Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thu gom, thu hồi tái chế, tái sử dụng chất thải

PV

Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định rõ, nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tái chế sản phẩm bao bì đối với 6 nhóm sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải đối với 6 nhóm sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải.

Các doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc thu gom, thu hồi tái chế, tái sử dụng chất thải.
Các doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc thu gom, thu hồi tái chế, tái sử dụng chất thải.

Theo ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tái chế là xu hướng tất yếu, trên thế giới tái chế là tiêu chí bắt buộc, đây là cơ hội cho ngành Tái chế của Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng cơ chế pháp luật về tái chế với nhiều quy định, cơ chế ưu đãi để thúc đẩy tái chế.

Ông Phan Tuấn Hùng cho biết, với mục tiêu hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra quy định với hai trách nhiệm là trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải và trách nhiệm tái chế bao bì, sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu. Trong đó, trách nhiệm tái chế quy định, các nhà sản xuất, nhập khẩu pin, ắc quy, dầu nhớt, săm lốp và bao bì (thương phẩm) sẽ phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu sau khi người tiêu dùng thải bỏ. Nội dung này đã được triển khai thực hiện từ ngày 1/1/2022.

Tuy nhiên, thị trường tái chế ở Việt Nam nhìn chung còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ tái chế chất thải mới chỉ đạt khoảng 10%. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có công nghệ tái chế phù hợp, chưa có các cụm công nghiệp, khu công nghiệp tái chế đúng nghĩa; công tác phân loại nguồn cũng chưa đồng bộ… Nếu khắc phục được các nguyên nhân này thì tiềm năng tái chế chất thải ở Việt Nam là rất lớn, mang lại nguồn tài nguyên quý giá.

Ông Phan Tuấn Hùng chỉ rõ, thời gian tới, thực hiện tốt quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường. Theo đó, trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. Chính sách EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải. Quy định này buộc các doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc thu gom, thu hồi tái chế, tái sử dụng chất thải.

EPR là một công cụ kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc thị trường và là một cách tiếp cận chính sách mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính để xử lý vấn đề chất thải, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, đem lại cơ hội kinh tế, việc làm cho xã hội và giúp Chính phủ các nước đạt được các mục tiêu phát triển biền vững.

Đây là chính sách rõ ràng và cụ thể nhất giúp giải quyết các vấn đề rác thải nhựa hiện nay và EPR cũng khởi đầu nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, đặt nền móng ban đầu cho hình thành và phát triển ngành công nghiệp tái chế hiện đại, thân thiện với môi trường. Việc thay đổi cách tiếp cận này là phù hợp với thông lệ quốc tế và EPR được coi là một trong những công cụ chính sách thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Hiện nay, việc thực hiện quy định EPR sẽ là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, ngành công nghiệp tái chế và giúp các quốc gia trong đó có Việt Nam sớm đạt được các mục tiêu về môi trường và phát triển bền vững trong tương lai.