Năm 2021, xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam sẽ bứt phá?
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động thương mại và đầu tư trên thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu siết chặt hàng rào phi thuế quan và bảo hộ trong nước gia tăng…
Trong bối cảnh đó, vượt qua khó khăn, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 duy trì đà tăng trưởng dương. Điều này cho thấy, Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội mang lại, cũng như thực thi hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xuất khẩu.
Với triển vọng thương mại toàn cầu sẽ khởi sắc hơn khi đại dịch Covid-19 được khống chế, sự tận dụng một cách hiệu quả các điều kiện thuận lợi từ những chiến lược hội nhập, khung khổ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết xuất, nhập khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng tốc bứt phá trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2020
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019. Kết quả này góp phần đưa thặng dư thương mại hàng hóa của cả nước đạt mức kỷ lục 19,1 tỷ USD (tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019 là 10,8 tỷ USD). Sự bứt phá của xuất, nhập khẩu hàng hóa chủ yếu bắt đầu từ quý III/2020, khi các nước từng bước dỡ bỏ quy định cách ly, giãn cách xã hội và đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới.
Việt Nam tiếp tục duy trì mức thặng dư thương mại cao chủ yếu với 02 thị trường lớn là Hoa Kỳ (62,7 tỷ USD) và Liên minh châu Âu (20,3 tỷ USD); thâm hụt thương mại lớn với các thị trường như: Trung Quốc (35,4 tỷ USD), Hàn Quốc (27,6 tỷ USD) và ASEAN (6,9 tỷ USD).
Về xuất khẩu: Năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khu vực kinh tế trong nước không còn là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu như trong 9 tháng đầu năm 2020, khi giảm 1,1% và chỉ đạt 78,2 tỷ USD, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đã giành lại vị thế đầu tàu xuất khẩu, khi đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 72,2 tổng kim ngạch xuất khẩu.
Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu quý III/2020 sang thị trường Mỹ tăng so với quý II/2020 (hơn 65%), nhưng sang quý IV/2020 đã sụt giảm gần 12%. Đến hết tháng 12/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 76,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm 2019. Trong đó, nổi bật 02 mặt hàng có mức tăng đột biến so với năm 2019 (Bảng 1), gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 141% (tương đương 7,15 tỷ USD); Máy vi tính và linh kiện tăng gần 72% (tương đương 4,34 tỷ USD).
Kim ngạch xuất khẩu quý IV/2020 sang thị trường Trung Quốc tăng gần 12% so với quý III/2020 (tương ứng tăng 4,2 tỷ USD), đóng góp cả năm 2020, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 48,5 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với năm 2019. Trong đó, theo số liệu của năm 2020, đáng quan tâm chính là sự gia tăng mạnh của kim ngạch xuất khẩu 02 mặt hàng chủ lực như: Điện thoại các loại và linh kiện, tăng 49% so với năm 2019 (tương đương 4,05 tỷ USD); Máy vi tính và linh kiện tăng hơn 16% (tương đương 1,53 tỷ USD).
Xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu trong quý IV/2020 giảm 12% so với quý III/2020, điều này trực tiếp tác động khiến cho kim ngạch xuất khẩu sang Liên minh châu Âu cả năm 2020, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 34,8 tỷ USD). Như vậy, tác động của việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu đến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam chưa thực sự rõ ràng.
Hoạt động xuất khẩu sang các thị trường truyền thống khác trong năm 2020 so với năm 2019 đang có xu thế giảm, khi xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 23,1 tỷ USD giảm 8,7%; Nhật Bản đạt 19,2 tỷ USD, giảm 5,7%; Hàn Quốc đạt 18,7 tỷ USD, giảm 5,1%.
Các nhóm hàng xuất khẩu chính gồm: Các mặt hàng tiêu dùng và các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như túi xách, hàng dệt may, giày dép, hàng thủy sản, nông sản (trừ gạo và sắn), điện thoại và linh kiện... tiếp tục chịu bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và duy trì mức tăng trưởng âm.
Trên thực tế, đã xuất hiện nhiều mặt hàng mới có tốc độ xuất khẩu gia tăng nhanh như: Đồ chơi, dụng cụ thể thao (tăng 51%); Sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ (tăng 50%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (tăng 46%)… Nếu đây là các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu thì xu hướng này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang đa dạng hóa nhanh sang các ngành khác và năng lực cạnh tranh các ngành này khá mạnh. Tuy nhiên, cũng không loại trừ các sản phẩm này là hàng nhập khẩu từ các nước khác núp bóng hàng Việt Nam để xuất khẩu (Bảng 2).
Về nhập khẩu: Tổng trị giá nhập khẩu trong năm 2020 tăng 3,6% so với năm 2019 và đạt khoảng 262,4 tỷ USD. Trong đó: Xăng dầu các loại giảm 2,66 tỷ USD, tương ứng giảm hơn 45%; vải giảm 1,5 tỷ USD, tương ứng giảm trên 11%; sắt thép các loại giảm 1,41 tỷ USD, tương ứng giảm 15%; ô-tô nguyên chiếc các loại giảm 919 triệu USD, giảm tương ứng 27%...
Thống kê cho thấy, nhập khẩu từ một số thị trường chủ lực tăng do hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại bình thường, cụ thể như: Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là 26,3 tỷ USD, tăng khoảng 31% so với năm 2019 (tương đương 6,3 tỷ USD); từ Hàn Quốc đạt 13,3 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương 1,7 tỷ USD); từ Nhật Bản là 5,9 tỷ USD, tăng 9,25% so với năm 2019 (tương đương 500 triệu USD); từ ASEAN đạt 7,1 tỷ USD…
Nhìn chung, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vẫn còn yếu, đặc biệt là nhập khẩu các phương tiện vận tải và đầu vào phục vụ sản xuất (Bảng 3). Các sản phẩm phục vụ sản xuất và xuất khẩu như: Sợi dệt, sắt thép, vải, bông; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đều giảm mạnh...
Kỳ vọng và định hướng đối với xuất, nhập khẩu Việt Nam trong năm 2021
Bước vào năm 2021, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường; xu hướng bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục diễn ra gay gắt. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là đối với đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải hàng không… Ở trong nước, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025 về phát triển kinh tế-xã hội, cũng như quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, định hướng lớn của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Việt Nam tiếp tục duy trì mức thặng dư thương mại cao chủ yếu với 02 thị trường, đó là Hoa Kỳ (62,7 tỷ USD) và Liên minh châu Âu (20,3 tỷ USD); thâm hụt thương mại lớn với các thị trường như: Trung Quốc (35,4 tỷ USD), Hàn Quốc (27,6 tỷ USD) và ASEAN (6,9 tỷ USD).
Những thành tựu và tồn tại, hạn chế trong hoạt động xuất, nhập khẩu năm 2020 là động lực, cũng như bài học quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động này trong năm 2021, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Với triển vọng thương mại toàn cầu sẽ khởi sắc hơn khi đại dịch Covid-19 được khống chế, sự tận dụng một cách hiệu quả các điều kiện thuận lợi từ những chiến lược hội nhập, khung khổ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và sẽ ký kết, xuất, nhập khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng tốc bứt phá trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần quan tâm tới một số định hướng sau:
Một là, xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế chính sách để thực hiện thực chất, có hiệu quả các đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước những năm tới trên tinh thần quyết tâm cao hơn. Coi thể chế là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và đưa đất nước tiến lên. Nâng cao kỷ cương, hiệu quả trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; Xây dựng bộ máy tinh gọn hoạt động, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng chính phủ điên tử phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Hai là, tiếp tục bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ để thực hiện quyết liệt, đồng bộ; Thường xuyên kiểm tra, đánh giá để xử lý linh hoạt, kịp thời những khó khăn vướng mắc phát sinh; Thường xuyên bám sát diễn biến thị trường để có phản ứng, xử lý kịp thời; Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương; Tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Ba là, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cả về tài chính, tiền tệ và thông tin thị trường; Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành hàng, sản phẩm và doanh nghiệp; Nâng cao năng lực đổi mới công nghệ và cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Đồng thời, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới. Xây dựng kế hoạch chi tiết phục hồi và đẩy mạnh xuất khẩu đối với từng ngành hàng, mặt hàng và từng thị trường. Tạo thuận lợi việc bình thường hóa và mở rộng thương mại.
Hoạt động xúc tiến xuất khẩu cũng cần tập trung ở các nhóm ngành hàng chủ lực, có tiềm năng phát triển như: Nhóm nông sản (thực phẩm, thủy sản, trái cây, chè, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, cao su, gạo) và nhóm công nghiệp chế biến (dệt may, da giày và túi xách, đồ gỗ...).
Ngoài ra, cần liên tục triển khai các chương trình quảng bá nhằm củng cố nhận diện và nâng tầm hình ảnh, thương hiệu sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và tăng cường xuất khẩu hàng qua hệ thống mạng lưới phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Chủ động nghiên cứu thị trường và đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật khắt khe nhất.
Bốn là, tăng cường vai trò, hiệu quả của các cơ quan đại diện thương mại, của các hiệp hội ngành nghề trong xúc tiến thương mại; tìm kiếm cơ hội kinh doanh và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp. Phối hợp với các cơ quan chức năng của nước có chung đường biên giới với Việt Nam, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu. Cải cách, đơn giản hóa các thủ tục kê khai, thông quan, kiểm tra y tế, kiểm tra chuyên ngành đối với phương tiện, hàng hóa. Xử lý, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền và ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm thực hiện có hiệu quả, tận dụng các cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư từ các hiệp định tự do thương mại, đầu tư mới được ký kết, nhất là Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu; Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Tài liệu tham khảo:
Báo cáo số 8558/BC-BKHĐT ngày 24/12/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế-xã hội tháng 12 và năm 2020 (Báo cáo phục vụ Hội nghị Chính phủ với địa phương tháng 12/2020);
Báo cáo 245/BC-TCTK ngày 27/12/2020 của Tổng cục Thống kế về tình hình kinh tế xã hội quý IV/2020 và năm 2020;
Báo cáo ngày 07/01/2021 của Bộ Tài chính về đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2020, triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2021 (Tài liệu phục vụ Hội nghị ngành Tài chính ngày 08/01/2021);
Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021;
Các website: customs.gov.vn, tapchitaichinh.vn, haiquanonline.com.vn...