Năm 2018: Phát Đạt ghi nhận 644 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế
CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) công bố báo cáo KQKD hợp nhất quý IV/2018 với doanh thu thuần 1.699 tỷ đồng, gấp 7,3 lần cùng kỳ năm trước nhờ hoạt động kinh doanh thương mại các sản phẩm đất nền, căn hộ, văn phòng, cũng như chuyển nhượng các tài sản là BĐS đầu tư.
Trong quý IV, các chi phí ít có biến động lớn, do đó lợi nhuận trước thuế của PDR đạt 366 tỷ đồng, tăng gấp 4,8 lần cùng kì. Lợi nhuận của công ty chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh thương mại các sản phẩm đất nền, căn hộ, văn phòng. Đồng thời, việc chuyển nhượng các tài sản là bất động sản đầu tư cũng đã góp phần mang lại lợi nhuận sau thuế quý IV cao hơn cùng kì năm trước. Trong báo cáo cơ cấu nợ của PDR nợ vay đã không còn được nhắc đến.
Lũy kế cả năm 2018, doanh thu của PDR đạt 2.147 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 681 tỷ đồng, tăng 31%, tăng 46% so với năm trước và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch lãi sau thuế 640 tỷ đồng). Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2018 đạt 2.415 đồng.
Đáng chú ý, khoản lợi nhuận khác của PDR lên tới 194 tỷ đồng. Điều này cộng với việc chi phí bán hàng giảm hơn một nửa đã giúp lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 758 tỷ đồng, tăng 37% so với năm trước.
Tại ngày 31/12/2018, tổng tài sản của PDR là 11.057 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 8.050 tỷ đồng (tăng 2,4%), tài sản dài hạn là 3.007 tỷ đồng (tăng 44%). Trong năm hơp tác đầu tư giữa PDR và các đơn vị khác như với Công ty Cổ phần Vận tải biển Trường Phát Lộc, Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản Minh Hoàng, Công ty Cổ phần Đoàn Ánh Dương Phú Quốc dự kiến đem lại nguồn thu tốt cho những năm sau.
Trong cơ cấu tài sản của PDR, các khoản phải thu và hàng tồn kho chiếm đến 82% (9.070 tỷ đồng/11.057 tỷ đồng). Các khoản phải thu ngắn hạn đã tăng hơn 400 tỷ đồng, lên 1.987 tỷ đồng, chủ yếu do tăng khoản “phải thu ngắn hạn của khách hàng” (gồm: Công ty Thiên Minh 419 tỷ đồng, Công ty T.A.M 77 tỷ đồng, Công ty Vĩnh Hội 24 tỷ đồng, Công ty Minh Hoàng 25 tỷ đồng…)
Hàng tồn kho giảm nhẹ (giảm 3,6%) nhưng giá trị vẫn ở mức rất cao, 5.865 tỷ đồng. Đây chủ yếu là giá trị quỹ đất đã được bồi thường, tiển sử dụng đất đã nộp cho nhà nước, chi phí san lấp mặt bằng, chi phí xây dựng và chi phí đầu tư cho các dự án đang triển khai như: The EverRich 2 (3.593 tỷ đồng), The EverRich 3 (2.051 tỷ đồng), Bàu Cả (98 tỷ đồng), Trung tâm TDTT PĐP (72 tỷ đồng)…
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của PDR cũng tăng mạnh trong năm qua, tăng gấp 11 lần, lên 772 tỷ đồng, tập trung tại các dự án: khách sạn và khu nghỉ dưỡng Năm sao Phú Quốc (53,7 tỷ đồng), đầu tư hạ tầng kĩ thuật cụm công nghiệp Hàm Ninh (398 tỷ đồng), xây dựng hạ tầng kĩ thuật nội khu I – khu Cổ Đại (307 tỷ đồng)…
Về nguồn vốn, tại thời điểm cuối năm 2018, nợ phải trả của PDR là 7.545 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước. Nợ dài hạn chiếm 89% tổng nợ phải trả, tăng gần 12%, lên mức 6.754 tỷ đồng. Đây là giá trị của các hợp đồng hợp tác đầu tư giữa PDR và các đơn vị khác tại các dư án như: The EverRich 2 (4.571 tỷ đồng – với Đầu tư BÌ AGAIN), The EverRich 3 (2.152 tỷ đồng – với Dynamic Innovation) hay khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội – Bình Định (30 tỷ đồng – với bà Lê Thị Vĩnh Phúc).
Về vốn chủ sở hữu, tại ngày 31/12/2018, vốn chủ sở hữu của PDR là 3.512 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 2,14 lần.