Thực trạng kinh tế - xã hội huyện Tân Kỳ
Tân Kỳ là một huyện miền núi thấp vùng Tây Bắc tỉnh Nghệ An, có diện tích tự nhiên 728,21 km2, đất nông nghiệp có 12.745ha chiếm 17,5%; Đất lâm nghiệp có rừng 15.462 ha chiếm 21,5%; Đất chuyên dùng 3.134 ha chiếm 4,3%; Đất ở 798 ha chiếm 1,1% đất chưa sử dụng và sông suối núi đá có 40,227 ha chiếm 55,6%. Cơ cấu kinh tế năm 2013 chuyển dịch đúng hướng: Nông nghiệp 44,60% xuống 43,60%, công nghiệp xây dựng 26,20% lên 26,40%, dịch vụ 29,20% lên 30%; Sản lượng lương thực nông nghiệp cả năm đạt 56.266 tấn (kế hoạch 56.210 tấn), tăng 0,24% so với cùng kỳ.
Về dân số và lao động, theo số liệu thống kê tính đến ngày 31/12/2013, dân số của huyện Tân kỳ có 130.640 người, mật độ dân số trung bình là 179,4người/km2. Trong đó, nam 64.782 người, chiếm 49,59% dân số; nữ 65.858 người, chiếm 550,41% dân số. Lực lượng lao động là 70.969 người, chiếm gần 54,32% dân số, trong đó, lao động có việc làm thường xuyên là 32.305 người, chiếm 45,52% so với tổng số lao động.
Tổng số hộ toàn Huyện là 32.971 hộ, trong đó, khu vực thị trấn có 1.820 hộ, nông thôn có 31.151 hộ. Tổng số hộ dân tộc thiểu số là 5.287 hộ, trong đó, có 3.224 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số gần 63%. Như vậy, huyện Tân Kỳ là một trong những huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao, có 9 xã vùng khó khăn, 6 xã vùng đặc biệt khó khăn.
Trong những năm đổi mới, kinh tế huyện Tân Kỳ tuy có bước phát triển khá tốt, tốc độ GDP bình quân hàng năm đạt 8,3% (năm 2012 đạt 8,1%, năm 2013 đạt 8,5%) song vẫn còn nhiều khó khăn như:
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và tăng trưởng chưa vững chắc, số lượng sản phẩm hàng hoá còn bé, hiệu quả đầu tư và tính cạnh tranh thấp.
- Nguồn thu ngân sách còn thấp và tăng chậm; nhu cầu chi ngân sách ngày càng lớn; khả năng cân đối thu chi ngân sách trên địa bàn còn rất khó khăn.
- Kết cấu hạ tầng kỹ thuật tuy đã được cải thiện nhiều, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
- Các vấn đề xã hội còn nhiều bức xúc, trình độ lao động chưa đáp ứng.
- Đời sống nhân dân vẫn ở dưới mức trung bình của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người của Huyện năm 2013 là 17.000.000 đồng/ người, bằng 53,12% so với thu nhập bình quân đầu người của cả nước.
Tập trung ưu tiên tín dụng chính sách cho hộ nghèo
Từ thực trạng trên, lãnh đạo Huyện ủy, chính quyền và nhân dân Huyện đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung xóa đói giảm nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội Huyện cũng đã góp phần đáng kể vào thực hiện hiệu quả chủ trương này. Sau 10 năm tổ chức thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ - CP của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoạt động tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Kỳ đã đạt được những kết quả quan trọng:
Trong 5 năm qua có 7.829 hộ thoát nghèo nhờ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện từ 32,67 % năm 2008 xuống còn 16,75% năm 2013 (giảm 15,92% hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới).
Hai là, về hoạt động cho vay: Trong 5 năm (2009-2013), Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Kỳ đã đạt tổng doanh số cho vay là 341 tỷ đồng, bình quân mỗi năm cho vay 68,2 tỷ đồng. Tổng số lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn là 28.308 lượt khách hàng. Bình quân mỗi hộ vay 12 triệu đồng. Tổng doanh số thu nợ trong 5 năm là 143 tỷ đồng; Tổng dư nợ đến ngày 31/12/2013 là 278.952 triệu đồng, tăng so với ngày đầu thành lập 264.774 triệu đồng, có 15.618 khách hàng đang còn dư nợ.
Trong hoạt động cho vay, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên, thể hiện năm 2003 nợ quá hạn là 288 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 1,63% trên tổng dư nợ; Năm 2013 nợ quá hạn 1.245 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,45% trên tổng dư nợ. Nếu loại trừ nợ quá hạn giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước chuyển qua 668 triệu đồng thì nợ quá hạn chỉ còn lại 577 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 0,2% - một tỷ lệ rất thấp).
Ba là, thực hiện các chương trình tín dụng trong việc góp phần vào thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm ổn định xã hội. Trong 10 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Kỳ thật sự là “bà đỡ” cho hộ nghèo và các hộ chính sách được vay vốn phát triển kinh tế, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm ổn định trên địa bàn huyện. Từ chỗ Ngân hàng chính sách xã hội mới cho vay 2 chương trình hộ nghèo và giải quyết việc làm thì tới đến năm 2013 Ngân hàng đã thực hiện cho vay 9 chương trình tín dụng, cụ thể:
- Đối với hộ nghèo trong 10 năm qua đã giải quyết cho lượt hộ nghèo được vay vốn với số tiền 180.711 triệu đồng và 12.340 hộ thoát nghèo nhờ vay vốn;
- Giải quyết cho hơn 1.000 lao động có công ăn việc làm thông qua chương trình cho vay giải quyết việc làm với số tiền 19.996 triệu đồng;
- Có hơn 7.000 học sinh sinh viên được vay vốn với số tiền 145.829 triệu đồng để chi phí cho học tập, tiếp tục theo học tại các giảng đường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp...;
- Thông qua chương trình xuất khẩu lao động đã giải quyết cho 253 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động nước ngoài với số tiền 5.954 triệu đồng. Số lao động này cơ bản có việc làm ổn định trả nợ đầy đủ khi đến hạn đồng thời tăng thu nhập cho gia đình thoát nghèo một cách nhanh chóng.
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Kỳ đã giải quyết cho 2.303 hộ được vay vốn Nước sạch và vệ sinh môi trường với số tiền 14.048 triệu đồng, xây dựng được 2.286 công trình nước sạch, 1.126 công trình vệ sinh, góp phần vào xây dựng nông thôn mới, tạo môi trường trong sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống nông thôn.
Để giải quyết vốn cho sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Chính sách xã hội Huyện đã cho 2.495 hộ được vay vốn chương trình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn với số tiền 45.381 triệu đồng.
Đối với các hộ dân tộc đặc biệt khó khăn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 306 hộ với số tiền 1.258 triệu đồng với lãi suất 0% từ chương trình hộ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn.
Thông qua chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải quyết cho 1.480 hộ với số tiền 11.096 triệu đồng được vay vốn, góp phần giúp đỡ các hộ xây dựng được nhà ở mới khang trang, kín đáo hơn. Giải quyết cho cho 20 hộ được vay vốn chương trình thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn với số tiền 845 triệu đồng.
Trong năm 2014 sẽ cho vay thêm một số chương trình trồng rừng, cho vay hộ cận nghèo, mỗi chương trình có đối tượng thụ hưởng riêng...
Về hiệu quả của vốn tín dụng cho vay hộ nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Kỳ đã thực hiện được phương châm cho vay “Công khai, dân chủ, đúng địa chỉ, an toàn và hiệu quả”. Số hộ nghèo hàng năm được vay vốn ngày càng tăng qua các năm: Năm 2008 là 1.627 hộ; Năm 2009 là 1.625 hộ; Năm 2010 là 1.447 hộ; Năm 2012 là 2.386 hộ và năm 2013 là 1.562 hộ. Nguồn vốn tín dụng đã giúp 61.550 lượt hộ nghèo có điều kiện để mua 10.185 con trâu, bò, 31.957 con dê, 72.068 con lợn… Đa số hộ nghèo đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, khả năng trả nợ tốt, nhiều hộ thoát nghèo. Trong 5 năm có 7.829 hộ thoát nghèo nhờ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn Huyện từ 32,67 % năm 2008 xuống còn 16,75% năm 2013 (giảm 15,92% hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới). Số lao động hộ nghèo được tạo việc làm hàng năm từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội là 6.218 lao động.
Với những kết quả đó, có thể khẳng định rằng hoạt động Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Kỳ đã đóng một vị trí vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, được các cấp ủy Đảng chính quyền địa phương ghi nhận. Ngân hàng Chính sách xã hội Huyện đã góp phần đưa lại cuộc sống ấm no cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, là cầu nối tín dụng chính sách giữa hộ nghèo với Nhà nước, giảm dần khoảng cách với hộ giàu, các hộ nghèo và hộ đối tượng chính sách ngày càng tin tưởng vào Đảng và Nhà nước.
Những tồn tại cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Kỳ vẫn còn một số hạn chế, chủ yếu trong việc cho vay giải quyết việc làm, đó là:
- Nguồn vốn ít nhưng lại giao cho quá nhiều cơ quan chủ quản (9 cơ quan) nên bị phân tán, xẻ nhỏ nên quy mô đầu tư nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao;
- Cơ chế cho vay còn phức tạp, phiền hà vì phải qua nhiều khâu, nhiều ngành, nhiều cấp trung gian xét duyệt nhưng trách nhiệm không rõ ràng nên thường rất chậm;
- Hiệu quả tạo việc làm chưa rõ ràng, nhất là các dự án thuộc nhóm hộ;
- Nợ quá hạn chậm được xử lý, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân kỳ đã làm hồ sơ đề nghị xử lý các khoản nợ khó thu nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước nhưng đến nay vẫn chờ cóthông báo của Trung ương.
Trong những năm tới và hướng đến năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Kỳ sẽ tiếp tục phát huy những ưu điểm và kết quả hoạt động trong 10 năm qua, tập trung khắc phục những hạn chế đã nêu, đồng thời thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:
Một là, hoàn thiện tổ chức mạng lưới hoạt động, chú trọng xây dựng và củng cố các điểm giao dịch tại xã và tổ tiết kiệm và vay vốn;
Hai là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bao gồm đào tạo cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội, đào tạo ban quản lý tổ vay vốn, đào tạo cán bộ hội nhận ủy thác;
Ba là, phát huy công tác thông tin tuyên truyền, công khai hóa - xã hội hóa hoạt động Ngân hàng Chính sách xã hội;
Bốn là, đẩy mạnh cho vay theo dự án, nâng suất đầu tư cho hộ nghèo lên mức đối đa;
Năm là, gắn công tác cho vay vốn với dịch vụ sau đầu tư;
Sáu là, tăng cường hệ thống kiểm tra, giám sát, bao gồm Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp từ tỉnh đến huyện, các ngân hàng chính sách xã hội cấp tỉnh, huyện và Ban chỉ đạo giảm nghèo xã, đặc biệt coi trọng người dân tham gia giám sát hoạt động ngân hàng.
Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy và chính quyền huyện Tân Kỳ cũng như sự tham gia tích cực của các đoàn thể, nhất là hội nông dân và sự hưởng ứng của nhân dân, các hộ nghèo và cận nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Kỳ sẽ tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tín dụng hộ nghèo, góp phần xóa đói giảm nghèo của Huyện nhanh và bền vững.
Nâng cao hiệu quả tín dụng hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Kỳ (Nghệ An)
(Tài chính) Trong hơn 10 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và các chi nhánh ở địa phương đã làm tốt việc cho vay hộ nghèo để góp phần xóa đói giảm nghèo, trong đó có Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Hoạt động của ngân hàng đã đóng một vị trí vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Xem thêm