Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam thành thị trường mới nổi trước năm 2025
Trong Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, Chính phủ đặt ra mục tiêu trước năm 2025, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên danh sách các thị trường mới nổi.
Năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam được vào danh sách xem xét nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên (Frontier Market) lên thị trường mới nổi (Emerging Market) của tổ chức FTSE.
Theo quy định của FTSE Russell, một thị trường cần ở trong diện theo dõi ít nhất là một năm trước khi đơn vị này xem xét thông báo nâng hạng và sau đó là một năm nữa trước khi được chính thức nâng hạng.
Theo kịch bản khả quan nhất, tháng 3/2020 FTSE sẽ công bố Việt Nam được nâng hạng lên thị trường thứ cấp mới nổi và đến tháng 9/2020 Việt Nam sẽ chính thức được vào rổ chỉ số các thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE.
Với MSCI, trong kịch bản khả quan, Việt Nam sẽ được đưa vào diện theo dõi nâng hạng của MSCI trong kỳ đánh giá tháng 6/2020 và chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi sớm nhất vào tháng 6/2021.
Ngày 12/2/2019, tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu xuân tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các Bộ ngành, thành viên thị trường tiếp tục phối hợp hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Trong những nhiệm vụ đề ra năm 2019, ngành Tài chính cũng cho biết sẽ đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi.
Theo các chuyên gia chứng khoán, nếu được FTSE Russell nâng hạng, vị thế của thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính Việt Nam sẽ được gia tăng đối với công chúng nhà đầu tư. Đồng thời sẽ tác động tích cực lên khả năng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như cải thiện thanh khoản của thị trường, chất lượng của doanh nghiệp niêm yết.
Trong con mắt của các nhà đầu tư ngoại, Việt Nam có sức hấp dẫn riêng do duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, trong khi đang sở hữu cơ cấu dân số "vàng" với sức mua còn nhiều dư địa tăng trưởng. Với tầm nhìn đầu tư dài hạn khi nhiều quỹ đặt kỳ vọng năm 2021 là bước ngoặt cho thị trường chứng khoán Việt Nam, giai đoạn 2019-2020 được nhìn nhận sẽ là quãng thời gian để tích lũy cổ phiếu tốt.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nối, thị trường có thể thu hút thêm trên 1,2 tỷ USD từ các quỹ hiện đang đầu tư theo hai chỉ số FTSE và MSCI.
Trong khi đó, theo CTCP Chứng khoán MB, tỷ trọng Việt Nam trong rổ MSCI Emerging Markets còn phụ thuộc vào giá trị vốn hóa và thanh khoản tại thời điểm xem xét nâng hạng. Tuy nhiên, theo ước tính sơ bộ của công ty chứng khoán này tại 28/12/2018, nếu được nâng hạng tỷ trọng của Việt Nam trong rổ MSCI Emerging Markets đạt khoảng 0,3%, thu hút dòng vốn khoảng 4,5 tỷ USD vào thị trường.
Để hiện thực hóa mục tiêu trước năm 2025, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam thành thị trường mới nổi, tại Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” theo Quyết định số 242/QĐ-TTg, Chính phủ đưa ra hàng loạt giải pháp triển khai trong thời gian tới nhằm mục tiêu nâng hạng thị trường trước năm 2025.
Theo đó, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc xây dựng và thường xuyên cập nhật thông tin trang thông tin bằng tiếng Anh của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở Giao dịch chứng khoán. Khuyến khích các công ty đại chúng thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Đồng thời, tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính về thủ tục cấp mã số giao dịch, thủ tục đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ mở. Hướng dẫn thực hiện bỏ phiếu điện tử và họp trực tuyến. Nghiên cứu sửa các quy định về mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp theo hướng tiếp tục tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và các quỹ đầu tư nước ngoài trong việc được mở và sử dụng tài khoản thanh toán.
Bên cạnh đó, tổ chức đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý với các tổ chức xếp hạng thị trường để có các giải pháp, chính sách phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Tăng cường công tác tuyên truyền ra nước ngoài về tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam…