Mỹ phát động chiến dịch lớn ngăn chặn Huawei
Mấy tuần qua, chính phủ Mỹ thực hiện một chiến dịch dường như chưa có tiền lệ để ngăn Huawei tung ra mạng di động 5G thế hệ mới trên phạm vi toàn cầu vì cho rằng hãng viễn thông này phục vụ cho tình báo Trung Quốc.
Trong một nỗ lực bao gồm các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh nội địa và Bộ Thương mại cũng như bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính quyền Trump đã có những bước đi nhằm hạn chế năng lực của Huawei trong hoạt động ở Mỹ, Global Security đưa tin ngày 19/3. Mỹ cũng rất nỗ lực trong việc thuyết phục các đồng mình của mình cấm Huawei hoạt động trên lãnh thổ của họ.
Từ lâu Huawei bị nghi ngờ ở nhiều nước trên thế giới. Theo giới quan sát, công ty này tham gia các hoạt động tình báo công nghiệp và tính cạnh tranh của hãng nâng cao nhờ trợ cấp của chính phủ. Tuy nhiên, quy mô của chiến dịch ngăn chặn Huawei của chính phủ Mỹ hiện nay là rất đáng kể.
“Huawei từ lâu bị cáo buộc nhiều thứ. Điều này không có gì mới. Điều đáng lưu ý ở đây là phạm vi mở rộng của chiến dịch gây áp lực. Trong một kế hoạch lớn về cạnh tranh công nghệ quốc tế, đây chắc chắn là một nỗ lực rất mạnh nhằm chống lại một công ty cụ thể”, Michael Murphree, giáo sư tại Đại học Kinh doanh Darla Moore (Mỹ), nói.
Việc gia tăng ngăn chặn Huawei đóng vai trò chính trọng việc trình làng mạng 5G diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang thương lượng để chấm dứt cuộc chiến thương mại mà Mỹ phát động hồi năm ngoái với việc áp thuế cao đối với hàng tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong một động thái chưa có tiền lệ khác, Tổng thống Donald Trump đã coi ít nhất một trong các hành động của chính phủ Mỹ chống lại Huawei là con bài mặc cả tiềm năng trong các cuộc thương lượng về thương mại, các nhà phân tích nhận định. Đó là ra cáo trạng liên bang trong đó nêu tên giám đốc tài chính của Huawei – bà Mạnh Vãn Chu. Người phát ngôn của Huawei từ chối bình luận về các chiến thuật của chính quyền Trump.
Vụ việc chống lại Huawei
Giới chức Mỹ nêu ra một số lý do để nghi ngờ, đối xử thận trọng với Huawei.
Lý do rõ ràng nhất là luật tình báo quốc gia được Trung Quốc thông qua năm 2017 cho phép các lực lượng tình báo của nước này ra lệnh cho các doanh nghiệp hoạt động ở Trung Quốc hợp tác trong các nỗ lực thông tin tình báo. Các nhà ra chính sách Mỹ cho rằng, điều này gây ra mối nguy cơ rõ ràng đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
“Ở Mỹ, chúng tôi cũng không thể yêu cầu Apple mở khóa một chiếc iPhone để phục vụ FBI (Cục Điều trang liên bang Mỹ). Ở Trung Quốc, Huawei phải đưa cho cơ quan chức năng Trung Quốc bất kỳ thứ gì họ yêu cầu. Họ không nên làm ăn ở Mỹ”, thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio phát biểu trên Fox Business Network hôm 13/3.
Trong khi Huawei phủ nhận hãng hoạt động với tư cách là một đơn vị của các lực lượng tình báo Trung Quốc, ít nhất hai vụ gián điệp quốc tế gần đây có liên quan chặt chẽ tới hãng này.
Hồi tháng 1, chính phủ Ba Lan bắt một quản lý của Huawei với cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc. Huawei không bị truy tố trong vụ việc này; hãng tuyên bố rằng, người bị bắt là một quản lý bán hàng và đã bị sa thải.
Đầu năm ngoái, báo Pháp Le Monde Afrique đưa tin rằng, trong vòng mấy năm, mạng máy tính tại tổng hành dinh của Liên minh châu Phi ở Addis Ababa (thủ đô của Ethiopia) bí mật truyền dữ liệu tới các máy chủ ở Thượng Hải (Trung Quốc) mỗi đêm và các thiết bị nghe lén bị phát hiện được cài cắm trong tòa nhà. Trụ sở chính này được phía Trung Quốc hỗ trợ tài chính. Sau này, người ta phát hiện ra rằng, đơn vị chính cung cấp công nghệ thông tin và truyền thông cho dự án này là Huawei.
Vẫn chưa có bằng chứng được đưa ra để chứng tỏ Huawei liên quan vụ đánh cắp dữ liệu và các quan chức của Liên minh châu Phi từ chối bình luận về vụ việc.
Một trong các mối quan ngại thường trực nhất của giới chức Mỹ đối với Huawei đồng thời cũng khó chứng minh nhất là ý tưởng rằng, công ty này có thể bí mật cài “cửa sau” (backdoor) vào các thiết bị viễn thông để cho phép cơ quan chức năng Trung Quốc truy cập các liên lạc nhạy cảm, thậm chí ngắt hệ thống thông tin liên lạc của nước khác.
Nhậm Chính Phi, người sáng lập, chủ tịch Huawei, gần đây nói với BBC rằng, chính phủ Trung Quốc không bao giờ yêu cầu như vậy và Huawei sẽ không bao giờ tuân thủ nếu được yêu cầu. “Doanh số bán hàng của chúng tôi hiện là hàng trăm tỷ đô la. Chúng tôi không đánh liều chấp nhận sự ghê tởm đất nước chúng tôi và khách hàng của chúng tôi khắp thế giới vì điều gì đó tương tự. Chúng tôi sẽ mất hết sự nghiệp kinh doanh. Tôi sẽ không chấp nhận rủi ro đó”, ông Nhậm nói.
Cuộc chiến công khai về hình ảnh Huawei
Con số mặt trận mà chính phủ Mỹ đang tham gia để phong tỏa Huawei hiện rất đáng kể.
Mặt trận nổi tiếng nhất là cáo trạng nêu rằng giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu (con gái ông Nhậm Chính Phi) đã lừa dối giới chức Mỹ để vượt qua lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Bà Mạnh bị bắt ở Canada theo yêu cầu của các công tố viên Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ đang tìm cách dẫn độ bà Mạnh để xét xử ở New York. Cùng lúc đó, bản cáo trạng thứ hai buộc tội Huawei đánh cắp bí mật thương mại đã được công khai ở Washington.
Trong vụ việc bà Mạnh, Tổng thống Trump ngụ ý rằng ông có thể sử dụng để làm đòn bẩy trong các cuộc thương lượng về thương mại với Trung Quốc. Trước các phóng viên tại Nhà Trắng hồi tháng trước, ông Trump nói: “Chúng tôi sẽ thảo luận tất cả vấn đề đó trong vài tuần tới. Chúng tôi sẽ nói chuyện với các luật sư Mỹ. Chúng tôi sẽ nói chuyện với tổng chưởng lý”.
Ngoài ra, Mỹ có nhiều nỗ lực thuyết phục các nước khác không làm ăn với Huawei.
Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo các đồng minh của Mỹ rằng, nếu họ sử dụng thiết bị viễn thông Huawei trong các dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu của mình, họ sẽ mất quyền truy cập một số thông tin tình báo mà Mỹ thu thập được. “Nếu một nước áp dụng điều này (dùng thiết bị Huawei) và đặt trong một số hệ thống thông tin trọng yếu của họ, chúng tôi sẽ không thể chia sẻ thông tin với họ, chúng tôi sẽ không thể làm việc cùng họ”, ông Pompeo trả lời phỏng vấn Fox Business Network.
Ngày 8/3, Đại sứ Mỹ tại Đức gửi thư tới bộ trưởng kinh tế Đức, tái khẳng định mối quan ngại của chính phủ Mỹ về khả năng có “cửa hậu” trong các hệ thống của Huawei và nguy cơ giả mạo trong quá trình cập nhật phần mềm phức tạp. Ông đại sứ nói rằng, việc chia sẻ thông tin tình báo của Mỹ với Đức sẽ giảm đáng kể nếu Đức sử dụng sản phẩm Huawei trong mạng viễn thông mới của Đức.
Hồi tháng 2, chính phủ gửi một phái đoàn lớn tới MWC Barcelona, show thương mại lớn nhất trong ngành viễn thông. Tại đây, họ công khai chỉ trích Huawei là “hai mặt và gian dối”. Phái đoàn Mỹ gồm các quan chức Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Bộ Quốc phòng, và Chủ tịch Ủy ban Thông tin liên lạc liên bang Ajit Pai. Ngoài ra, các quan chức của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ nói rằng, Mỹ sẽ không rót tiền cho các hoạt động mua sắm liên quan các công ty viễn thông Trung Quốc.
Năm ngoái, Tổng thống Trump ký ban hành luật cấm chính phủ liên bang mua thiết bị của Huawei và công ty viễn thông Trung Quốc ZTE. Ông Trump cũng để ngỏ khả năng ký sắc lệnh ngăn Huawei tham gia vào bất kỳ mạng 5G nào ở Mỹ.
Huawei đang chống trả. Tháng này, Huawei nộp đơn kiện nói rằng hãng bị cấm một cách không công bằng. Huawei cũng có một lợi thế lớn là chưa có hãng viễn thông nào nổi lên để có thể thay thế vai trò nhà cung cấp công nghệ không dây 5G trên phạm vi toàn cầu.
Báo Mỹ New York Times vừa đưa tin rằng, ở châu Âu, cảm nhận chung là bất kỳ nguy cơ nào mà Huawei gây ra cũng có thể quản lý được thông qua việc giám sát và lựa chọn sản phẩm của hãng.