Nâng hàm lượng giá trị để xuất khẩu bền vững
Mặc dù kết quả xuất khẩu năm 2016 khả quan khi đạt gần 177 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015 song giá trị gia tăng của nhiều nhóm ngành hàng vẫn còn thấp. Theo các chuyên gia và đại biểu tham dự Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017, do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương tổ chức sáng 20/4, đã đến lúc không thể cứ chạy theo sản lượng mà cần nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho xuất khẩu, góp phần phát triển xuất khẩu ổn định và bền vững.
Tăng sản lượng không còn phù hợp
Theo Bộ Công thương, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 176,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm trước. Cả nước có 24 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt 22,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm trước.
Mặc dù vậy, giá trị gia tăng nhiều nhóm ngành hàng, trong đó có nông, thủy sản vẫn còn thấp khi phần lớn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, tỷ lệ sản phẩm chưa bảo đảm chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm chưa cao. Một số ngành hàng có thế mạnh nhưng nguyên liệu bắt đầu khan hiếm như điều (hiện 50% điều thô phải nhập khẩu), hay ngành điện tử gia dụng có giá trị gia tăng khoảng 30 - 35% nhu cầu linh kiện; ngành điện tử tin học, viễn thông có giá trị gia tăng chỉ đạt khoảng 15%...
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt thông qua các hiệp định thương mại tự do, việc tăng sản lượng nhập khẩu không còn là phương thức bền vững để phát triển xuất khẩu do tiêu tốn tài nguyên, năng lượng. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất cũng chỉ phát triển đến một ngưỡng nhất định. Ngoài ra, vì chất lượng sản phẩm thấp và không có thương hiệu nên phần lớn hàng hóa xuất khẩu buộc phải duy trì thấp hơn các đối thủ cạnh tranh.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải, mặc dù chúng ta đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, song hiện mới chỉ giữ vai trò là mắt xích phụ thuộc chứ chưa đạt đến vai trò mắt xích then chốt. Do vậy, trong thời gian tới cần hướng đến làm mắt xích chốt trong chuỗi giá trị sẽ góp phần gia tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần phải nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu, bảo đảm hướng đến phát triển ổn định và bền vững. Song, để làm được điều này, đòi hỏi cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp phải cùng chung tay.
Cụ thể, trước hết, cần sản xuất nông nghiệp theo chuỗi thông qua các hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Đồng thời, phát triển các loại giống có năng suất cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Thứ hai, cần ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất linh kiện, dệt may, da giày… nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa. Thứ ba là phải đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào chuỗi sản phẩm nông nghiệp bao gồm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc hiện đại cho tất cả các khâu từ giống đến canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ.
Trong chuỗi sản phẩm nông nghiệp, hiện các doanh nghiệp mới chỉ tập trung ở khâu chế biến, phân phối. Do vậy, cần có chính sách phát triển mạnh số lượng các doanh nghiệp tham gia vào khâu sản xuất nông sản. Ngoài ra, cần nâng cao chuỗi cung ứng nhằm mục tiêu giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần nâng cao thương hiệu thông qua việc cải tiến bao bì, nhãn mác; chủ động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho rằng, đa số các doanh nghiệp đang hoạt động có quy mô nhỏ nên xây dựng thương hiệu gặp rất nhiều khó khăn.
Do vậy, cần hướng đến xây dựng thương hiệu tập thể thay vì riêng rẽ sẽ kéo các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng đó phát triển. Kinh nghiệm từ việc xây dựng thành công các thương hiệu tập thể như nước mắm Phú Quốc, chè Mộc Châu… đã cho thấy điều đó.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Nguyễn Văn Nam cho rằng, chúng ta vẫn duy trì hệ thống thương mại nhỏ lẻ. Song “đã đến lúc không thể bằng lòng với điều này vì gây thiệt hại cho cả người nông dân và người tiêu dùng. Do vậy, phải cải cách mạnh hệ thống thương mại, hình thành tập đoàn thương mại lớn, có chính sách để hỗ trợ khối doanh nghiệp này phát triển”.
Còn nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng, để gia tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu, trước hết, cần tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh. “Lâu nay, chúng ta có quá nhiều chiến lược phát triển ngành dựa vào “người thắng cuộc”, cứ ngành nào được dự báo phát triển “vĩ đại” sẽ được lựa chọn, dành nhiều ưu đãi đầu tư như ngành mía đường, ô tô… Bây giờ đã đến lúc phải chấp nhận cơ chế thị trường, coi cạnh tranh là động lực nên phải có chính sách thông thoáng, tức là không còn lựa chọn “người thắng cuộc” nữa mà phải hỗ trợ những người chiến thắng”, ông Võ Trí Thành nói.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, thời gian tới, công tác xúc tiến thương mại, trong đó có xúc tiến xuất khẩu cần được đẩy mạnh hơn nữa, qua đó giúp doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường. Xúc tiến thương mại trong giai đoạn tới cần tập trung hoạt động chuyên sâu cho từng mặt hàng, đặc biệt đối với ngành nông sản vốn rất đa dạng về chủng loại, thị trường thay đổi nhanh, nhiều mặt hàng mới xuất hiện do chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Các tổ chức xúc tiến xuất khẩu nên lựa chọn mỗi giai đoạn tập trung xúc tiến một số mặt hàng đang có tiềm năng, đang phát triển mạnh, thực hiện đồng bộ giữa chương trình, kế hoạch sản xuất với phát triển thị trường.