
Do đó, thay vì cứ cho rằng lãnh đạo mua vào cổ phiếu chỉ để “đỡ giá” hoặc bán ra là sắp có vấn đề thì có thể coi họ là những nhà đầu tư cũng muốn bắt đáy – bán đỉnh để kiếm lời.