Mỹ lo ngại tụt hậu trong cuộc đua vũ khí siêu thanh?

Theo daibieunhandan.vn

Mỹ lại thêm một lo ngại bị tụt hậu về vũ khí siêu thanh so với Trung Quốc sau vụ thử nghiệm thất bại mới đây.

Ảnh minh họa. Nguồn: Raytheon Missiles & Defense
Ảnh minh họa. Nguồn: Raytheon Missiles & Defense

Vũ khí siêu thanh

Ngày 21/10, Lầu Năm Góc thông báo tên lửa đẩy mang vũ khí siêu thanh gặp lỗi và cơ quan này đang tìm hiểu nguyên nhân sự cố trong vụ thử nghiệm diễn ra tại khu phức hợp sân bay vũ trụ Thái Bình Dương, thành phố Kodiak, bang Alaska.

Vốn xem vũ khí siêu thanh là một trong những ưu tiên hàng đầu, thất bại trong cuộc thử nghiệm lần này là đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Mỹ sau một cuộc thử nghiệm bất thành khác hồi tháng 4. Khi đó, máy bay B-52 của Không quân Mỹ không phóng được vũ khí siêu thanh AGM-183 ARRW.

Đáng chú ý, thất bại mới nhất xảy ra vài ngày sau khi có thông tin Trung Quốc thử nghiệm thành công một loại tên lửa siêu thanh có khả năng mang vũ khí hạt nhân và có vận tốc cao hơn 5 lần tốc độ âm thanh (tương đương 6.200km/giờ), theo Financial Times. Mặc dù Bắc Kinh trấn an rằng đó chỉ là cuộc thử nghiệm tàu vũ trụ thông thường.

Các quan chức quốc phòng Mỹ đặc biệt lo ngại về việc Trung Quốc phát triển vũ khí siêu thanh vì chúng có thể cho phép Bắc Kinh tấn công ở Nam Cực, tránh được các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ nhờ di chuyển ở quỹ đạo thấp hơn so với tên lửa đạn đạo. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cũng nêu quan ngại của Nhà Trắng về công nghệ tên lửa siêu thanh của Trung Quốc thông qua các “kênh ngoại giao”, theo Reuters.

Thượng nghị sĩ Angus King cho biết: “Vũ khí siêu thanh là nhân tố chiến lược thay đổi cuộc chơi”, “Mỹ không thể tụt hậu hoặc cho phép tồn tại điểm mù trong việc theo dõi tiến bộ từ các đối thủ cạnh tranh”. Ông King nói thêm: “hệ lụy của loại vũ khí này do Trung Quốc và Nga phát triển có thể rất thảm khốc”. Tổng thống Mỹ Biden khi được hỏi, cũng bày tỏ lo ngại về vũ khí siêu thanh của Trung Quốc.

Tuy thất bại trong lần thử nghiệm mới nhất, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nhấn mạnh chuỗi thử nghiệm để phát triển công nghệ siêu thanh vẫn tiếp diễn. Mỹ đang tập trung vào các loại vũ khí siêu thanh thông thường được trang bị trên các tàu, trên bộ và trên không. Hồi tháng 9, Lầu Năm Góc đã thử nghiệm thành công một loại vũ khí siêu thanh có khả năng đạt tốc độ nhanh hơn gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Những lĩnh vực khác

Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc hồi đầu năm, Bắc Kinh đang chiếm ưu thế so với Washington trên 3 lĩnh vực quân sự quan trọng: đóng tàu, tên lửa đất đối đất và phòng không. Trung quốc có nhiều loại tên lửa hành trình và đạn đạo, đặc biệt là DF-26, DF-17, DF-10/10A. Kho hệ thống phòng thủ của Trung Quốc cũng đa dạng hơn so Mỹ, bao gồm các hệ thống phòng không thế hệ mới, các radar tầm xa. Bắc Kinh còn mua hệ thống S-300 và S-400 của Nga.

Trung Quốc đang tập trung phát triển năng lực và nhận thức để vận hành “các hệ thống phá hủy trong chiến tranh”. Năng lực này gồm kho tên lửa tầm xa có độ chính xác cao, có các hệ thống truy đuổi mục tiêu tiên tiến có khả năng xâm nhập vào các mạng lưới phòng thủ của Mỹ.

Một báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về Quân đội Trung Quốc từ tháng 9.2020 cho thấy, Bắc Kinh có thể tăng gấp đôi kho vũ khí hạt nhân trong vòng một thập kỷ tới. Tướng Lục quân Chủ tịch Hội đồng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, cảnh báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về quân sự.

Không chỉ Lầu Năm Góc đưa ra cảnh báo, mà đa số người châu Âu cũng tin Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ. Kết quả khảo sát được công bố hồi đầu năm 2021, có tới 60% người châu Âu tin rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong 10 năm tới và trở thành quốc gia lớn mạnh hàng đầu thế giới.

Về kinh tế, Trung Quốc thành công trong kiểm soát dịch Covid-19, kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020. Đà phục hồi kinh tế được đẩy nhanh trong năm 2021, với dự báo tăng trưởng GDP khoảng 8% trở lên và sớm trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2023.

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER), kinh tế Trung Quốc khả năng cao vượt qua Mỹ trong năm 2028 hoặc 2029. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc được dự đoán khoảng 3% trong năm 2035. Còn tại Mỹ, đà tăng trưởng bị kìm hãm ở mức khoảng 1% trong năm 2035.

Hãng tin AP dẫn kết quả một nghiên cứu được thực hiện cho Nhóm 20 quốc gia giàu có và đang phát triển ước tính chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tính theo tỉ lệ phần trăm sản xuất trong nước đang trên đà phát triển gấp hơn 3 lần so với Mỹ.

Trung Quốc đã đệ đơn xin gia nhập CPTPP. Nếu thành công, Bắc Kinh sẽ có bước chuyển từ “thủ sang công” và hoàn toàn có khả năng thay thế Mỹ trong việc viết luật chơi mới không chỉ tại châu Á - Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Về công nghệ, theo báo cáo “5G Moment of Truth”, The New Centre: “Mỹ, quốc gia từng thúc đẩy thế giới triển khai rất nhiều công nghệ, đang tụt lại phía sau trong cuộc đua 5G. Trung Quốc đang chạy nước rút để có thể cán đích trước”.

Ngoài ra, trong các lĩnh vực khác như hàng không, vũ trụ, sinh học, lượng tử, robot..., Trung Quốc có nhiều lợi thế từ nguồn vốn của chính phủ, nguồn dữ liệu dồi dào, dễ khai thác hơn so với Mỹ. Do đó, Trung Quốc được cho là đã thắng Mỹ trong trận đầu của “chiến tranh công nghiệp”.

Hành động của Chính quyền Mỹ

Chính quyền của ông Biden cũng đã nhận ra các nguy cơ đe dọa và đang trong nỗ lực ngăn chặn sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, bao gồm, kế hoạch hàng ngàn tỷ USD chi tiêu cho phát triển; các chính sách nhằm vào các hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ, phá giá hàng hóa, trợ cấp bất hợp pháp và chuyển giao công nghệ mang tính “cưỡng ép” của Trung Quốc…

Mỹ đang tìm cách thu hút đồng minh và đối tác quốc tế. Hồi tháng 9, Mỹ cùng Anh đã ký thỏa thuận với Australia về cung cấp công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân cho Australia hoạt động ở khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương (AUKUS).

Mỹ tiếp tục các hoạt động hải quân chung giữa với các đồng minh; tăng cường các chiến dịch tự do hàng hải ở châu Á - Thái Bình Dương; chuẩn bị các động thái phòng thủ và tấn công trong các chiến dịch trên mạng và ngoài không gian. Sắp tới, Hải quân và Lục quân Mỹ sẽ cùng tiến hành cuộc thử nghiệm phóng tên lửa siêu thanh trong năm tài chính 2022.

Chưa thể đánh giá Trung Quốc đang vượt qua Mỹ, tuy vậy, việc thử nghiệm thành công vũ khí siêu thanh một lần nữa cảnh báo Mỹ về nguy cơ bị “vượt mặt”, nếu chính quyền Biden mất cảnh giác, không sớm khôi phục nền kinh tế; kết nối và tăng cường khối liên minh, cũng như tiếp tục phát triển năng lực quân sự của mình.