Mỹ-Trung thêm nhiều "vết thương" do xung đột kéo dài
Cuộc chiến thương mại đang ngày càng gây ra nhiều thiệt hại đến hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc.
Ngành sản xuất của hai quốc gia này đều đang rơi vào tình trạng suy giảm nghiêm trọng. Tại Mỹ, cuộc chiến thương mại mà ông Trump khởi xướng đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng chi phí gia tăng mà doanh thu lại giảm sút.
Tình trạng không chắc chắn đã khiến nhiều công ty hủy hoặc hoãn kế hoạch đầu tư cơ bản. Đơn hàng giảm sút, đồng USD mạnh lên, và chi phí đầu vào tăng… tất cả đều khiến các nhà máy cắt giảm sản xuất so với năm ngoái.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ cho thấy ngành sản xuất của Mỹ giảm trong tháng 8, đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ năm 2016. Số liệu từ FED hôm 3/9 cho thấy sản lượng của các nhà máy ở Mỹ giảm 2 quý liên tiếp.
Trên toàn quốc, ngành sản xuất Mỹ chỉ có thêm 44.000 việc làm trong năm nay, so với con số 170.000 công việc mới được tạo ra cùng kỳ năm ngoái. Đặc biêt, tại những bang giữ vai trò quan trọng trong chiến thắng bầu cử của ông Trump vào năm 2016, số người làm việc trong các nhà máy thậm chí đã giảm trong 7 tháng đầu năm.
Tương tự, tại Trung Quốc, chỉ số giá sản xuất đã tiếp tục rơi vào trạng thái giảm sâu, báo hiệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục suy giảm trong những tháng tới, đe dọa sẽ làm tăng thêm áp lực giảm phát cho nền kinh tế toàn cầu.
Theo con số chính thức được công bố, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 8 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,8%.
Trong khi chiến tranh thương mại đang khiến môi trường kinh doanh trở nên khó khăn, họ cũng đang chịu áp lực phải tăng lương cho công nhân vì giá thực phẩm tăng cao. Điều này dẫn đến các khó khăn về mặt tài chính.
Các chuyên gia lo ngại, chỉ số giá sản xuất suy giảm sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh định giá của các nhà sản xuất và vì Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, kinh tế toàn cầu có thể rơi vào cảnh giảm phát.
Theo bà Gita Gopinatht, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, tình trạng xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây ra những tác động tiêu cực tới người tiêu dùng và nhà sản xuất ở cả Mỹ và Trung Quốc cũng như trên toàn cầu.
Điều này thể hiện ở việc tăng trưởng kinh tế đang trong trạng thái “trì trệ” với nhiều rủi ro suy giảm và căng thẳng thương mại là một trong những yếu tố tác động tới sự hồi phục thiếu ổn định của nền kinh tế thế giới trong năm 2020; đồng thời sẽ làm cho thế giới mất khoảng 850 tỷ USD.
Mặc dù các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán thương mại vào tháng tới, song các biện pháp đáp trả thuế quan mới đang khiến hai bên khó có thể đạt được một giải pháp nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại.
Hiện nay, giới quan sát cho rằng, có tới 60-70% khả năng Trung Quốc và Mỹ có thể đạt được thỏa thuận thương mại nếu ông Trump và ông Tập gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Chile vào tháng 11 tới. Nhưng điều kiện tiên quyết là Mỹ phải giảm bớt hoặc rút bỏ các yêu cầu của họ.
Có thể thấy, những thỏa thuận tốt nhất luôn là những thỏa thuận mà cả hai bên đều cảm thấy mình là người chiến thắng. Mấu chốt của cuộc đàm phán là khi nào hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung để đưa ra những nhượng bộ hợp lý khiến đối phương chấp nhận.
Do đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ khó có thể kết thúc trong một sớm một chiều nhưng rõ ràng kiềm chế leo thang căng thẳng vẫn là một giải pháp tạm thời hiệu quả đem lại lợi ích cho các bên, nhất là trong bối cảnh tổn thất hai bên đang phải gánh chịu đang gia tăng theo cấp số nhân.