Nâng cao vai trò Hải quan trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa
(Tài chính) Cho ý kiến về dự án Luật Hải quan (sửa đổi) một số ý kiến cho rằng, phải tiếp cận vấn đề hải quan cũng như dự án này theo hướng nâng cao hơn nữa khuôn khổ pháp luật cũng như vai trò của hải quan trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của nền kinh tế, cũng như hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của các biện pháp chống buôn lậu…
Thứ nhất là việc tiếp cận khi xây dựng luật này, tôi nghĩ có lẽ từ trước tới nay chúng ta tiếp cận hải quan nói chung hay Luật Hải quan nói riêng thường tiếp cận ở khía cạnh tổ chức bộ máy hành chính là chủ yếu. Cũng có lẽ vì cách tiếp cận này mà chúng ta đã giao dự án luật cho Ủy ban Pháp luật. Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi chúng ta đang thực hiện cơ chế thị trường có sự định hướng của nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thì phải tiếp cận vấn đề hải quan cũng như dự án Luật Hải quan theo hướng làm thế nào để nâng cao hơn nữa khuôn khổ pháp luật, nâng cao hơn nữa vai trò của hải quan trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của nền kinh tế, cũng như hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của các biện pháp chống buôn lậu, những biện pháp này ảnh hưởng tới quyền con người, quyền cơ bản của công dân.
Tôi nhất trí với 4 nhóm vấn đề của dự án đã nêu tại Tờ trình cũng như Báo cáo thẩm tra. Tôi đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung và làm rõ thêm 3 vấn đề sau.
Vấn đề thứ nhất, dự án luật này phải có những quy định làm sao nhằm giảm thiểu tối đa chi phí về hải quan cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, tức là sửa luật theo hướng tiến bộ, giảm thiểu tối đa chi phí, liên quan tới chi phí về hải quan mà liên quan tới xuất nhập khẩu hàng hóa.
Vấn đề thứ hai, các quy định rất rõ ràng, cụ thể, chi tiết, nhưng phải minh bạch hóa thủ tục hải quan tối đa. Một mặt bảo đảm công tác quản lý nhà nước và một mặt khác rất quan trọng đó là xây dựng hình ảnh của hải quan thân thiện với doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa. Cái này rất quan trọng, nó có hai mặt, một mặt minh bạch để tăng cường việc quản lý nhà nước, kiểm tra, kiểm soát, nhưng nó sẽ cải thiện hình ảnh của hải quan trong ánh mắt của doanh nghiệp trong nước, ngoài nước trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
Vấn đề thứ ba, rất quan trọng, đó là các quy định liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân, đặc biệt là những biện pháp quy định trong dự án luật này là chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới phải phù hợp với Hiến pháp hiện hành cũng như trong quá trình dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Những gì liên quan tới quyền con người, quyền cơ bản của công dân thì phải nghiên cứu.
Một vấn đề nữa là sự tương thích của luật này với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiện nay Việt Nam và 11 quốc gia đã tiến hành tới vòng đàm phán thứ 18. Đây là Hiệp định rất mới của một nhóm nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sẽ có nhiều quy định về xuất, nhập khẩu liên quan tới hải quan. Vì thế trong việc nghiên cứu dự thảo luật này phải tính, phải bám sát quá trình đàm phán và trong đàm phán những quy định này dự kiến sẽ có liên quan tới hải quan trong Hiệp định này để khi hoàn tất đàm phán thì không phải tiến hành sửa luật.
Về tổ chức bộ máy hải quan, tôi thống nhất như dự thảo là không tổ chức theo địa giới, đơn vị hành chính. Tuy nhiên, khi đưa quy định này ra thì phải rà soát lại các quy định có liên quan trong Điều 14 dự thảo luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi: Chưa tiếp cận vấn đề quản lý rủi ro một cách toàn diện, đầy đủ
Một trong những nội dung đề cập trong Báo cáo thẩm tra là về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ của hải quan. Thực ra phương pháp quản lý rủi ro đã được đề cập trong Luật Quản lý thuế, nhưng tôi có cảm giác chúng ta đề cập vấn đề này không được toàn diện, đầy đủ, nếu nó thiên lệch về một số giải pháp có thể sẽ để sơ hở trong hoạt động kiểm tra. Trong lần này có giải thích từ ngữ thế nào là quản lý rủi ro, thế nào là rủi ro. Điều 17 quy định những nguyên tắc về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan nhưng tất cả những nội dung này nghiêng về việc tập trung các điều kiện, phương tiện, nhân lực cho việc quản lý các lĩnh vực và các nội dung có khả năng rủi ro cao, có nguy cơ vi phạm nhiều, nhưng nếu chỉ tập trung vào vấn đề đó và bỏ ngỏ phần còn lại thì như vậy vô hình trung tạo ra một hành lang an toàn cho những vi phạm có thể không nằm trong những lĩnh vực có nguy cơ cao, không nằm trong những đối tượng có nguy cơ và như thế là rất nguy hiểm. Tức là khi ta tập trung quản lý vào những khu vực có mức độ rủi ro cao thì đồng thời cũng phải thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên đối với phần còn lại. Kiểm tra ngẫu nhiên này không có ý nghĩa là để phát hiện thêm những trường hợp vi phạm mà là để cảnh báo, chặn hành lang an toàn đối với những vi phạm nằm trong lĩnh vực kia.
Khi góp ý cho Luật Quản lý thuế, chúng tôi đã nói nhưng hình như ta vẫn nghiêng về chuyện tập trung những vụ việc có quy mô lớn, những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, nhưng bỏ qua phần còn lại mà phần còn lại mới lớn, tức là vi phạm nhỏ nhưng lại phổ biến thì sẽ rất nguy hiểm tạo ra tiêu cực. Kiểm tra ngẫu nhiên là nhằm không để có một chỗ nào an toàn tuyệt đối. Bởi vậy nguyên tắc kiểm tra ngẫu nhiên phải là nguyên tắc lựa chọn ngẫu nhiên, chứ không được chọn vào những đối tượng cho là có khả năng cao. Tôi nghĩ rằng, nguyên tắc quản lý rủi ro nếu trở thành một phương pháp hiện đại thì chắc chắn nó phải lưu ý đến vấn đề này.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng: Cần bổ sung vai trò, vị trí của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với lĩnh vực hải quan
Việc sửa đổi Luật Hải quan lần này nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động của lĩnh vực hải quan trên cơ sở đơn giản, thuận tiện và hội nhập, bằng cách sử dụng công nghệ hiện đại, chủ yếu ở đây là công nghệ thông tin. Với mục tiêu như vậy nhưng khi tôi đọc và nghiên cứu hồ sơ ở đây thì muốn làm được điều đó phải xem thử lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong lĩnh vực hải quan đang ở tầm nào thì lúc đó mới có cơ sở đề xuất mới. Tất nhiên tôi đánh giá rất cao lĩnh vực hải quan, ngân hàng thời gian vừa qua làm rất tốt. Nhưng trong thời gian sắp tới mình muốn như thế nào, trong hồ sơ này tôi chưa thấy đánh giá mình đang ở mức như thế nào trong khu vực và thế giới.
Luật nêu mục đích là ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin nhưng trong cả luật mới chỉ dừng lại ở Điều 9. Những nội dung khác mong muốn lồng cả nội dung công nghệ thông tin là công nghệ hiện đại thì tôi chưa thấy xuất hiện. Theo đó công tác quản lý nhà nước, vai trò, vị trí những cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bắt buộc có trách nhiệm đối với hiện đại hóa lĩnh vực hải quan tôi cũng không thấy, trong đó đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông tôi cũng chưa thấy xuất hiện vai trò, vị trí trong đó. Do đó tôi đề nghị với mục tiêu là hiện đại hóa lĩnh vực hải quan bằng ứng dụng khoa học công nghệ thì cần bổ sung thêm vai trò, vị trí của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với lĩnh vực hải quan của mình, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông. Tất cả các chương, các điều trong này cũng phải lồng ghép nội dung ấy vào thì mới đạt đến trình độ hiện đại hóa của lĩnh vực này trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Định hướng và phân cấp rộng rãi hơn nữa trong kiểm tra sau thông quan
Đây là dự án luật rất quan trọng trong điều kiện chúng ta đang hội nhập kinh tế quốc tế và phục vụ phát triển kinh tế thị trường trong điều kiện hiện nay. Mục đích của việc ban hành dự án luật này là nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hải quan, để bảo đảm tiếp tục cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, đặc biệt là hệ thống thủ tục hải quan điện tử đáp ứng yêu cầu và tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại, đầu tư, dịch vụ, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đồng thời Luật Hải quan (sửa đổi) lần này đã tập trung vào tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong việc thi hành Luật Hải quan hiện nay, đã bám rất sát vào tổng kết thực thi Luật Hải quan hiện hành trong những năm qua để có định hướng tháo gỡ vướng mắc và phù hợp với điều kiện trong nước cũng như yêu cầu của quốc tế trong tình hình hiện nay.
Trên tinh thần đó, luật sửa đổi lần này đã tập trung vào một số nội dung quan trọng như cải cách thủ tục hải quan theo hướng nội luật hóa các cam kết quốc tế, đây là vấn đề rất cấp bách, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu, hiện đại hóa hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin, thông quan điện tử, nâng cao năng lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại. Bên cạnh đó cũng có những quy định tương đối phù hợp với những quy định, định hướng của Công ước Kyoto cũng như một số cam kết quốc tế trong khuôn khổ của WTO một số cam kết khác mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.
Về hồ sơ hải quan quy định tại Điều 24, tôi cơ bản thống nhất với dự thảo luật sẽ đi theo hướng giảm bớt giấy tờ và không phải nộp một số giấy tờ mà hải quan cho rằng không cần thiết. Còn phải nộp cụ thể những giấy tờ gì, tất nhiên với tinh thần phải giảm bớt và gọn hơn thì nên giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể những trường hợp này. Nếu quy định chi tiết quá trong luật thì có thể phù hợp với mặt hàng này, lĩnh vực này nhưng lại không phù hợp với mặt hàng khác, lĩnh vực khác ở những thời điểm khác.
Về kiểm tra sau thông quan, trên cơ sở tổng kết luật cũ và thực tế những hàng hóa cần phải kiểm tra sau thông quan tôi nhất trí với định hướng quy định tại Điều 78, Điều 79 của dự thảo, bởi vì kiểm tra sau thông quan có hai nhiệm vụ chính: một là tập trung vào những đối tượng mà hàng hóa khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật mặc dù hàng hóa được thông quan rồi. Hai là kiểm tra, có thể “anh” không vi phạm nhưng “anh” tuân thủ Luật Hải quan như thế nào. Do tăng cường kiểm tra hàng hóa sau thông quan rất quan trọng mà khối lượng công việc tăng lên gấp nhiều lần như so với trước kia nên việc định hướng và phân cấp rộng rãi hơn nữa để cho những người có thẩm quyền quyết định vấn đề kiểm tra sau thông quan là cần thiết.