Bà Nguyễn Hoài Thu – Giám đốc Điều hành Khối đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu, VinaCapital:

Năm 2022, GDP của Việt Nam có thể tăng ở mức 7-7,5%

Trích ý kiến của bà Nguyễn Hoài Thu – Giám đốc Điều hành Khối đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu, VinaCapital tại Livestream Chứng khoán - Kênh đầu tư không thể bỏ lỡ trong năm 2022 do VinaCapital tổ chức chiều ngày 14/1/2022.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Bà Nguyễn Hoài Thu – Giám đốc Điều hành Khối đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu, VinaCapital
Bà Nguyễn Hoài Thu – Giám đốc Điều hành Khối đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu, VinaCapital

Những gì Việt Nam đạt được trong tình hình vĩ mô 2 năm vừa qua là đáng khích lệ, trong bối cảnh dịch bệnh có những ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế - xã hội Việt Nam.

Điển hình là tăng trưởng GDP năm 2020 và 2021 vẫn đạt dương ở mức 2,9% năm 2020 và 2,6% năm 2021. Bức tranh hiện tại theo chúng tôi là rất tích cực và câu chuyện vĩ mô của 2022 sẽ gồm 3 yếu tố.

Thứ nhất là kinh tế sẽ tiếp tục hồi phục, thậm chí là hồi phục mạnh mẽ sau khi Chính phủ chuyển từ chiến lược Zero-COVID sang sống chung cùng COVID vì độ phủ vắc xin của Việt Nam hiện nay đã tăng lên đáng kể, một số đường bay thương mại quốc tế đã được nối lại. Sự phục hồi này thấy rõ nét ở tăng trưởng GDP quay lại mức dương 5,2% trong quý IV/2021 sau khi chạm mức - 6% của quý III/2021.

Trong năm 2022, chúng tôi dự báo GDP vẫn tăng ở mức 7-7,5% - mức bật tăng mạnh so với mức tăng 2,6% của năm trước đó. Trong thời gian dài hơn, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt được mức từ 6,5-7%/năm trong từ 5 đến 10 năm sắp tới. Một sự phục hồi khác cũng ấn tượng nhìn thấy từ hoạt động sản xuất công nghiệp bởi chỉ số mua hàng PMI bật tăng mạnh mẽ, vượt lên trên mức 50 ngay sau những đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Thứ hai là trong bức tranh kinh tế vĩ mô năm 2022 ổn định bao gồm các yếu tố như: lạm phát, lãi suất, giá trị đồng VND vẫn giữ ổn định trong năm 2022. Trong đó, lạm phát có thể tăng cao đến mức 4% trong quý I/2022 nhưng sẽ giảm về mức 3% vào cuối năm.

Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, chúng tôi dự báo lạm phát luôn được ổn định ở mức dưới 3%, trong khoảng mức trung bình của 5 năm gần nhất. Đồng tiền VND cũng được ổn định, lãi suất cũng không có biến động đáng kể trong năm 2022.

Thứ ba là những động lực tăng trưởng giúp Việt Nam tăng trưởng GDP dương một cách ấn tượng trong 2 năm vừa qua cũng là những động lực tăng trưởng dài hạn của Việt Nam trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Điển hình như: xuất nhập khẩu có mức tăng ấn tượng; đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng; đô thị hóa ở mức cao; chuyển đổi số có những bước phát triển.

Ba động lực trên còn được thúc đẩy hơn nữa bằng gói hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa được Quốc hội thông qua với trị giá lên đến 347 tỷ đồng, trong đó hạng mục lớn nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng lên đến 114 nghìn tỷ, tiếp sau là hỗ trợ doanh nghiệp lên tới 110 nghìn tỷ cùng với y tế và an sinh xã hội. Gói kích thích này gần như một chìa khóa và là động lực vững chắc để chúng ta đạt được mức tăng trưởng kinh tế ở mức 7-7,5% trong năm 2022.