Mỹ đang phụ thuộc Iran
(Tài chính) Bất chấp sức ép từ Quốc hội cũng như Israel - đồng minh hàng đầu tại Trung Đông, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn đang thúc đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran. Giới phân tích nhận định điều này xuất phát từ thực tế Nhà Trắng phải phụ thuộc vào Tehrran trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria để không phải đưa lực lượng bộ binh của mình vào tham chiến.
Theo các chuyên gia an ninh Mỹ, sự can dự của Tehran đang giúp Baghdad giữ được thế trận trước các cuộc tấn công của IS cho tới khi Washington hoàn tất việc huấn luyện cho các lực lượng vũ trang còn yếu kém của Iraq. Chính Iran đã tập hợp lực lượng dân quân Shiite của Iran hồi tháng 8 năm ngoái và giành lại quyền kiểm soát khu làng Amerli từ tay IS, trong khi Mỹ hỗ trợ về không lực. Các quan chức Nhà Trắng khi đó rất thận trọng và khẳng định, Mỹ đang hợp tác với các đồng minh tại Amerli, gồm các đơn vị của Quân đội Iraq và các lực lượng an ninh người Kurd.
Cũng chính lực lượng Quds của Iran đã hậu thuẫn các các tay súng Shiite của Iraq và các lực lượng an ninh Iraq hồi tháng 11.2014 để giải phóng thành phố trung tâm Baiji bị IS kiểm soát, giành lại quyền kiểm soát một nhà máy lọc dầu gần đó, mặc dù sau đó một tháng IS đã kiểm soát một phần thành phố này. Cũng theo giới ngoại giao, mùa hè 2014, khi IS chiếm được Mosul và tiến gần tới thủ phủ của người Kurd là Erbil, Thiếu tướng Qassim Suleimani - người đứng đầu Lực lượng Quds của Iran - đã bay tới Erbil cùng với hai máy bay vận tải chở đầy vũ khí.
Tại Tikrit, các nhà lãnh đạo lực lượng Shiite do Iran hậu thuẫn nói rằng các tay súng của họ chiếm hơn 2/3 trong tổng lực lượng 30.000 quân. Họ cũng cho biết Tướng Suleimali, trùm gián điệp của Iran đang trợ giúp dẫn dắt chiến dịch từ khu vực gần tiền tuyến. Chiến lược của Mỹ tại Iraq đang hưởng lợi từ nỗ lực của các lực lượng quân đội Iran nhằm giành lại Tikrit từ tay IS, kể cả khi Iran không can dự trực tiếp. Điều trần tại Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ hồi đầu tháng, Tướng Martin Dempsey - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân thừa nhận sự can dự của các tay súng Shiite do Iran hậu thuẫn tại Tikrit là một “vấn đề tích cực” nếu như nó không làm gia tăng căng thẳng giáo phái. Tướng Dempsey cho biết đây là sự hỗ trợ công khai nhất của Iran từ trước tới nay dưới hình thức cung cấp đạn pháo và một số sự hỗ trợ khác.
Tuy nhiên, ông Landon Shroder - chuyên gia phân tích thông tin cho một số tập đoàn tại Iraq đã phản đối và cho rằng, người ta chỉ mải lo ngại về việc Iran sẽ giành ảnh hưởng tại Iraq mà bỏ qua một thực tế là Chính phủ Shiite tại Iran vốn đã là một đồng minh chủ chốt của Iraq. Ông cho rằng tại thời điểm này, bất kỳ ai theo dõi tình hình tại Iraq và IS cần phải biết rằng quốc gia có ảnh hưởng chính tại Iraq là Iran. Tại thời điểm này, Iran là nước duy nhất có thể tập hợp lực lượng người Kurd, quân đội Iraq và dân quân Shiite lại với nhau để đối phó với IS.
Theo các nhà phân tích, mối đe dọa từ IS đang có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các cuộc thương lượng hạt nhân Iran và ngược lại, nghĩa là hai vấn đề nóng bỏng này đang có nhiều ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, vì thế, nó cũng tác động nhiều tới quan hệ Mỹ - Iran. Không khó để nhận thấy sự ra đời và phát triển rất nhanh của IS đã giúp Iran tăng cường vị thế trong các cuộc đàm phán hạt nhân và trong mối quan hệ song phương với Mỹ do sự dính líu về chính trị rất sâu rộng của Iran ở Syria và Iraq. Khi đề cập đến sự liên quan giữa IS với mối quan hệ Iran - Mỹ, Thủ tướng Iraq Haidar Al-Abadi nói: “IS đã và đang làm thay đổi phương trình”. Các nhà phân tích chính trị ở Trung Đông cũng đã nhiều lần nhắc tới ảnh hưởng mà mối đe dọa từ IS gây ra đối với lập trường của Mỹ và Iran cũng như quan hệ giữa hai nước với nhau.
Đối với Mỹ, sự công nhận vai trò của Iran tại Trung Đông vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Mỹ và Iran cùng có một kẻ thù chung. Về phần mình, Iran hiểu rõ để tăng cường được vị thế trong khu vực và để buộc Mỹ phải thừa nhận vai trò ấy, trước hết, họ phải hạn chế cho được hoạt động của IS, nhưng lại không muốn tiến hành một cuộc chiến tranh trực diện chống IS như Washington và một số quốc gia đang làm. Ngoài ra, Iran không muốn chiến đấu chống IS bởi vì sự có mặt của tổ chức này cũng như những hoạt động ngày càng táo tợn của IS trên thực tế đang giúp tăng cường vị trí của Iran và chuyển hướng sự chú ý của phương Tây khỏi Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Trong ván cờ này, Iran dường như được lợi nhiều hơn Mỹ.