Nền kinh tế đang nhú “mầm xanh” trên mảnh đất khô cằn
(Tài chính) Theo TS. Nguyễn Đức Thành, tuy có “mầm xanh” trong tăng trưởng ngắn hạn, nhưng thực chất nền kinh tế vẫn nằm trong chu kỳ đi xuống. Nếu không cải cách khu vực Nhà nước, khu vực tài chính ngân hàng, đầu tư xây dựng cơ bản thì khó vực dậy nền kinh tế trong chu kỳ dài hạn. Đặc biệt, chính sách kinh tế phải linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế, không được chủ quan.
Đó là nhận định của TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khi đưa ra dự báo về triển vọng kinh tế tại Tọa đàm "Triển vọng kinh tế và tầm nhìn chính sách năm 2014” được Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức mới đây.
Vẫn còn đó những nỗi lo...
Theo phân tích của TS. Nguyễn Đức Thành, mặc dù tăng trưởng kinh tế năm 2013 có nhích lên so với năm 2012 và một số chuyên gia đã kỳ vọng đây là vùng đáy. Nhưng thực chất điều này không đơn giản như vậy, bởi cơ cấu của GDP của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào công nghiệp xây dựng và dịch vụ, trong khi mức tăng trưởng của các chỉ số ngành này nhiều năm nay vẫn ở mức thấp dưới 10%.
"Tổng cầu của nền kinh tế vẫn yếu, trong đó vực nhà nước lại tăng tỷ trọng trong các năm 2012-2013 (giữ khoảng 40% trong nền kinh tế) và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên với mức giải ngân ổn định khoảng 10 tỷ USD/năm. Điều này cho thấy cầu tại khu vực kinh tế tư nhân phục hồi không đáng kể," ông Thành nói.
Đồng tình với nhận định về bức tranh kinh tế còn nhiều mảng tối, TS. Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, kinh tế năm 2014 có thể khá hơn, song cũng có khả năng kém hơn tùy thuộc vào chính sách và điều hành.
Nhìn lại bức tranh kinh tế năm 2013, TS. Hồ nhận định, về tổng thể, nền kinh tế vẫn còn ở vùng trũng, chưa thấy rõ tín hiệu thoát đáy.
Theo ông, tình hình kinh tế vĩ mô đã có chuyển biến khá tích cực thể hiện ở chỗ lạm phát thấp, tăng trưởng nhích lên, xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Bên cạnh đó, FDI tiếp tục được duy trì, đặc biệt đã thu hút thêm nhiều dự án lớn; cán cân thanh toán được đảm bảo; lãi suất giảm; tỷ giá ổn định…
Tuy nhiên, nợ xấu vẫn cao; thị trường bất động sản chưa có lối ra; sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn; sức mua chưa có nhiều chuyển biến; tín dụng yếu. Hệ quả là tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng đầu tư công, kéo theo bội chi ngân sách lớn…
Vị chuyên gia kinh tế này cũng nhắc lại tựa đề của Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2013 - sản phẩm nghiên cứu chính của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách “Trên đường gập ghềnh hướng tới tương lai” để miêu tả về trạng thái nền kinh tế hiện nay là hoàn toàn xác đáng.
Dự báo tình hình chung năm 2014, theo TS. Hồ vẫn là nhùng nhằng, “có thể khá hơn một chút, cũng có khả năng kém hơn tùy thuộc vào chính sách và điều hành có mới hơn và quyết liệt hơn đến mức nào”.
Thực tế thời gian qua cho thấy, đề xuất cải cách nền kinh tế được đưa ra từ năm 2011, nhưng năm 2012- 2013, Việt Nam vẫn chưa đổi mới được gì. TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh thêm, thời gian qua, việc ổn định cũng như cải cách của Việt Nam mới chỉ là đặt ra chương trình chưa gắn liền với hành động.
“Ổn định của Việt Nam thời gian qua là làm mọi cách cho tình hình trở nên bình thường trở lại, rõ nhất là trong cách ổn định hệ thống ngân hàng”, TS. Võ Trí Thành nói.
Thận trọng trong chính sách và điều hành vĩ mô
Khuyến nghị về chính sách và điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới, TS. Nguyễn Đức Thành đề xuất, khi có dấu hiệu tăng trưởng nhẹ trở lại thì chính sách ngắn hạn phải điều chỉnh, trong đó có những chính sách liên quan đến kích thích kinh tế vẫn sử dụng liên tục từ 2010 đến nay phải rút lại. Ví dụ như gói 30.000 tỷ đồng cho bất động sản, chính sách về lãi suất... nếu tiếp tục duy trì, dòng vốn sẽ chảy sang thị trường chứng khoán, nơi đang có hiện tượng hình thành “bong bóng nhỏ” trong thời kỳ suy thoái.
“Nếu không cải cách khu vực Nhà nước, khu vực tài chính ngân hàng, đầu tư xây dựng cơ bản thì khó vực dậy nền kinh tế trong chu kỳ dài hạn. Đặc biệt, chính sách kinh tế phải linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế, không được chủ quan”, ông Thành nói.
Dưới một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Minh Phong, Phó Vụ trưởng Báo Nhân dân cho rằng, năm 2014, thương mại thế giới sẽ có bước phát triển ấn tượng, với mức tăng chung có thể đạt tới 4,5%, gấp 2 lần so với năm 2013, nhờ vào niềm tin tiêu dùng, niềm tin đầu tư khiến các hoạt động kinh doanh toàn cầu gia tăng.
Vì vậy, "đây là những yếu tố thuận lợi có tác động lan tỏa tích cực đồng thời Việt Nam vẫn có không ít lợi thế cạnh tranh, kể cả về nhân công. Theo tạp chí Forbes, Việt Nam là một điểm đến lý tưởng đối với nhiều nhà đầu tư quốc tế, khi mà chi phí gia công ở Ấn Độ, Trung Quốc vẫn đang gia tăng," ông Phong nói.
Đồng tình với ý kiến về việc tận dụng những cơ hội từ bên ngoài, TS. Lê Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghệ và Thương Mại (Bộ Công Thương) cho rằng, kinh tế thế giới cho thấy sự chạm đáy tại năm 2013 và bắt đầu hồi phục trong năm 2014, theo đó Việt Nam sẽ có thuận lợi hơn trong hoạt động xuất khẩu.
Song, ông Phương cảnh báo, các yếu tố bất lợi vẫn có thể xảy ra. "Việc các gói kích cầu lớn của những quốc gia phát triển tung ra trước đó cộng hưởng với triển vọng phục hồi là tiền đề cho lạm phát quay trở lại. Trong khi nền sản xuất trong nước ảnh hưởng nhiều từ nhập khẩu, nên Việt Nam cần cẩn trọng với nguy cơ nhập khẩu lạm phát," ông Phương nhận định.