Vài nét về doanh nghiệp sơn mài tỉnh Bình Dương
Trong những năm vừa qua, kinh tế tỉnh Bình Dương đã có những bước phát triển đáng khích lệ, trong đó phải kể đến những nỗ lực phát triển của các doanh nghiệp (DN), các DN nhỏ và vừa (DNNVV), các DNNVV ngành sơn mài. Các làng nghề sơn mài đã tồn tại ở Bình Dương hơn 300 năm. Sau nhiều thời kỳ lịch sử, ngành sơn mài đã ổn định và phát triển tốt tại đây. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy các cơ sở sản xuất làng nghề sơn mài Bình Dương đã và đang bộc lộ những tồn tại, nhược điểm tập trung vào 4 điểm chủ yếu sau:
Thứ nhất, số vốn tự có nhỏ bé nên 90% DN phải tự huy động, vay vốn các nguồn để sản xuất kinh doanh. Riêng vay ngân hàng chiếm khoảng 60%.
Thứ hai, nghề và chất lượng lao động trong ngành nghề đang rất thấp, phần lớn đào tạo ngắn hạn, ít nhân sự có tay nghề lâu năm trụ vững lại với nghề trong khi sự cạnh tranh đến từ các khu công nghiệp, năng suất lao động thấp, năng lực quản trị quản lý yếu.
Thứ ba, máy móc thiết bị ít và cũ, công nghệ lạc hậu, khả năng và điều kiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật rất hạn chế, lao động thủ công nhiều, làm gia công cho các cơ sở thương mại lớn và nước ngoài, số đông tiếp cận thông tin ít.
Thứ tư, trình độ hiểu biết luật lệ trong nước, luật quốc tế, nắm bắt và phát triển thị trường, thương trường, xây dựng thương hiệu mới ở giai đoạn đầu. Mặc dù Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc tỉnh Bình Dương đã được cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể sơn mài Bình Dương” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận số 167380 vào tháng 1/2012 nhưng các cơ sở thương mại vẫn chưa phát huy hết tiềm năng vốn có của làng nghề truyền thống.
Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh
Về nguồn nhân lực
Do thiếu kinh phí đào tạo, thiếu sự hỗ trợ của các nhà khoa học công nghệ, các nhà đầu tư… ngành sơn mài Việt Nam nói chung, ngành sơn mài tại Bình Dương nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực của ngành sơn mài đang mai một, phần lớn lực lượng lao động này lại chuyển sang làm các ngành khác do thu nhập cao. Do vậy, kiến nghị nên có chương trình đào tạo, khuyến khích nhân lực phục vụ ngành sản xuất sơn mài, giúp cho các DN bớt khó khăn.
Về phát triển thị trường tiêu thụ
Phần lớn các cơ sở sơn mài không nắm bắt rõ thông tin về thị trường nên chỉ chú trọng xuất khẩu trong khi nhu cầu trong nước rất cao nhưng chưa được khai thác mạnh. Thiết nghĩ về thị trường tranh sơn mài hiện nay, chúng ta nên cố gắng mở rộng tìm đầu ra cho ngành, không chỉ có xuất khẩu. Cần kết hợp gắn bó nhiều giữa lĩnh vực văn hóa và du lịch, giữa các nhà đầu tư, các phòng tranh và nghệ sĩ sáng tác, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Về yếu tố đầu vào
Do sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, yếu tố đầu vào rất quan trọng là chất liệu sơn ngày càng khan hiếm.
Nhằm tạo sự ổn định cho yếu tố đầu vào này, các DNNVV cần phối hợp với cơ quan chức trách của Tỉnh có kế hoạch hợp lý cho việc trồng cây sơn công nghiệp, cải tiến phương pháp khai thác và chế biến nhựa sơn, đầu tư thích đáng cho việc sản xuất đồ sơn, chú trọng đồ sơn gia dụng và đồ sơn mỹ nghệ xuất khẩu.
Ngoài ra, cần lưu ý là hiện nay Trung Quốc, Nhật Bản đang thu mua sơn của ta với số lượng rất lớn ở các vùng phía Bắc làm ảnh hưởng đến thị trường sơn mài của Tỉnh. Vì vậy, cần có kế hoạch để chủ động nguồn nguyên liệu này.
Về quảng bá hoạt động kinh doanh
Do hầu hết các DN, cơ sở sản xuất sơn mài điêu khắc đều nhỏ hoặc siêu nhỏ, việc quảng bá sản phẩm còn nhiều hạn chế do thiếu vốn và chưa có nhận thức cao trong việc giữ gìn thương hiệu cho chính DN cũng như uy tín cho ngành nghề. Dù các cơ quan Tỉnh đã triển khai thực hiện Dự án: “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Sơn mài Bình Dương cho sản phẩm sơn mài truyền thống tỉnh Bình Dương", nhưng việc xây dựng hình ảnh thương hiệu phải được từng DN ý thức sâu và đưa vào kế hoạch công tác hàng tháng của DN.
Các DNNVV có thể áp dụng phương pháp quảng bá theo kiểu kết hợp làng nghề truyền thống với du lịch. Phương pháp này đã đuợc nhiều địa phương thực hiện có hiệu quả, tạo sự gắn kết, hợp tác với các khu du lịch để tạo thành một tour chở khách du lịch đi tham quan các cơ sở sản xuất và nơi trưng bày sản phẩm nghề truyền thống sơn mài điêu khắc. Đây có thể được xem là một hướng để quảng bá, thu hút thêm nhiều khách hàng cho các cơ sở thành viên trong Hiệp hội.
Ngoài ra, cần có những chương trình xúc tiến thương mại cũng như khuyến công phù hợp để giúp đỡ các DN sơn mài điêu khắc vượt qua khó khăn như: tiếp tục hỗ trợ các DN tham gia các hội chợ có uy tín, tiềm năng, có nhiều khách hàng đến tìm hiểu, mua sắm và đặt hàng. Hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm của DN lên phương tiện Internet, thương mại điện tử.
Hỗ trợ tín dụng
Hiện nay, hầu hết các ngành nghề đều gặp nhiều khó khăn về vốn sản xuất, vì vậy, các DNNVV ngành sơn mài cần nâng cao kỹ năng tìm nguồn vốn. Phía Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng. Song song với đó là các chính sách ưu đãi về giá thuê đất, thuế... để tạo điều kiện cho các ngành nghề truyền thống có thể tồn tại và phát triển trong tình hình mới.
Về lãi suất: Hỗ trợ thông tin cho DNNVV tìm kiếm nguồn tài trợ, có lãi suất thấp.
Tích cực thúc đẩy các hệ thống bảo lãnh tài chính và tín dụng giảm khó khăn về tài chính, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi đến các DN. Việc cho vay ưu đãi dài hạn giúp cho các DN có điều kiện cải tiến và mở rộng xưởng sản xuất, đầu tư cho mẫu mã mới lạ, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước.
Đào tạo kiến thức về kinh doanh và quản lý cho các DNNVV
Trong phần khảo sát đánh giá khả năng điều chỉnh cơ cấu tổ chức và xây dựng hệ thống tưởng thưởng cho nhân viên cho phù hợp với cơ chế thị trường, các DNVVN ngành sơn mài cũng như các ngành được khảo sát còn ở mức yếu và trung bình. Điều này là do các chủ DN chưa được đào tạo bài bản về kiến thức và kỹ năng quản trị kinh doanh. Vì vậy, cần có các khóa huấn luyện về kỹ năng bán hàng, kinh doanh hiệu quả, tổ chức xây dựng nơi để trưng bày sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các chủ DN có nhu cầu.
Một hướng khác góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng của chủ DN sơn mài là thường xuyên tham gia sinh hoạt trong Hiệp hội để trao đổi kinh nghiệm sản xuất hiệu quả như: Quản lý sản xuất chặt chẽ không lãng phí vật tư, tiết kiệm điện, giảm các chi phí không cần thiết, tăng cường giới thiệu sản phẩm của các DN trên website của Hiệp hội. Song song đó tăng cường mở rộng thị trường và thúc đẩy thương mại giữa các DNNVV như tham gia triển lãm, hội chợ thương mại ở nước ngoài.
Đẩy mạnh việc xây dựng mạng lưới thông tin và cung cấp tất cả các loại dịch vụ thông tin
Xây dựng các website chi nhánh tại các địa phương khác nhau nhằm cung cấp dịch vụ thông tin đa dạng cho DN.
Hình thành và phát triển các cụm công nghệ cao
Đây là chiến lược quan trọng để thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới cho các DNNVV, tạo điều kiện thuận lợi cho các này họat động với 1 số chính sách ưu đãi trong khu công nghệ cao.
Tài liệu tham khảo:
1. Đối thoại trực tiếp với nhóm nghiên cứu với ông Thái Kim Điền, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề sơn mài tỉnh Bình Dương (5/2013);
2. Đối thoại trực tiếp với nhóm nghiên cứu với DN tư nhân sơn mài Hùng Hương, (26/09/2012);
3. Số liệu tổng hợp từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương.
Nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành sơn mài
(Tài chính) Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là nguồn đáng kể tạo việc làm, sự cạnh tranh và tăng trưởng cho nền kinh tế. Đặc biệt, với tỉnh Bình Dương, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh không thể thiếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Xem thêm