Nâng hiệu quả tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo và thu nhập thấp, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho hàng triệu hộ gia đình. Tuy nhiên, vẫn có những vướng mắc cần tháo gỡ để nâng cao hiệu quả các tổ chức này.

 Nâng hiệu quả tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam
Tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo và thu nhập thấp. Nguồn: internet

Đây là nội dung được đưa ra trong buổi tọa đàm “Minh bạch thông tin và khuôn khổ pháp lý phát triển tài chính vi mô tại Việt Nam” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp tổ chức ngày 11/12.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN cho rằng, ngành tài chính vi mô (TCVM) ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trên con đường chính thức hóa và chuyên nghiệp hóa. Các nhà cung cấp TCVM bước đầu đã tạo những tác động kinh tế-xã hội lớn lao tới các hộ gia đình nghèo, có thu nhập thấp và các DN siêu nhỏ...

Báo cáo về kết quả từ đầu năm, ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng (NHNN) cho biết: TCVM đã cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo và thu nhập thấp, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho hàng triệu hộ gia đình. Trên 90% khách hàng là hộ nghèo đã gia tăng thu nhập và có vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh đáng kể từ khi sử dụng dịch vụ TCVM. Tính đến ngày 30/9, theo kết quả giám sát và báo cáo của các tổ chức TCVM, tổng vốn chủ sở hữu là 238,9 tỷ đồng, tổng tiền gửi là 439,2 tỷ đồng, tổng nợ xấu là 75,2 triệu đồng, lợi nhuận là 32 tỷ đồng, tỷ lệ sinh lời trên một đồng vốn là 9,5%… Đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu 0,01% thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung.

Theo NHNN, các quy định pháp luật về thành lập, quản lý, giám sát tổ chức và chương trình dự án TCVM tương đối đầy đủ nhưng chưa thật sự đồng bộ. Chưa có một tổ chức đầu mối quản lý thống nhất, chưa nhận thức đầy đủ vai trò của TCVM để có cơ chế hỗ trợ kịp thời, đầy đủ.

Hoạt động chủ yếu của TCVM hiện nay là cho vay; một số dịch vụ của TCVM như: Lương hưu, chuyển tiền, bảo hiểm… chưa phát triển, còn sơ khai và chưa theo đúng thông lệ. Bên cạnh đó, hoạt động của TCVM chưa thực sự bền vững, chưa áp dụng đầy đủ các chỉ số bền vững tài chính và bền vững hoạt động. Các quy định về mạng lưới, kho quỹ chưa phù hợp với bản chất và đặc thù của TCVM.

Dưới góc độ quốc tế, chuyên gia về tài chính vi mô Mohini Bhatia của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho rằng: Tại Việt Nam, các tổ chức TCVM không vay được vốn ở trong hay ngoài nước làm giảm đáng kể khả năng của các tổ chức TCVM. Phần lớn các tổ chức TCVM gặp khó khăn về nguồn vốn do cơ cấu sở hữu hạn chế.

Cần thêm quy định sát thực tế

Ông Phạm Huyền Anh khuyến nghị: Cần hoàn thiện các cơ chế đồng bộ phù hợp với tính chất đặc thù các TCVM, nâng cao năng lực tài chính, quản trị hoạt động của các tổ chức TCVM, chương trình dự án TCVM. Cần ban hành bổ sung, hoàn thiện quy định về cấp phép, tổ chức hoạt động, các quy định về an toàn, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Cần có liên kết hoạt động TCVM với hoạt động của TCTD khác.

Cùng quan điểm về việc tạo điều kiện hơn cho tổ chức TCVM, ông Nguyễn Mạnh Cường, chuyên gia về TCVM phân tích: Hoạt động của các tổ chức TCVM ở khu vực vùng sâu, vùng xa cần huy động những khoản tiền lớn chia nhỏ cho vay các khoản tiền nhỏ (ngược với ngân hàng). Các khách hàng có điều kiện khó khăn, không có tài sản đảm bảo nên tốn kém chi phí. Do đó, cần hoàn thiện quy định về lãi suất cho TCVM theo hướng thỏa thuận trên cơ sở bù đắp đủ chi phí (nhưng không gây thiệt thòi cho người nghèo). Để hạ lãi suất cho vay thì bên cạnh nỗ lực của các tổ chức TCVM tiết giảm chi phí cần có các cơ chế hỗ trợ nhiều hơn của các cơ quan quản lý, giảm chi phí dự phòng mất vốn… Cần có đầu mối cung cấp thông tin cụ thể như hiệp hội TCVM, đồng thời có các chính sách thuế ưu đãi nhiều hơn.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Hàm Vụ phó Vụ Kinh tế tổng hợp (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, hiện nay các yêu cầu về mạng lưới tổ chức TCVM như: Điều kiện kho két, cơ sở vật chất, điều kiện với chi nhánh được cấp phép… quá cao chưa phù hợp với tổ chức TCVM. Bên cạnh đó, các quy định về việc phải duy trì thường xuyên tỷ lệ về khả năng chi trả tối thiểu bằng 20% là quá cao, cần phải hạ mức này.

Sau buổi tọa đàm đã diễn ra Lễ Công nhận cá nhân và tổ chức tài chính vi mô tiêu biểu Citi-Việt Nam 2014 (chương trình CMA 2014) trong đó công nhận 29 trong tổng số 360 cá nhân và tổ chức tài chính vi mô tiêu biểu đã có những thành tích xuất sắc trong công cuộc giảm nghèo và phát triển kinh tế đất nước.