Bốn nhân tố ảnh hưởng đến huy động vốn

Thứ nhất, nguồn vốn huy động có ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô hoạt động của hệ thống ngân hàng. Nguồn vốn khả dụng của ngân hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến việc mở rộng hay thu hẹp tín dụng, hoạt động bảo lãnh hay trong hoạt động thanh toán của ngân hàng. So với các ngân hàng nhỏ thì các ngân hàng lớn có các khoản mục về đầu tư, cho vay đa dạng hơn, phạm vi và khối lượng tín dụng cũng lớn hơn. Ngược lại, các ngân hàng nhỏ bị giới hạn bởi phạm vi hoạt động trong một khu vực nhỏ.

Thứ hai, nguồn vốn huy động giúp ngân hàng chủ động trong kinh doanh. Trong cơ cấu vốn của ngân hàng thì ngoài phần vốn tự có thì còn có vốn huy động, vốn vay và các nguồn vốn khác. Một ngân hàng không thể chỉ hoạt động với nguồn vốn tự có và vốn đi vay, vì vốn tự có của ngân hàng chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu vốn của ngân hàng, còn vốn đi vay thì ngân hàng phải phụ thuộc vào đối tượng cho vay về thời hạn, số lượng và các chi phí khác. Nếu ngân hàng có lượng vốn lớn sẽ hoàn toàn chủ động trong hoạt động của mình.

Thứ ba, nguồn vốn huy động giúp ngân hàng nâng cao vị thế của mình trên thị trường. Để đảm bảo việc thu hút khách hàng đến quan hệ giao dịch với mình thì ngân hàng phải tạo được niềm tin với khách hàng. Điều này được thể hiện ở khả năng sẵn sàng thanh toán cho khách hàng. Khả năng thanh toán của ngân hàng cao chỉ khi ngân hàng có nguồn vốn khả dụng lớn. Mặt khác, uy tín của ngân hàng còn thể hiện ở khả năng cho vay và đầu tư của ngân hàng. Ngân hàng chỉ có thể cho vay những dự án lớn, thời hạn dài nếu như ngân hàng có nguồn vốn lớn và ổn định. Điều này phụ thuộc vào khả năng huy động vốn của ngân hàng.

Thứ tư, nguồn vốn huy động quyết định năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Nếu ngân hàng có nguồn vốn khả dụng lớn thì có thể chủ động mở rộng quan hệ tín dụng với các thành phần kinh tế cả về quy mô, khối lượng tín dụng, chủ động về thời gian và thời hạn cho vay thậm chí trong việc điều chỉnh lãi suất cho vay để thu hút khách hàng. Ngoài ra, ngân hàng còn có thể phát triển thêm nhiều loại hình dịch vụ mới, tham gia vào các hoạt động khác như liên doanh liên kết, đầu tư trên thị trường vốn, thị trường tiền tệ…

Nâng cao khả năng huy động vốn của ngân hàng

Các nhân tố bên ngoài ngân hàng

Một là, chu kỳ phát triển kinh tế. Trong điều kiện nền kinh tế phát triển tăng trưởng và ổn định, thu nhập của người dân được đảm bảo và ổn định thì nhu cầu tích luỹ của dân cư cao hơn, từ đó lượng tiền gửi vào ngân hàng tăng lên hay khả năng huy động vốn tăng lên. Cùng với đó, ngân hàng có thể mở rộng khối lượng tín dụng bằng cách tăng lãi suất huy động nhằm kích thích người dân gửi tiền vào ngân hàng để tạo nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Ngược lại, khi nền kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái, thu nhập thực tế của người lao động giảm, điều này sẽ làm giảm lòng tin của khách hàng vào sự ổn định của đồng tiền.

Hai là, môi trường pháp lý. Các hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) đều chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng và hệ thống các văn bản pháp luật khác của nhà nước. Mặt khác, ở Việt Nam hiện nay, các NHTM được tổ chức theo mô hình tổng công ty. Do vậy, các chi nhánh ngân hàng ngoài việc phải tuân thủ theo pháp luật và các văn bản dưới luật của nhà nước, còn phải tuân thủ theo các quy định mà Ngân hàng Nhà nước ban hành trong từng thời kỳ về lãi suất, dự trữ, hạn mức cho vay…

Ba là, môi trường cạnh tranh. Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh là hiện tượng phổ biến và khách quan. Ngân hàng là một trong những Ngành có mức độ cạnh tranh cao và ngày càng phức tạp. Hiện nay, số lượng ngân hàng được phép hoạt động ngày càng tăng cùng với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của nhiều tổ chức phi ngân hàng, trong khi đó nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư và các tổ chức kinh tế là có hạn...

Bốn là, yếu tố tiết kiệm của dân cư. Hoạt động huy động vốn của ngân hàng chủ yếu được hình thành từ việc huy động các nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư. Do đó, công tác huy động vốn của ngân hàng chịu ảnh hưởng rất lớn của yếu tố này. Nếu không có tiết kiệm thì sẽ không có vốn để đầu tư cho sản xuất và ngược lại.

Các nhân tố thuộc về ngân hàng

Một là, chiến lược kinh doanh của ngân hàng. Mỗi ngân hàng phải tự hoạch định cho mình một chiến lược kinh doanh riêng biệt, phù hợp với các điều kiện bên trong và bên ngoài ngân hàng. Chiến lược kinh doanh có tính quyết định tới hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Ngân hàng cần phải xác định vị trí hiện tại của mình trong hệ thống, thấy được điểm mạnh, điểm yếu, thấy được những cơ hội và thách thức.

Trong từng thời kỳ, dựa trên chỉ tiêu được giao về hoạt động huy động vốn, sử dụng vốn và các hoạt động khác của Ngân hàng Nhà nước cùng với tình hình thực tế của từng ngân hàng. Ngân hàng phải lập kế hoạch và lên cân đối giữa huy động vốn và sử dụng vốn. Mặt khác, trong chiến lược kinh doanh của mình ngân hàng cần phải đặc biệt chú trọng vào chi phí vốn mà ngân hàng phải chịu trong khâu huy động; tìm kiếm nguồn vốn rẻ, thời hạn dài thông qua việc lựa chọn các hình thức huy động khác nhau. Có như vậy ngân hàng mới chủ động trong việc tìm kiếm và sử dụng vốn.

Hai là, các hình thức huy động vốn, chất lượng các dịch vụ do ngân hàng cung ứng và hệ thống các mạng lưới. Do nhu cầu của khách hàng khi đến ngân hàng là khác nhau nên việc thoả mãn được những nhu cầu đa dạng của khách hàng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn.

Ví dụ: một ngân hàng có các hình thức và kỳ hạn huy động vốn phong phú, linh hoạt, thuận tiện hơn sẽ có sức hấp dẫn thu hút khách hàng mới và duy trì những khách hàng hiện có hơn những ngân hàng khác. Khi hình thức huy động vốn đa dạng và hấp dẫn thì sẽ làm cho số lượng người gửi tiền tăng lên và khi đó chi phí huy động sẽ giảm xuống.

Ba là, chính sách lãi suất. Đây là một trong những chính sách quan trọng nhất trong số các chính sách hỗ trợ cho công tác huy động vốn của các ngân hàng hiện nay. Ngân hàng sử dụng hệ thống lãi suất như là một công cụ quan trọng trong việc huy động và thay đổi quy mô nguồn vốn thu hút vào ngân hàng, đặc biệt là quy mô tiền gửi. Để duy trì và thu hút thêm nguồn vốn, ngân hàng cần phải ấn định mức lãi suất cạnh tranh, thực hiện ưu đãi về lãi suất cho khách hàng lớn, gửi tiền thường xuyên…

Bốn là, đổi mới công nghệ nhất là khâu thanh toán. Hiện các NHTM ngày càng chú trọng tới việc áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt là khâu thanh toán. Nhờ đó làm cho nguồn vốn luân chuyển nhanh, thuận tiện, đảm bảo an toàn cho khách hàng trong việc gửi tiền, rút tiền và vay vốn.

Hiện nay, các ngân hàng đang vận động dân cư mở tài khoản tiền gửi, thực hiện quá trình thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ qua tài khoản tiền gửi. Trong đó, ngân hàng đóng vai trò là người làm trung gian thanh toán, ngoài ra ngân hàng còn đưa ra các hình thức huy động vốn thông qua các hình thức hấp dẫn như tiền gửi tiết kiệm ở một nơi có thể rút ở nhiều nơi, thực hiện thanh toán qua thẻ tín dụng, thẻ tiền gửi...

Năm là, hoạt động marketing ngân hàng. Đây là vấn đề hết sức quan trọng nhằm giúp cho ngân hàng nắm bắt được yêu cầu, nguyện vọng của khách hàng. Từ đó, ngân hàng đưa ra được các hình thức huy động vốn, chính sách lãi suất, chính sách tín dụng phù hợp.

Sáu là, thâm niên và uy tín của ngân hàng. Trên cơ sở thực tế sẵn có, mỗi ngân hàng đã, đang và sẽ tạo được hình ảnh riêng của mình trên thị trường. Một ngân hàng lớn, có uy tín sẽ có lợi thế hơn trong các hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động huy động vốn nói riêng. Sự tin tưởng của khách hàng sẽ giúp cho ngân hàng có khả năng ổn định khối lượng vốn huy động và tiết kiệm chi phí huy động.

Nâng cao hiệu quả huy động vốn

ThS. ĐƯỜNG THỊ THANH HẢI - Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp

(Tài chính) Để huy động được nguồn vốn đảm bảo chất lượng và số lượng vốn luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong quá trình hoạt động của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc huy động vốn trong nền kinh tế đang gặp phải không ít khó khăn và thách thức...

Xem thêm

Video nổi bật