Năm 2015, VAMC sẽ hoàn thành chỉ tiêu xử lý nợ xấu
(Tài chính) Với những quyết tâm trong xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước cùng với sự nỗ lực từ phía các ngân hàng, chắc chắn trong năm 2015 VAMC sẽ hoàn thành chỉ tiêu xử lý nợ xấu.
Theo con số mà ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã cung cấp, tính đến hết ngày 24/12/2014, VAMC đã mua được 81.600 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng, với giá mua 67.275 tỷ đồng; phát hành trái phiếu đặc biệt khoảng 58.000 tỷ đồng.
Nếu tính từ tháng 10/2013 đến ngày 23/12/2014, VAMC cũng đã mua được 123.000 tỷ đồng nợ xấu.
Đáng chú ý trong số nợ xấu đã mua VAMC cũng thu hồi được 4.161 tỷ đồng và nếu tính cả khoản nợ trên 300 tỷ đồng của Agribank đang bán chỉ chờ chuyển tiền về thì con số này là 4.500 tỷ đồng; so với kế hoạch thu hồi nợ, bán tài sản là 2.500 tỷ đồng đã vượt kế hoạch.
Với những kết quả đã đạt được, VAMC đã và đang là công cụ hữu hiệu trong quá trình xử lý nợ xấu không sử dụng vốn ngân sách.
Tuy nhiên có vẻ như các ngân hàng lại không mặn mà với việc bán nợ xấu cho VAMC. Bởi khi bán nợ xấu cho VAMC các ngân hàng vẫn phải có tài sản đảm bảo, vẫn phải theo dõi xử lý và trích lập dự phòng đầy đủ trong 5 năm với trái phiếu đặc biệt của VAMC.
Bước sang năm 2015, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính Phủ đặt ra cho ngành ngân hàng đó là phải đưa được nợ xấu của toàn hệ thống về mức dưới 3%.
Để có thể đạt được mục tiêu nói trên và thúc đẩy các ngân hàng nhanh chóng bán nợ xấu cho VAMC Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng phải bán nợ xấu cho VAMC. Văn bản cũng quy định rõ các tổ chức tín dụng nào có tỷ lệ nợ xấu trên mức 3% nhưng lại không có kế hoạch, hoặc có kế hoạch nhưng chậm bán nợ xấu cho VAMC sẽ không được Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận đề nghị mở rộng nội dung hoạt động, giới hạn tăng trưởng tín dụng, mở rộng quy mô, địa bàn hoạt động và mở chi nhánh, phòng giao dịch.
Còn đối với những trường hợp tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro lớn dẫn đến lỗ, thì tổ chức tín dụng cần đề xuất phương án trích lập dự phòng rủi ro phù hợp với tình hình và khả năng tài chính, báo cáo Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận.
Như vậy có thể thấy được quyết tâm cao của Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý nợ xấu thông qua VAMC.
Theo ông Đoàn Văn Thắng, Phó Tổng giám đốc của VAMC khẳng định, với kết quả đạt được trong thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, sự nỗ lực của các ngân hàng, VAMC chắc chắn sẽ hoàn thành chỉ tiêu xử lý nợ xấu. Chính vì vậy mục tiêu hạ tỷ lệ nợ xấu các tổ chức tín dụng xuống mức dưới 3% chắc cũng trong tầm tay của Ngân hàng Nhà nước.