Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất

PV. (t/h)

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Tài chính đã tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, bố trí sử dụng, xử lý tài sản dôi dư theo đúng quy định của pháp luật; Chỉ đạo đẩy nhanh việc báo cáo kê khai, lập phương án xử lý đối với nhà, đất phải sắp xếp lại của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện xử lý theo đúng phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật; Chỉ đạo tổ chức thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của các cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đúng thời hạn, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí theo đúng chỉ đạo tại Công điện số 771/CĐ-TTg ngày 29/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 9899/BTC-QLCS ngày 15/9/2023 của Bộ Tài chính; Báo cáo, chuẩn hóa số liệu tình hình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất...

Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên phạm vi cả nước; thực hiện Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Theo đó, trong nửa đầu năm 2024, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 249 cơ sở nhà, đất của khối Bộ, cơ quan trung ương. Việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên phạm vi cả nước trên cơ sở tổng hợp số liệu báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, Hội đặc thù và các địa phương theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội đạt kết quả nhất định.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, lũy kế đến ngày 31/5/2024, tổng số cơ sở nhà, đất (bao gồm cả nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước, Công ty cổ phần có vốn nhà nước trên 50%) thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP trên phạm vi cả nước là 262.438 cơ sở nhà, đất. Đến nay, tổng số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 199.293 cơ sở; tổng số cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt là 63.401 cơ sở.

Theo đánh giá chung, công tác quản lý, sử dụng tài sản công từ khi có hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và 6 tháng đầu năm 2024 đã được các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực trong việc triển khai, tổ chức thực hiện và dần đi vào nề nếp, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công. Công tác quản lý, sử dụng tài sản công nói chung và công tác quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất nói riêng đã tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Cục sẽ đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc báo cáo kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hóa) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý theo quy định.