Năm 2014: Doanh nghiệp đăng ký mới nhiều hơn giải thể

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Trong năm 2014, cả nước có 74.842 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 432,2 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7% về số doanh nghiệp và tăng 8,4% về số vốn đăng ký so với năm trước.

Năm 2014: Doanh nghiệp đăng ký mới nhiều hơn giải thể
Số vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong năm đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2013. Nguồn: internet
Số vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong năm đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2013. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các DN thành lập mới trong năm qua là 1.091.000 người, tăng 2,8% so với năm trước.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, mặc dù vẫn chưa thực sự thoát khỏi bối cảnh khó khăn, nhưng xét trên khía cạnh quy mô vốn, DN thành lập mới trong năm 2014 đã tăng hơn so với năm 2013. Trong 12 tháng, cả nước có 15.419 DN quay trở lại hoạt động, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong năm 2014, có 22.800 lượt DN thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 595,7 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2014 là 1.027,9 nghìn tỷ đồng, bao gồm 595,7 nghìn tỷ đồng của DN đăng ký thành lập mới và 432,2 nghìn tỷ đồng của DN thay đổi tăng vốn.

Ở chiều ngược lại, trong năm 2014, cả nước có 58.322 DN khó khăn phải ngừng hoạt động, tăng 14,5% so với năm trước. Trong đó, 11.723 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 46.599 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký.

Riêng trong tháng 12, cả nước có 7.052 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 40,9 nghìn tỷ đồng, giảm 9,2% về số DN và tăng 5,6% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Số vốn đăng ký bình quân một DN trong tháng đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 16,3% so với tháng trước. Số lao động của các DN thành lập mới trong tháng là 99.100 người, giảm 8,9% so với tháng trước.

Trong tháng cuối năm 2014, cả nước có 1.211 DN quay trở lại hoạt động, tăng 0,5% so với tháng trước; có 7.944 DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động, tăng 30,2%, bao gồm 2.088 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 5.856 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký.

Thanh lọc mạnh mẽ hơn

Phân tích về bản chất số DN thành lập mới và giải thể, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (TCTK) phân tích: Đang có xu hướng thanh lọc diễn ra mạnh. Từ năm 2013 đến nay đã sàng lọc những DN thực sự có chất lượng, không chỉ linh hoạt để tồn tại qua giai đoạn khó khăn nhất, mà còn tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh mới để mở rộng quy mô hoạt động.

Nếu tính tổng số, thì số lượng DN thành lập mới vẫn cao hơn số lượng DN giải thể.

Còn nếu phân theo lĩnh vực hoạt động, ngành có xu hướng tốt lên khi có số DN đăng ký thành lập mới tăng và số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động giảm so với năm 2013 là lĩnh vực hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình và các hoạt động dịch vụ khác.

Một số ngành, lĩnh vực khác vẫn trong quá trình tái cơ cấu khi có gia tăng về số DN đăng ký thành lập mới, nhưng số DN khó khăn, buộc phải giải thể, tạm ngừng hoạt động cũng có xu hướng tăng như ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; kinh doanh bất động sản.

Năm 2014 là năm cải cách thể chế quan trọng, với việc Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật tác động mạnh đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Ngoài 2 luật quan trọng là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, còn có các Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về thuế bao gồm các nội dung liên quan đến Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế tài nguyên, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật Hải quan, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp…

Những quy định mới sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cải cách về thể chế kinh tế, tạo lập môi trường kinh doanh tự do và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường.

Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, giảm thủ tục hành chính, trong đó, các lĩnh vực cải cách mạnh mẽ nhất gồm lĩnh vực Thuế, Hải quan, đăng ký kinh doanh…

Đi đôi với việc tạo điều kiện tốt hơn cho các DN làm ăn chân chính, Chính phủ cũng đang chỉ đạo việc siết chặt quản lý hóa đơn, nhiều DN “ma”, thành lập để mua bán hóa đơn, hay làm “quân xanh, quân đỏ” cũng đang bị thanh lọc mạnh hơn để đảm bảo thị trường lành mạnh, minh bạch hơn.