Năm 2019, tỷ giá và lãi suất sẽ tiếp tục ổn định?
Dù trải qua không ít sóng gió, nhưng năm qua, các biến số vĩ mô quan trọng như lãi suất và tỷ giá tiếp tục được kiểm soát ổn định. Liệu diễn biến này sẽ có thể tiếp tục được duy trì trong năm 2019?
Kết thúc năm 2018, tỷ giá trung tâm chỉ tăng 1,78%, thấp hơn mục tiêu đặt ra là điều chỉnh không quá 2%. Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng và thị trường tự do dù tăng cao hơn, tương ứng khoảng 2,2% và 2,5%, nhưng nếu so với giai đoạn trước đây thì biến động như trên là chỉ ở mức khiêm tốn.
Trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh trên thị trường quốc tế và khiến nhiều đồng tiền khác bị mất giá mạnh, đặc biệt là tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, thì mức độ giảm giá như trên của VND được xem là chấp nhận được.
Kỳ vọng gì cho năm 2019?
Dự báo về triển vọng năm 2019, hiện có những quan điểm trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng tỷ giá và lãi suất sẽ chịu áp lực nhiều hơn trong năm nay, dựa trên các yếu tố như lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục giúp đồng USD tăng mạnh. Giá dầu có thể phục hồi trở lại và gây áp lực lên lạm phát, hay những yếu tố rủi ro như chiến tranh thương mại và nguy cơ khủng hoảng đều sẽ tác động tiêu cực lên nền kinh tế và gây sức ép lên lãi suất và giá trị của tiền đồng.
Ngược lại, cũng không ít ý kiến dự báo năm 2019 sẽ "dễ thở" hơn đối với việc điều hành lãi suất và tỷ giá. Đầu tiên là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng trở lại, theo đó mục tiêu tăng trưởng khả năng chỉ ở 14%, tương đương với mức thực hiện 2018 và thấp hơn nhiều con số của những năm trước đây từ 18 - 20%, điều này sẽ giúp các ngân hàng không phải quá chật vật xoay xở nguồn vốn huy động, từ đó giảm sức ép lên lãi suất.
Ngoài ra, lượng tiền gửi kho bạc nhà nước lớn có thể tăng lên trong hệ thống ngân hàng, cũng như định hướng đẩy mạnh sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt cũng sẽ giúp nguồn vốn các ngân hàng dồi dào hơn, là cơ sở quan trọng để ổn định được lãi suất. Bên cạnh đó, dự báo số lần tăng lãi suất của FED trong năm 2019 sẽ giảm xuống cũng sẽ giảm sức ép tăng lãi suất lên các ngân hàng trung ương còn lại.
Việc FED làm chậm lại quá trình tăng lãi suất cũng sẽ giúp giảm sức ép điều chỉnh tăng tỷ giá trong nước. Trong khi đó, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài kỳ vọng duy trì sự tăng trưởng, đặc biệt là trước làn sóng các doanh nghiệp chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam vì lo ngại chiến tranh thương mại.
Về vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, lộ trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước được xem là chất xúc tác để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tìm đến thị trường Việt Nam.
Mặc dù lãi suất huy động được dự báo có thể ổn định, nhưng lãi suất cho vay sẽ có diễn biến như thế nào là điều khó nói trước, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng thương mại bị kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng thì có thể gia tăng biên độ lãi suất để duy trì lợi nhuận.
Cùng với những giải pháp can thiệp linh hoạt và điều hành ngày càng hiệu quả của NHNN, tỷ giá được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ ổn định trong năm 2019. Đáng lưu ý là theo lời chia sẻ mới đây của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, trong năm 2018, cơ quan này đã mua ròng được 6 tỷ USD và đang tiếp tục mua lượng lớn ngoại tệ ngay từ đầu năm 2019, giúp dự trữ ngoại hối tăng đáng kể và từ đó nhà điều hành cũng có đủ nguồn lực để can thiệp khi cần thiết.
Cẩn trọng vẫn không thừa
Dù có khá nhiều dự báo tích cực được đưa ra, nhưng thiết nghĩ không chỉ giới đầu tư mà ngay chính doanh nghiệp cũng cần lường trước những kịch bản bất ngờ có thể xảy ra. Đối với các doanh nghiệp Việt, tỷ giá và lãi suất luôn là 2 yếu tố ảnh hưởng khá mạnh lên kết quả kinh doanh và có thể gây ra những thiệt hại không nhỏ nếu biến động ngoài tầm kiểm soát.
Mặc dù lãi suất huy động được dự báo có thể ổn định, nhưng lãi suất cho vay sẽ có diễn biến như thế nào là điều khó nói trước, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng thương mại bị kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng thì có thể gia tăng biên độ lãi suất để duy trì lợi nhuận.
Trong những ngày đầu năm nay, một số ngân hàng thương mại nhà nước như Agribank hay Vietcombank đã thông báo sẽ điều chỉnh giảm 0,5% lãi suất cho vay ngay từ đầu năm. Tuy nhiên cũng chỉ áp dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên, phân khúc quen thuộc trong những đợt giảm lãi suất gần đây. Ngược lại, những khách hàng cá nhân vay tiêu dùng hoặc nhóm doanh nghiệp vay đầu tư, sản xuất nằm ngoài 5 lĩnh vực trên cần cảnh giác với khả năng lãi suất cho vay có thể điều chỉnh tăng.
Về vấn đề tỷ giá, dù xác suất tiếp tục giữ được sự ổn định là khá cao, tuy nhiên với những khách hàng vay ngoại tệ thì cần sử dụng kèm theo các sản phẩm phái sinh, quyền chọn để bảo hiểm rủi ro tỷ giá cũng không hề thừa, nhằm giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất một khi thị trường biến động mạnh.