Nạn khai thác vàng trái phép ở Quảng Nam vẫn chưa được xử lý dứt điểm

Theo Báo Nhân dân

Nạn khai thác vàng trái phép diễn ra từ nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khiến nhiều cánh rừng bị xóa sổ, nhiều dòng sông bị ô nhiễm và vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn trở nên phức tạp. Chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức hàng trăm đợt truy quét, nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Nạn khai thác vàng trái phép ở Quảng Nam vẫn chưa được xử lý dứt điểm
Hiện trường bãi vàng khai thác trái phép tại xã Phước Ðức (Phước Sơn)

Nạn khai thác vàng trái phép xảy ra tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam không chỉ làm mất rừng, mất đất sản xuất, gây ô nhiễm môi trường mà còn làm cho cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn, tệ nạn xã hội ngày càng phát sinh, hàng trăm người bị chết do sập hầm vàng hoặc nghiện ma túy...

Bức xúc trước thực trạng đau lòng này, vào ngày 13/4/2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/T.U "Về tăng cường các công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh".

Sau đó hai ngày, UBND tỉnh đã có Chỉ thị về tăng cường các biện pháp nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong hai năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh và các huyện miền núi đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn nạn khai thác khoáng sản, nhất là việc đào đãi vàng trái phép.

Riêng trong năm 2012, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phá hủy, tịch thu 450 máy nổ, 30 máy phát điện, 40 máy xay đá, 10 xe múc, hàng nghìn lít dầu đi-ê-den; đồng thời phá hủy 327 lán trại và các thiết bị khai thác vàng trái phép, đuổi khỏi hiện trường hơn 1.230 lượt người; lập biên bản xử phạt 282 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền 5,5 tỷ đồng. Ngoài ra, qua kiểm tra sau cấp phép, tỉnh đã ra quyết định thu hồi sáu giấy phép trong lĩnh vực khai thác vàng vì không thực hiện đúng quy định của Nhà nước về khai thác khoáng sản.

Tuy đã đạt được kết quả như vậy, song công tác quản lý, bảo vệ, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều bất cập; tình trạng khai thác vàng trái phép tại các huyện miền núi phía tây của tỉnh vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời.

Trong những tháng đầu năm 2013, tình trạng khai thác vàng trái phép lại rộ lên tại các huyện Phước Sơn, Nam Giang, Hiệp Ðức, Phú Ninh... Nhưng khi lực lượng chức năng đến nơi thì "đội quân" đào đãi vàng đã kịp thời lẩn tránh, bỏ lại hiện trường ngổn ngang cây cối, đất đá, phương tiện. Ðầu tháng 3 vừa rồi, khi nghe người dân địa phương phản ánh, đoàn công tác các cơ quan chức năng của tỉnh đã "bí mật" đột nhập vào bãi vàng ngay bên dòng sông Bung 4 (xã Tà Pơ, huyện Nam Giang). Nhưng khi vào đến nơi, không thấy người khai thác vàng đâu cả mà chỉ thấy lán trại cùng hiện trường đào bới dở dang, cùng nhiều phương tiện, dụng cụ khai thác vàng trái phép... Qua kiểm tra, Ðoàn đã tiến hành tiêu hủy ba máy nổ, một bình ắc-quy và một số dụng cụ dùng cho hoạt động khai thác vàng.

Trước đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp các địa phương kiểm tra tại khu vực xã Ðắc Pring (huyện Nam Giang) nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Khi đoàn đi vào khu vực khe Cọp, suối Ring, nhóm người khai thác vàng trái phép bỏ chạy để lại một lều bạt cùng hai máy nổ, một dàn tuyển đãi vàng bằng gỗ... Và khi đoàn đến khu vực bãi Nhẹ, xã Phước Ðức (huyện Phước Sơn) thì các máy móc đã ngừng hoạt động, 12 công nhân đang ở trong lán trại. Tại hiện trường, đoàn phát hiện có đến bốn lán trại, hai khu chế biến vàng che bằng bạt, sáu máy xay đá cùng một số dụng cụ khai thác, nhiều hầm khai thác vàng, trong đó một hầm có dấu vết khai thác mới... Ðáng nói là, ở đây không chỉ có nhiều bãi đất, cây rừng bị đào bới bật gốc mà "đội quân" khai thác vàng trái phép còn mở luôn một tuyến đường khoảng sáu cây số từ ngã ba sông Thanh (bãi Gió) đến khe Cọp, suối Ring... để phục vụ khai thác vàng trái phép thế mà cả Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên sông Thanh và chính quyền địa phương không hề biết?!

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho biết, những tồn tại trong hoạt động khoáng sản chưa được giải quyết dứt điểm là do việc đầu tư khai thác khoáng sản trái phép không lớn, nhưng lợi nhuận đem lại tương đối cao. Vì thế, các đối tượng này tìm mọi cách thực hiện (như khai thác vào ban đêm và các ngày nghỉ); khai thác ở những địa bàn giáp ranh giữa các địa phương; đồng thời trang bị dụng cụ chống đối, đe dọa cán bộ thi hành công vụ, nên khi không có lực lượng công an, quân đội đi cùng thì khó tiếp cận, xử lý. Hơn nữa vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp được cấp phép chưa tự giác trong quá trình hoạt động.

Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản, vàng trái phép kéo dài cũng có nguyên nhân chủ quan, đó là do công tác tuyên truyền, hướng dẫn thi hành luật và các văn bản dưới luật trong lĩnh vực khoáng sản còn hạn chế. Một số nơi, người dân không những không tố giác mà còn tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép như: bán đất sản xuất, đất rừng, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhiên liệu và cho người từ địa phương khác đến ở để khai thác vàng trái phép.

Mặt khác, do các đơn vị, địa phương khi đề nghị cấp phép chưa chú trọng đến năng lực, công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... mà chú trọng vào khoản đóng góp ngân sách. Chính quyền một số địa phương, nhất là cấp cơ sở chưa nắm kỹ các quy định pháp luật về khoáng sản, xem việc bảo vệ khoáng sản là nhiệm vụ của chính quyền cấp trên. Một số cấp ủy đảng, HÐND cấp xã thiếu kiểm tra, giám sát, buông lỏng sự lãnh đạo để chính quyền tự tiện cho phép các tổ chức, cá nhân vào khai thác để thu ngân sách...

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát sau cấp phép của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trong thời gian qua chưa được thường xuyên, nên không phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm. Hoặc có một số trường hợp đã phát hiện sai phạm, nhưng xử lý chưa nghiêm...

Sở dĩ nạn khai thác vàng trái phép chưa được giải quyết dứt điểm còn do sự vào cuộc của cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương ở một số nơi chưa đồng bộ, quyết liệt; ở một số địa phương, cán bộ còn "bật đèn xanh" cho các đối tượng khai thác vàng trái phép để thu ngân sách... Do vậy, để ngăn chặn triệt để nạn khai thác vàng trái phép, ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức, tỉnh Quảng Nam cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh cải cách hành chính trong cấp phép hoạt động khoáng sản, tăng cường công tác kiểm tra sau cấp phép. Ðồng thời sớm phát hiện, kiên quyết xử lý những cán bộ lợi dụng chức quyền tiếp tay, "bảo kê" cho việc khai thác vàng trái phép, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước...