Nhận định về hoạt động xuất khẩu gạo năm 2013, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, lượng gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu năm 2013 đạt khoảng 7,5 triệu tấn, thấp hơn mức xuất khẩu của năm 2012 là 7,72 triệu tấn. Tình hình xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn bởi hợp đồng xuất khẩu chuyển tiếp từ năm 2012 sang 2013 chỉ khoảng 700 nghìn tấn. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 60% trong số này có thể giao hàng được, phần còn lại vẫn có thể bị hủy hợp đồng. Ngoài ra, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung ký được đến thời điểm này hầu như ở mức thấp. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ bị ép giá kịch liệt hơn trong hoạt động mua bán thời điểm đầu năm mới. Bên cạnh đó, nguồn cung gạo trên thế giới hiện đang rất dồi dào, thị trường gạo Ấn Độ được mùa lớn, lượng gạo Thái Lan tồn kho lên đến 12 - 13 triệu tấn. Một số thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như Philippines đang tăng cường sản xuất và đặt mục tiêu tự cung cấp đủ gạo vào cuối năm 2013. Indonesia cũng có thể không nhập khẩu gạo hoặc giảm lượng gạo nhập khẩu tối đa trong năm 2013, trong khi năm 2012 nước này đã nhập 1,7 triệu tấn. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam là Trung Quốc vừa ký một thỏa thuận với Thái Lan, điều này sẽ khiến việc thu mua gạo từ nước ta sẽ khó dự báo và không ổn định. Theo chủ tịch VFA Trương Thanh Phong, gạo Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt với gạo Thái Lan và Myanmar khi các nước này chuẩn bị xuất khẩu với số lượng lớn và mức giá thấp. Đặc biệt, Thái Lan đang áp dụng nhiều biện pháp thương mại như bán trả góp, đổi hàng, bán phá giá để giải phóng hàng tồn kho nhằm chiếm lại ngôi vị số 1 về xuất khẩu gạo.
Với những khó khăn đã được dự báo, giám đốc công ty xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) Nguyễn Văn Tiến chia sẻ, Việt Nam vẫn còn những cơ hội ở những thị trường mới và đầy tiềm năng, điển hình như thị trường Nhật Bản. Năm 2007, gạo Việt Nam đã bị dừng xuất khẩu do không kiểm soát được dư lượng hóa chất trong hạt gạo. Đến năm 2011, các cơ quan chức năng của Nhật Bản đã lấy mẫu thẩm định và tiếp tục cho nhập khẩu. Do đó, ông cho rằng, nếu người nông dân tuân thủ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát được dư lượng hóa chất thì gạo Việt Nam sẽ xâm nhập được vào các thị trường khó tính với giá bán cao.
Trước áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu gạo trong năm 2013, VFA đã đề nghị Chính phủ triển khai mua tạm trữ 1,5 triệu tấn thay vì 1 triệu tấn như dự tính và sẽ thực hiện ngay trong đầu quý I.2013 để kịp thời thu mua lúa gạo cho nông dân với giá không dưới 5.000 đồng/kg, bảo đảm mức lợi nhuận 30% cho người trồng lúa. Bên cạnh đó, kiến nghị các bộ, ngành tăng cường xúc tiến thương mại cấp quốc gia, nhất là với các nước khu vực châu Phi có nhu cầu nhập khẩu gạo thường xuyên để ký kết các thỏa thuận thương mại theo các hợp đồng chính phủ, hạn chế mua bán thương mại qua trung gian, tạo điều kiện ổn định thị trường và nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long cần tích cực nâng cao chất lượng lúa giống trên cơ sở lai tạo, tuyển chọn thêm các loại giống có phẩm chất tốt, cho năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng sinh thái, đạt chuẩn xuất khẩu và nhanh chóng cung ứng cho nông dân đưa vào canh tác. Tập trung triển khai những cánh đồng mẫu lớn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Với những cánh đồng này, việc mở rộng thị trường gạo chất lượng cao sẽ thực hiện được, tăng khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sản phẩm gạo chất lượng cao với giá chỉ từ 580 - 800 USD/tấn để khách hàng chuyển qua mua gạo cao cấp của Việt Nam thay vì mua với mức giá cao ở Thái Lan bởi gạo chất lượng cao của Việt Nam đang rất tiềm năng.