Nên khống chế chi phí quảng cáo theo tổng doanh thu của doanh nghiệp

Theo Đại biểu Nhân dân

Thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, nên quy định tỷ lệ khống chế về quảng cáo, tiếp thị dựa trên tổng chi phí được trừ dựa trên doanh thu của doanh nghiệp.

Nên khống chế chi phí quảng cáo theo tổng doanh thu của doanh nghiệp
Ảnh minh họa. Nguồn: brochure.vn

Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp mới nhất, thuế suất phổ thông đã tiếp tục giảm xuống mức 22%, thay vì mức 23% như đề xuất ban đầu... Nếu như so sánh với thuế thu nhập doanh nghiệp tại các quốc gia lân cận thì có thể thấy, việc giảm thuế suất phổ thông xuống mức 22% đã tăng khả năng cạnh tranh của nước ta trong thu hút đầu tư. Bởi đa số các quốc gia lân cận đều duy trì mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ 23 đến 25%. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, mức thuế suất này chưa giúp doanh nghiệp tăng thu nhập thực chất cho mình, vì có nhiều quy định khác khiến các chi phí hợp lý không được khấu trừ.

Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh Trần Việt Anh giải thích, một số chi phí thực sự của doanh nghiệp như tiếp khách, chi phí giao lưu, làm từ thiện xã hội... không được tính vào chi phí được khấu trừ khi tính thuế. Chi phí thực tế của doanh nghiệp không được trừ khiến lợi nhuận sổ sách tăng lên, và như thế thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp sẽ tăng. Do đó, việc điều chỉnh thuế suất phổ thông chưa chắc sẽ tác động mạnh đến doanh nghiệp bằng điều chỉnh các loại thu nhập phải chịu thuế.

Vấn đề nhiều chi phí hợp pháp không được trừ nên mức thuế doanh nghiệp phải nộp có thể lên tới từ 40 đến 50% lợi nhuận thực tế không mới. Doanh nghiệp trong và ngoài nước đã phản ánh nhiều lần về việc các chi phí hợp pháp như quảng cáo, khuyến mại, trả lãi vay vốn... không được trừ hoặc có mức giảm trừ giới hạn khiến thuế thực nộp cao hơn so với quy định.

Tại Phiên họp thường niên năm 2011 của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), vấn đề mức chi phí quảng cáo, khuyến mại không được khấu trừ toàn bộ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đã được đưa vào bản kiến nghị của VBF. Bởi nếu không dỡ bỏ rào cản này thì mức thuế thực nộp ở nước ta sẽ thuộc diện cao trên thế giới, không khuyến khích đầu tư mới, cũng như mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật này vẫn đề nghị, không bổ sung quy định về lộ trình tiến tới bỏ quy định về mức khống chế chi phí được trừ đối với chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến sản xuất (gọi chung là chi cho quảng cáo). Bởi việc khống chế mức chi cho quảng cáo sẽ tránh tình trạng lạm dụng quy định của pháp luật để trốn thuế, hay chiếm dụng trái phép tiền, tài sản doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chủ tịch Công ty Luật Basico Trương Thanh Đức cho rằng, việc các khoản chi cho quảng cáo dù có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lệ không được tính vào chi phí là trái với nguyên tắc cơ bản của hạch toán kinh doanh. Quy định như vậy cũng phủ nhận vai trò của chi phí bán hàng đối với sự thành, bại của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Và sẽ gây ra tình trạng dù kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn bị pháp luật xác định là có lãi và phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo ông Trương Thanh Đức, cần nghiên cứu bỏ giới hạn này, bởi chi phí bao nhiêu không quan trọng, mà hơn cả là chi phí này có thật hay không. Thực tế, chi phí hợp lệ, hợp pháp của doanh nghiệp này cũng là thu nhập của doanh nghiệp, cá nhân khác.

Hãy để doanh nghiệp tự quyết định mức chi cho quảng cáo vì thực tế không phải lúc nào cũng cần chi lớn cho quảng cáo. Trong điều kiện hiện nay, nếu chưa thể xóa bỏ giới hạn mức chi cho quảng cáo, thì hãy khống chế ở mức 15% tổng doanh thu. Việc giới hạn chi quảng cáo trên tổng doanh thu sẽ dễ thực hiện hơn so với xác định từ tổng chi của doanh nghiệp.

Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị, quy định ngay trong luật thế nào là quảng cáo, tiếp thị để doanh nghiệp và cơ quan thuế cùng thuận tiện trong quá trình xác định thu nhập được khấu trừ khi tính thuế. Đồng thời, quy định mức khống chế theo tỷ lệ % trên doanh thu của doanh nghiệp, không quy định tỷ lệ % trên tổng chi phí được trừ; lộ trình tiến tới bỏ mức khống chế chi phí được trừ đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại để bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế...

Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến trình Quốc hội Kỳ họp tới, Bộ Tài chính đề xuất nâng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại từ 10% hiện hành lên 15% tổng chi phí, đồng thời bỏ mức ưu đãi 15% cho các doanh nghiệp mới thành lập 3 năm đầu; loại bỏ một số khoản chi ra khỏi diện chi phí khống chế như chiết khấu thanh toán, chi báo biếu, báo tặng.