Nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay

PGS.,TS. Nguyễn Đắc Hưng - Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên

Mở rộng và nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng là một đổi mới quan trọng trong hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ năm 1988 đến nay.

Định hướng đổi mới này tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ trong giai đoạn cơ cấu lại nền kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3/6/2017, của Bộ Chính trị, về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", hiệu quả của chính sách này không ngừng được nâng cao, đồng thời còn góp phần nâng chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ số tiếp cận tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần giải quyết một số vấn đề an sinh xã hội.

Không ngừng hoàn thiện các quy định pháp luật nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

Triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng và Chính phủ, để nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng góp phần phát triển kinh tế tư nhân, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tiền tệ, tạo thuận lợi cho khách hàng nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng tiếp cận vốn vay.

Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016, "Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng", Thông tư số 43/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016, “Quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính”. Hai thông tư này được ban hành kịp thời, tạo lập khuôn khổ pháp lý mới về cho vay vốn, theo hướng hoàn thiện chính sách tín dụng, không phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình cá nhân, tất cả đều bình đẳng trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

Đặc biệt, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đã đơn giản hóa một số hồ sơ, thủ tục cho vay; bổ sung nhiều quy định để bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay; nâng cao tính tự chủ trong hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, đồng thời nâng cao yêu cầu minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với kinh tế tư nhân.

Để khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ và báo cáo Bộ Chính trị Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; trong đó, một trong các giải pháp là trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 42/NQ-QH 14, ngày 21/6/2017, “Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Nghị quyết của Quốc hội tạo điều kiện xử lý triệt để các vướng mắc, khó khăn về cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi.

Nhờ đó giải phóng khối lượng vốn đang tồn đọng trong các khoản nợ xấu cũng như giải phóng khối lượng tài sản thế chấp hiện nay chưa xử lý được, giúp các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng cho phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời giảm được chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tập trung phát triển kinh tế tư nhân với nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp, như tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, xây dựng các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, quy trình, thủ tục thuận tiện, minh bạch. Chính sách tín dụng không còn phân biệt lãi suất và các điều kiện vay vốn giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Những giải pháp đã và đang triển khai cho thấy, ngành ngân hàng luôn hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách tín dụng, nhằm khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển. Vốn tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp liên doanh, công ty cổ phần, hộ gia đình, cá nhân, tổ hợp tác trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề.

Trong điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước thực hiện định hướng giảm lãi suất và giữ tỷ giá ổn định, tạo dựng được niềm tin cho doanh nghiệp, giúp kinh tế tư nhân giảm chi phí vốn vay, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Hiệu quả của chính sách tín dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

Một là, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân có vị thế trong khu vực, có thương hiệu mạnh quốc tế, thu hút được nhiều cổ đông chiến lược nước ngoài, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Triển khai thực hiện chính sách tín dụng an toàn, hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đến nay, vốn tín dụng cho thành phần kinh tế này chiếm gần 90% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế. Hằng năm, Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, đồng thời trong điều hành chính sách tín dụng hướng dòng vốn đến các lĩnh vực ưu tiên. Chính sách tín dụng dựa trên nguyên tắc kinh doanh có hiệu quả.

Dòng vốn cho vay của các ngân hàng đã góp phần thúc đẩy phát triển số lượng doanh nghiệp tư nhân, mở rộng quy mô và không ngừng nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân. Đặc biệt là với việc đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về vốn trung và dài hạn, vốn nội tệ và vốn ngoại tệ, tài trợ thương mại, tài trợ dự án hiện đại hóa công nghệ…, chính sách tín dụng đã góp phần hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của nền kinh tế.

Hiệu quả của chính sách tín dụng không ngừng được nâng cao, bên cạnh việc đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, kiềm chế lạm phát thì cũng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ số tín nhiệm quốc tế. Môi trường kinh doanh toàn cầu của Việt Nam đã tăng lên vị trí thứ 70/100 nền kinh tế được lựa chọn để so sánh. Chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng từ vị trí 56/140 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2015 lên vị trí 55/137 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2017 với 10/12 trụ cột được cải thiện về chỉ số.

Năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng lên thứ hạng 67/141 nền kinh tế, tăng 10 bậc so với năm 2018. Báo cáo GCI đánh giá Việt Nam là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu, nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới, trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng về năng lực cạnh tranh.

Hai là, chính sách tín dụng đối với kinh tế tư nhân góp phần cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ.

Triển khai chính sách tín dụng đối với kinh tế tư nhân trong cả nước, những năm qua, các ngân hàng thương mại tăng tỷ trọng vốn đầu tư cho các lĩnh vực thương mại, du lịch, khách sạn, vận tải hành khách, vui chơi giải trí,… Đây là các lĩnh vực phát triển mạnh trong thời gian qua và chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện, với quy mô vốn đầu tư của các ngân hàng tăng trưởng bình quân từ 16% đến 20%/năm.

Với sự hỗ trợ của vốn tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực, như lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, vui chơi giải trí,… đi đầu trong thu hút khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa, đóng góp hàng đầu trong các nhóm hàng xuất khẩu đem lại kim ngạch trên 1 tỷ USD mỗi năm, xây dựng và vận hành có hiệu quả các khu vui chơi giải trí quy mô lớn ở các khu du lịch tiềm năng.

Ba là, chính sách tín dụng đối với kinh tế tư nhân góp phần thực hiện chiến lược ngoại giao, phát triển quan hệ quốc tế, bảo vệ an ninh biên giới và củng cố vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của Việt Nam được các ngân hàng cho vay đầu tư các dự án thủy điện, trồng mía, chăn nuôi bò sữa, cao su, bất động sản,… tại Lào, Campuchia, Myanmar, Nga và một số quốc gia khác. Các dự án đang phát huy hiệu quả, được chính phủ các nước sở tại đánh giá cao, tạo việc làm cho người dân sở tại, đóng góp cho ngân sách các quốc gia đó và bổ sung nguồn ngoại tệ cho Việt Nam. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cũng như dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hoạt động tại nước ngoài, một số ngân hàng thương mại Việt Nam đã mở chi nhánh tại nước ngoài.

Bốn  là, chính sách tín dụng đối với kinh tế tư nhân góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Các ngân hàng thương mại Việt Nam không chỉ cho vay vốn đối với các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam mà còn cạnh tranh mạnh mẽ với các ngân hàng nước ngoài và ngân hàng liên doanh mở rộng cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp FDI. Trong thực tế, vốn của các doanh nghiệp FDI không chỉ đưa từ các tập đoàn mẹ, vay ngân hàng ở nước ngoài, mà có tỷ trọng lớn là vay tín dụng các ngân hàng ở Việt Nam. Đồng thời, các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng chủ động đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho các doanh nghiệp triển khai xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất,… thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, triển khai dự án tại Việt Nam.

Không chỉ góp phần thu hút vốn FDI, mà chính sách tín dụng ngân hàng đối với kinh tế tư nhân còn góp phần thu hút vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vào các doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn có hiệu quả, có quan hệ tín dụng tốt với các ngân hàng thương mại Việt Nam, đầu tư trên thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu.

Năm là, chính sách tín dụng đối với kinh tế tư nhân góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm nhu cầu năng lượng và phát triển ngành dịch vụ của Việt Nam.

Trong những năm gần đây, hệ thống đường cao tốc nói riêng và hệ thống giao thông đường bộ của Việt Nam nói chung; hệ thống dịch vụ hàng không, hệ thống cảng biển và logistic của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, hầu hết do các doanh nghiệp tư nhân triển khai thi công, đầu tư theo hình thức BT, BOT,… được các ngân hàng thương mại Việt Nam cho vay vốn trung và dài hạn, với nhiều điều kiện ưu đãi về phân kỳ trả nợ. Bên cạnh đó, chính sách tín dụng đối với kinh tế tư nhân còn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho triển khai các dự án mở rộng, như các dự án thủy điện, điện gió, điện năng lượng mặt trời, nhiệt điện,… thúc đẩy cạnh tranh và bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Sáu là, vốn tín dụng ngân hàng góp phần cơ cấu lại nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, an toàn, bảo vệ môi trường và mở rộng xuất khẩu.

Nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực được ưu tiên trong thực hiện chính sách tín dụng của các ngân hàng thương mại. Những năm gần đây, dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn của các ngân hàng thương mại không ngừng tăng cao cả về quy mô và tỷ trọng, đến nay chiếm trên 19% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục mở rộng vốn an toàn cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tính đến hết năm 2019, dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 11% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ của nền kinh tế; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 16%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 15%.

Các ngân hàng thương mại chủ động triển khai có hiệu quả các chính sách lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, như cho vay thu mua lúa gạo, được thực hiện chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là lĩnh vực đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho nền kinh tế, liên quan đến việc làm và thu nhập của hàng triệu hộ nông dân. Các ngân hàng thương mại cũng đang tích cực triển khai cho vay ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp.

Đầu tư vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến, nhiều doanh nghiệp đã và đang mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản: gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, tôm, cá ba sa, thanh long, bưởi, vải, chôm chôm, xoài,… với giá bán ngày càng cao, ổn định, giữ vững thị trường truyền thống và đang thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường khó tính. Có thể khẳng định, vốn tín dụng ngân hàng đối với kinh tế tư nhân đang đóng vai trò hàng đầu trong thúc đẩy cơ cấu lại nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, sạch, hữu cơ, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, mở rộng xuất khẩu ra thị trường quốc tế...

Đặc biệt, các tổ chức tín dụng tích cực triển khai thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/4/2018, của Chính phủ, “Về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn" với mục tiêu thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Nghị định này đem lại kết quả bước đầu tích cực, chỉ trong vòng 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào khu vực nông nghiệp đã tăng gần 4 lần, từ hơn 3.000 doanh nghiệp, tăng lên thành 11.800 doanh nghiệp. Thành công nữa là hầu hết các tập đoàn lớn của nước ta đã hướng đến khu vực nông nghiệp, tạo nên chuỗi liên kết ứng dụng khoa học - công nghệ để tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp hàng hóa.

Bảy là, chính sách tín dụng thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thực hiện chính sách tín dụng đối với phát triển kinh tế tư nhân, trong những năm qua, hệ thống ngân hàng không ngừng mở rộng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bên cạnh đáp ứng các nhu cầu sản phẩm và dịch vụ tiêu thụ trong nước đang vươn mạnh mẽ ra thị trường khu vực cũng như quốc tế, trở thành doanh nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Tính đến hết năm 2019, dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trong toàn quốc đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 1.530.000 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cuối năm 2018, với 196.689 khách hàng còn dư nợ. Trong cơ cấu dư nợ thì dư nợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong ngành công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 41%; ngành thương mại và dịch vụ 54%; ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 5% trên tổng dư nợ.

Tám là, chính sách tín dụng đối với kinh tế tư nhân góp phần thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường vốn nói chung của Việt Nam theo xu hướng hội nhập.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân có quan hệ tín dụng thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả với các ngân hàng thương mại, có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng đủ điều kiện huy động vốn trực tiếp trên thị trường tài chính. Số lượng công ty cổ phần niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không ngừng tăng nhanh, với mức độ vốn hóa ngày càng cao, quy mô cổ phiếu giao dịch ngày càng lớn.

Bên cạnh đó, số công ty phát hành trái phiếu huy động vốn trung và dài hạn ngày càng tăng. Nhiều công ty cổ phần đẩy mạnh phát hành trái phiếu, huy động vốn trung dài hạn cho đầu tư, giảm áp lực cũng như cạnh tranh hiệu quả với kênh tín dụng ngân hàng thương mại.

Một số vấn đề đặt ra về thực hiện chính sách tín dụng đối với kinh tế tư nhân

Thứ nhất, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nói chung, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nói riêng chậm, không đạt mục tiêu đề ra hằng năm làm hạn chế việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho kinh tế tư nhân trong cả nước.

Thứ hai, các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, cũng như các biện pháp khác khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp còn hạn chế, bảo hiểm nông nghiệp khó khăn làm hạn chế việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, chế biến nông sản có chất lượng cao.

Thứ ba, các chính sách khác khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, như chính sách thuế, cho thuê đất, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ trong các khu công nghiệp… chưa được các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ làm hạn chế việc mở rộng tín dụng đối với kinh tế tư nhân. Đặc biệt là chưa có các quy định cụ thể về khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng.

Thứ tư, một số giải pháp khác triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiêp nhỏ và vừa chưa được thực hiện hiệu quả, chưa có tổng kết, đánh giá kịp thời để có hướng điều chỉnh.

Thứ năm, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào thực hiện các thủ tục hành chính và quản lý hành chính gây ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của kinh tế tư nhân cũng như hiệu quả của chính sách tín dụng đối với thành phần kinh tế này.

Một số kiến nghị

Một là, các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng cần không ngừng được đổi mới, hoàn thiện tiệm cận theo thông lệ quốc tế, thực hiện hội nhập, xóa bỏ sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và kinh tế tư nhân, tạo sự bình đẳng trong quan hệ tín dụng ngân hàng, khuyến khích thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề của nền kinh tế, theo quy định của pháp luật. Lãi suất cho vay có xu hướng giảm, tỷ giá ổn định, các thủ tục vay vốn không ngừng được đơn giản. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, trong đó đặc biệt là cải tiến quy trình, thủ tục vay vốn; tăng cường cho vay tín chấp; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bởi tác động của đại dịch Covid-19; tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan xử lý triệt để những vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm, nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Hai là, trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã chuyển dịch vốn tín dụng đến các lĩnh vực an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế, hướng vốn cho vay đến các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước, chủ trương của Chính phủ, tăng tỷ trọng cho vay kinh tế tư nhân. Các tổ chức tín dụng vẫn cần tiếp tục tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, trong đó đặc biệt là các dự án hiệu quả, dự án đầu tư có chiều sâu, ứng dụng khoa học -  công nghệ để sản xuất các sản phẩm thương hiệu Việt Nam cạnh tranh được trên thị trường khu vực và thế giới; các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sạch, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ba là, thời gian qua, việc triển khai các chính sách tín dụng cho các chương trình lớn thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân được ngành ngân hàng thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ. Tuy nhiên, so với một số lĩnh vực khác của doanh nghiệp nhà nước, như điện lực, xăng dầu, viễn thông... thì lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng đối với kinh tế tư nhân vẫn còn cao, do đó, các ngân hàng thương mại cũng như Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách và biện pháp giảm thêm lãi suất cho vay đối với các đối tượng này.

Bốn là, các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, như chính sách thuế, cho thuê đất,… nhằm khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Đặc biệt, cần chú ý có các quy định cụ thể hơn về khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng.

Năm là, nghiên cứu, triển khai rộng rãi chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng và doanh nghiệp yên tâm trong việc triển khai dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chính sách bảo hiểm đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.