Bất ổn thương mại kéo GDP tại Mỹ sụt giảm
Theo kết quả một nghiên cứu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thực hiện và công bố mới đây, các chuyên gia FED đã chỉ rõ sự bất ổn gia tăng mạnh từ năm 2018 liên quan chặt chẽ đến tình trạng giảm sút sản xuất công nghiệp và thương mại toàn cầu.
Do tình trạng leo thang căng thẳng thương mại tái diễn nhiều lần, dự kiến sự bất ổn sẽ gia tăng tác động đối với GDP của Mỹ vào đầu năm 2020. Với quy mô nền kinh tế khoảng 20 nghìn tỷ USD, Mỹ có thể chịu thiệt hại khoảng 200 tỷ USD, tương đương 1% GDP do căng thẳng thương mại.
Nghiên cứu trên tập trung đánh giá sự bất ổn thông qua số liệu về thuế và thương mại, theo đó cũng nhận thấy sự suy giảm GDP tương tự tại nhiều nền kinh tế phát triển và mới nổi. Không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ, bất ổn thương mại cũng kéo giảm 1% GDP toàn cầu, tương đương khoảng 850 tỷ USD.
Kết quả nghiên cứu nêu trên được công bố trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang căng thẳng, trong khi căng thẳng thương mại cũng đã diễn ra giữa Mỹ với nhiều đối tác khác như Canada, Mexico, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Ðộ…
Các nhà nghiên cứu FED nhận định, nếu tránh được căng thẳng thương mại leo thang vào tháng 5 và 6 vừa qua thì có lẽ những tác động tiêu cực của tình trạng bất ổn đã bắt đầu giảm nhẹ. Tuy nhiên, sau các vòng đàm phán liên tiếp thất bại khiến Mỹ và Trung Quốc liên tục áp thuế hàng hóa nhập khẩu của nhau đã gây ra hiệu ứng dây chuyền, đẩy kinh tế Trung Quốc vào khó khăn và có khả năng khiến GDP của Mỹ giảm hơn nữa trong nửa cuối năm 2019 và trong năm 2020.
Trước khi FED công bố kết quả nghiên cứu nêu trên, các số liệu thống kê và dự báo mới nhất của giới phân tích cũng cho thấy triển vọng kinh tế tại Mỹ đang u ám hơn vì căng thẳng thương mại. Viện Quản lý nguồn cung (ISM) cho biết, hoạt động sản xuất của Mỹ đã giảm trong tháng 8. Theo đó, chỉ số hoạt động chế tạo của Mỹ trong tháng 8 đã giảm từ 51,2 điểm hồi tháng 7 xuống 49,1 điểm. Ðây là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2016 và là tháng thứ 5 liên tiếp có chỉ số này giảm. Ngoài ra, khảo sát cũng cho thấy, lòng tin của giới kinh doanh Mỹ cũng có sự suy giảm đáng kể và khó có thể dự báo khi nào tình trạng suy giảm hiện nay có thể đảo chiều.
Thị trường việc làm, vốn là “điểm sáng” của kinh tế Mỹ trong nhiều tháng qua, hiện cũng xuất hiện tín hiệu ảm đạm. Trong báo cáo công bố ngày 6/9/2019, Bộ Lao động Mỹ cho biết, tháng 8 vừa qua, các doanh nghiệp Mỹ đã tạo thêm 130.000 việc làm, thấp hơn con số 159.000 việc làm của tháng trước, trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ với Trung Quốc và kinh tế toàn cầu phát triển chậm lại. Bên cạnh đó, các thống kê cho thấy trong các tháng gần đây, khoảng 5 triệu lao động tại Mỹ đã mất việc làm, trong đó 2 triệu người là bị sa thải. Số việc làm mới được tạo ra trong tháng 8 thấp và số lượng người thất nghiệp gia tăng càng làm dấy lên những quan ngại rằng sự suy giảm kinh tế toàn cầu có thể gây ra suy thoái kinh tế ở Mỹ sau hơn 10 năm tăng trưởng.
Vào thời điểm năm ngoái, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo việc Tổng thống Mỹ Donald Trump “khơi mào” các cuộc cạnh tranh thương mại với Trung Quốc và châu Âu đe dọa gây tổn hại tăng trưởng kinh tế toàn cầu vốn đã có dấu hiệu giảm tốc. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ bác bỏ nhận định này và cho rằng những công ty hoạt động yếu kém và chính sách lãi suất của FED là nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ giảm sút. Ông Trump nhấn mạnh nước Mỹ không có vấn đề về thuế, mà vấn đề chính là FED đã không thực hiện các biện pháp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Để hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi Fed cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Fed khẳng định, không để chính trị chi phối việc điều chỉnh lãi suất và cam kết sẽ linh hoạt trong việc điều chỉnh lãi suất để phù hợp với tình hình thực tế.
Trên thực tế, sau 4 đợt tăng lãi suất hồi năm ngoái, lần cuối cùng vào tháng 12/2018, cuối tháng 7 vừa qua, FED đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25% từ 2,25-2,5% xuống còn 2-2,25%. Đây là lần hạ lãi suất đầu tiên của FED kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho rằng mức hạ này chưa đủ để kích thích tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Gần đây, một số tổ chức quốc tế cũng đã hạ dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ. Ngân hàng UBS cho rằng, tốc độ tăng GDP của nền kinh tế số một thế giới sẽ giảm xuống 1,8% trong quý IV năm 2019, trước khi chậm lại ở mức 0,5% trong quý I năm 2020 và 0,3% trong quý II năm 2020, đánh dấu sự suy giảm mạnh từ mức tăng trưởng 3,1% trong quý I/2019. Tương tự như vậy, IMF trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu công bố gần đây cũng đã dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 2020 sẽ giảm xuống còn 1,9%.