Anh tuyên bố Huawei là "nguy cơ trong tầm kiểm soát"

Theo Thái Bảo/doanhnhansaigon.vn

Việc Anh tuyên bố Huawei là "nguy cơ trong tầm kiểm soát" đối với mạng 5G có thể phá hỏng nỗ lực của Mỹ trong việc kêu gọi đồng minh tẩy chay hãng này.

Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh (NCSC) đã kết luận rằng mối đe dọa từ thiết bị 5G của Huawei có thể được loại trừ. Nguồn: internet
Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh (NCSC) đã kết luận rằng mối đe dọa từ thiết bị 5G của Huawei có thể được loại trừ. Nguồn: internet

Financial Times ngày 18/2 đưa tin, Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh (NCSC) đã kết luận rằng mối đe dọa từ thiết bị 5G của Huawei có thể được loại trừ. Đây được cho là một cú sốc lớn đối với nỗ lực của Mỹ, nhằm thuyết phục các nước đồng minh cấm nhà cung cấp này của Trung Quốc tham gia hệ thống mạng 5G của họ.

Nguồn tin của Financial Times đưa ra thông tin trên, dù NCSC chưa chính thức công bố.

Cơ quan An ninh Quốc gia của Mỹ (NSA) liên tục cung cấp thông tin cho đồng minh và các đối tác về nguy cơ Trung Quốc do thám, thông qua các thiết bị 5G của doanh nghiệp nước này, đặc biệt là Huawei.

Tuy nhiên, một số quốc gia châu Âu, trong đó có Anh và Đức, vẫn chưa được thuyết phục rằng một lệnh cấm có thể giải quyết mọi việc.

Kết luận của Anh được đánh giá sẽ “đặt nặng áp lực” đối với các lãnh đạo châu Âu. Lý do là vì quốc gia này có quyền tiếp cận những thông tin tình báo nhạy cảm của Mỹ, thông qua tư cách thành viên của mạng lưới tình báo Five Eyes.

"Các quốc gia khác có thể lập luận rằng, nếu Anh tự tin ngăn chặn được các nguy cơ an ninh quốc gia, họ cũng có thể trấn an dân chúng và cả chính phủ Mỹ, rằng họ đang hành xử khôn ngoan, khi tiếp tục cho phép các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của mình sử dụng thiết bị Trung Quốc, miễn là các doanh nghiệp này tiếp nhận các cảnh báo từ phía Anh", nguồn tin của Financial Times cho hay.

Mỹ cho rằng mạng 5G sẽ nhanh, cũng như có nhiều ứng dụng quân sự, tới nỗi nguy cơ gián điệp từ Trung Quốc trở nên quá cao.

Robert Hannigan - cựu lãnh đạo Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh (GCHQ) gần đây viết rằng NCSC "chưa từng tìm thấy bằng chức về hoạt động mạng bất chính của Trung Quốc thông qua Huawei".

Ông Hannigan cũng cho rằng bất cứ cáo buộc nào về một "nguy cơ không thể chấp nhận" trong công nghệ 5G của Trung Quốc là "vô nghĩa".

Kết luận từ phía Anh hoàn toàn đối lập với phía Úc và New Zealand - 2 quốc gia cùng là thành viên Five Eyes.

Năm ngoái, cả Canberra và Wellington đều tuyên bố cấm các nhà cung cấp viễn thông không được sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng lưới 5G.

Alex Younger - trưởng cơ quan tình báo MI6 từng có ý rằng Anh sẽ nhẹ tay với Huawei hơn Mỹ.

Ngày 15/2, ông Younger nói vấn đề trên quá phức tạp để chỉ đơn thuần cấm công ty này. Ông cho rằng các nước có "quyền chính đáng để nhận được câu trả lời cho tất cả những vấn đề này".

Tuy nhiên, cho đến nay NCSC vẫn chưa công bố rằng họ đã xác định được nguy cơ từ Huawei có thể được kiểm soát.

Cơ quan trên cho biết họ có "quan sát và hiểu biết riêng" về ông trùm viễn thông của Trung Quốc. NCSC cũng kỳ vọng Huawei trả lời các câu hỏi về kỹ thuật và an ninh của Trung tâm đánh giá an ninh mạng Huawei (HCSEC).