Nâng chất lượng giám sát tài chính và dự báo kinh tế
(Tài chính) Trong năm bản lề 2015, bên cạnh phát huy thế mạnh vốn có, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) đang nỗ lực vừa hoàn thiện bộ máy, bổ sung chức năng nhiệm vụ, vừa tăng cường khả năng phối hợp với các Bộ, ngành để phát huy vai trò của mình.
Theo báo cáo của NFSC (tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015 ngày 14/1), đơn vị đã thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ trong giám sát chung thị trường tài chính; xây dựng các báo cáo định kỳ 6 tháng đầu năm và 1 năm về giám sát chung thị trường tài chính quốc gia; báo cáo giám sát hợp nhất hoạt động của các tập đoàn tài chính và một số báo cáo chuyên đề.
NFSC cũng đã ban hành hàng loạt các chỉ tiêu giám sát kinh tế vĩ mô, bảo hiểm và đang ban hành chỉ tiêu giám sát chứng khoán…
Về công tác dự báo, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch NFSC cho biết, cơ quan này đã có những phân tích thu thập thông tin kinh tế vĩ mô và tình hình tài chính kịp thời.
Cụ thể, năm 2014 NFSC đã có nhiều báo cáo trong đó đưa ra nhận định kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi kể từ quý III/2013, dự báo đúng về tốc độ tăng trưởng 5,8% trong bối cảnh các dự báo lạm phát thấp và diễn biến thị trường tài chính trong năm 2014...
Cơ quan này cũng đã triển khai phân tích rất tình hình tài chính của hơn 600 DN niêm yết và gần 1.500 DN là công ty đại chúng, từ đó, đưa ra những nhận định đúng đắn về tiêu dùng, tiết kiệm đầu tư, sự phục hồi thị trường BĐS với những tác động đến kinh tế vĩ mô. Việc phân tích và dự báo kinh tế đúng đắn có đóng góp hiệu quả cho công tác hoạch định chính sách.
Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015, TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch NFSC khẳng định cơ quan này sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao hiệu quả giám sát thị trường tài chính.
Theo đó, NFSC sẽ tăng cường phân tích sâu hơn thị trường chứng khoán, bảo hiểm, đánh giá rủi ro tiềm ẩn đan xen thị trường tài chính. Sẽ có đánh giá tổng quan thị trường tài chính 2015, cảnh báo rủi ro tiềm ẩn thị trường này tác động đến nền kinh tế thực. Từ đó, tham mưu tốt hơn trong tái cơ cấu thị trường tài chính, mà trọng tâm là tái cơ cấu tổ chức tín dụng, tái cơ cấu thị trường chứng khoán và tái cơ cấu thị trường bảo hiểm.